1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Kỷ vật đặc biệt từ Việt Nam của cựu Trung tá phi công Mỹ

An Bình

(Dân trí) - Hai cha con cựu Trung tá phi công Hải quân Mỹ Eugene Wilber và Thomas Wilber đã mang theo những kỷ vật đặc biệt từ Việt Nam trong một cuộc diễu hành tại Mỹ.

Năm 1968, máy bay do Trung tá phi công Hải quân Mỹ Gene Wilber điều khiển đã bị bắn rơi trên bầu trời Nghệ An, miền Trung Việt Nam. Ông Wilber trở thành tù binh tại Nhà tù Hỏa Lò.

Là người có lương tri, ông Wilber có cảm tình với các quản giáo tại Nhà tù Hỏa Lò, với đất nước, con người Việt Nam. Ngay trong thời gian sống tại Nhà tù Hỏa Lò và sau khi về nước, ông đã chuyển sang ủng hộ cuộc đấu tranh vì độc lập, thống nhất của Việt Nam và phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ.

Khi về nước, ông Wilber đã truyền lại tình cảm yêu mến Việt Nam cho con trai Thomas Wilber, người sau đó nhiều lần đến Việt Nam và nỗ lực đóng góp cho việc hàn gắn quan hệ hai nước hậu chiến tranh.

Bài viết mới đây của ông Thomas Wilber, người cũng là một cựu chiến binh, trên báo USA Today nhân Ngày Tưởng niệm của Mỹ (30/5) đã nhận được sự chú ý từ phong trào hòa bình, phản chiến và những người bạn ủng hộ Việt Nam và quan hệ Việt - Mỹ.

Kỷ vật đặc biệt từ Việt Nam của cựu Trung tá phi công Mỹ - 1

Hai cha con Wilber và bình hoa được làm từ mảnh vỡ của một máy bay Hải quân Mỹ bị bắn rơi tại Việt Nam năm 1968 (Ảnh: Gia đình Wilber).

6 năm trước, vào Ngày Tưởng niệm, tôi đã giúp cha mình sắp xếp lại các món đồ trong bộ quân phục màu trắng của ông. Nhà tổ chức địa phương đã đề nghị cả hai cha con tôi tham gia một cuộc diễu hành tại thị trấn của chúng tôi với tư cách là các quân nhân về hưu. Vì sao lại cả hai? Vì chúng tôi đại diện cho 2 thế hệ thành công kế tiếp đều từng phục vụ trong hải quân.

Trước khi rời nhà để tham gia cuộc diễu hành, cha và tôi đã cùng chụp ảnh với những thứ mà chúng tôi mang theo. Tôi cầm một vật vốn xuất phát từ chiếc máy bay F-4J của ông mà tôi đã sưu tập 2 tuần trước đó, tại một ngôi làng ở tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, nơi chiếc máy bay bốc cháy của ông lao xuống vào năm 1968. Trong suốt nhiều năm sau đó, nó đã được sử dụng thành bình cắm hoa vào dịp Tết - lễ năm mới âm lịch của người Việt.

Cha tôi, Gene Wilber, đã nhảy dù khỏi máy bay chỉ 2 giây trước khi nó bị bắn rơi, lao xuống một cánh đồng. Nhưng thật không may là đồng nghiệp của ông ngồi ở ghế sau - một người chồng và cũng là người cha 24 tuổi - đã không thể thoát ra ngoài vào đúng Ngày của cha vào năm 1968.

47 năm sau đó, Gene cầm trong tay một lọ đất nhỏ mà tôi lấy từ hiện trường vụ rơi máy bay - nơi an nghỉ cuối cùng của người bạn ông, Bernie. Chúng tôi đã mang những thứ đó trong cuộc diễu hành vào năm 2015.

Đó là Ngày Tưởng niệm cuối cùng của cha tôi. Ba tuần sau đó, ông được chẩn đoán mắc ung thư não giai đoạn 4. Và chỉ 2 tuần sau, ông qua đời. Mảnh vỡ từ động cơ máy bay một lần nữa biến thành một bình hoa, lần này được trưng bày ngay tại lễ tang ông.

Đứng thẳng với ông là việc khó khăn trong những ngày cuối đời, nhưng ông đã đứng vững, ngay cả khi là một tù binh chiến tranh. Là một phi công chuyên nghiệp giàu kinh nghiệm và sĩ quan chỉ huy đội máy bay chiến đấu, ông từng nghĩ rằng ông chiến đấu cho hòa bình tại Việt Nam. Nhưng ông đã hoài nghi về điều đó ngay cả trước khi máy bay bị bắn rơi. Khi bị giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội, ông đã có thời gian suy nghĩ một cách thấu đáo. Gene đi đến kết luận rằng cuộc chiến của Mỹ là phi nghĩa và sai lầm, và ông đã tin như vậy trong suốt cuộc đời còn lại.

Hầu hết các cựu tù binh khác quay sang phản đối cuộc chiến cho rằng họ phải giấu kín suy nghĩ đó, vì lo ngại nếu nói ra có thể ảnh hưởng tới sự nghiệp quân ngũ, thậm chí có thể bị tống giam khi hồi hương. Nhưng cha tôi đã lên tiếng phản đối cuộc chiến, cả trong và sau khi bị giam giữ. Với ông, lương tâm là điều rất quan trọng. Cuộc chiến là sai trái. Nếu không nói ra điều đó, sự im lặng của ông giống như là tự phản bội.

Cha đã phải trả giá đắt vì phản đối cuộc chiến. Sau gần 5 năm bị giam giữ, ông trở về nhà và bị xem như một nhân vật chống đối cùng nhiều người khác, bị đem ra "tế thần" cho nỗi xấu hổ về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ. Vào năm 1973, chính quyền Nixon đã tổ chức Chiến dịch Hồi hương chào đón các tù binh chiến tranh trở về như là hiện thân của "hòa bình trong danh dự" và tạo ra làn sóng chỉ trích đối với những người phản chiến.

Kỷ vật đặc biệt từ Việt Nam của cựu Trung tá phi công Mỹ - 2

Bình hoa đặc biệt được đặt trong lễ tang ông Wilber vào ngày 15/7/2015 (Ảnh: Gia đình Wilber).

Bảo vệ Hiến pháp, chứ không phải mệnh lệnh của cấp trên

Đối phó với những tiếng nói chỉ trích cuộc chiến, cách làm mới đã khiến người ta dễ dàng đổ lỗi về sự thất bại của Mỹ trong cuộc chiến cho các tù binh bất đồng chính kiến và rộng hơn là phong trào phản chiến. Vào thời điểm Chiến dịch Hồi hương diễn ra, hàng trăm nghìn người Mỹ đã xuống đường tuần hành, trong đó có hàng chục nghìn binh sĩ và cựu chiến binh.

Khi lảng tránh các câu hỏi mà Gene Wilber và các cựu tù binh khác đã nêu ra, hoặc hoàn toàn không hay biết về tiếng nói bất đồng của họ, văn hóa của chúng ta vẫn gắn liền với một quá khứ sai lầm. Điều này khiến mọi người luôn phải nhai đi nhai lại một điều: "Mọi việc chưa kết thúc".

Nếu Gene Wilber muốn truyền tải một thông điệp tới các quân nhân và gia đình họ trong Ngày Tưởng niệm năm nay, ông sẽ nói gì? Cha tôi không phải là người phản đối quân đội. Ông đã nhận thức được tầm quan trọng của quân đội. Ông đã tình nguyện tham gia hải quân và thực hiện hơn 200 sứ mệnh chiến đấu tại Triều Tiên và Việt Nam. Nếu còn sống hôm nay, ông có thể sẽ nói: Hãy ủng hộ và bảo vệ Hiến pháp, đó là nghĩa vụ của bạn. Hãy nhớ rằng lòng trung thành chân chính nhất của bạn phải cao hơn mệnh lệnh trực tiếp của cấp trên, cao hơn chuỗi mệnh lệnh, thậm chí cao hơn thể chế, để đạt tới các nguyên tắc mà dựa trên đó đất nước được thành lập. Hãy luôn giữ tâm trong sáng!