1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Kỷ nguyên mới cho Syria và Trung Đông sau khi Mỹ rút quân

Sau khi Mỹ rút quân khỏi Syria, nhiều khả năng sẽ xuất hiện cục diện trật tự Syria hậu xung đột mềm mại hơn với các bên, kể cả Israel.

Với việc Lầu Năm Góc ban ra lệnh chính thức về việc rút quân khỏi Syria, một điều bất định lớn đã chấm dứt. Quyết định của Tổng thống Mỹ Trump đang được thực hiện. Công luận hiện dành sự chú ý cho việc Mỹ rút quân.

Sau một cuộc điện đàm vào tuần trước với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, ông Trump cho hay việc rút quân sẽ diễn ra từ từ nhưng được điều phối chặt chẽ.

Kỷ nguyên mới cho Syria và Trung Đông sau khi Mỹ rút quân - Ảnh 1.

Một xe chiến thuật của thủy quân lục chiến nằm trên con đường ở vùng nông thôn tỉnh Hasakeh, Syria, vào ngày 21/12/2018. Ảnh: AFP.


Hôm 24/12, Tổng thống Erdogan tiết lộ rằng một phái đoàn quân sự Mỹ sẽ thăm Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận chi tiết về vấn đề này. Cùng ngày, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố ở Ankara rằng ông sẽ sang Nga để “đánh giá quá trình” quân đội Mỹ rút lui.Phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng xác nhận điều này: Hai nhà lãnh đạo nhất trí bảo đảm điều phối giữa giới chức quân sự, ngoại giao và các quan chức khác của hai nước nhằm tránh một khoảng trống quyền lực có thể xuất hiện tại Syria.

Tránh tạo khoảng trống quyền lực

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có các cuộc thảo luận với cả Mỹ và Nga. Trong khi đó, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã tập trung ở biên giới với Syria và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, họ “có kế hoạch vào phía đông sông Euphrates càng sớm càng tốt”.

Ngoại trưởng Cavusoglu cho biết thêm, Thổ Nhĩ Kỳ “đang nỗ lực bảo đảm không xảy ra khoảng trống quyền lực sau khi Mỹ rút khỏi Syria trong bối cảnh các nhóm khủng bố rất mong muốn lấp đầy khoảng trống đó nếu có”.

Thực sự thì mọi việc không đơn giản như vậy. Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị căng mỏng nếu họ chiếm toàn bộ dải đất nằm về phía đông Euphrates mà Mỹ đang rời bỏ - nơi này tương đương với khoảng 1/3 diện tích Syria.

Người Kurd và các bộ lạc Arab sẽ không hoan nghênh quân Thổ Nhĩ Kỳ vào đây chiếm đóng, trong khi các nhóm tàn dư khủng bố IS có thể muốn lợi dụng khoảng trống quyền lực do Mỹ tạo ra khi rút đi.

Chính quyền Syria cũng kiên định trong cam kết giành lại quyền kiểm soát tất cả các lãnh thổ của họ, đặc biệt là các khu vực phía đông Euphrates, nơi có nhiều mỏ dầu và nguồn nước của Syria.

Các mỏ dầu này cung cấp nguồn thu tài chính quan trọng cho Syria. Trước chiến tranh, Syria thường sản xuất tới 387.000 thùng dầu mỗi ngày, trong đó có tới 140.000 thùng được xuất khẩu. Phần lớn lượng dầu này là từ vùng phía đông.

Không ngoa khi nói rằng khu vực phía đông Euphrates hội tụ cả chính trị, an ninh và dầu mỏ, đòi hỏi cách xử lý phải hết sức khéo léo, nhạy bén. Thổ Nhĩ Kỳ không thể tự mình xử lý tình hình tại đây.

Tuy nhiên, Nga thì lại được kỳ vọng sẽ đóng vai trò chính yếu ở đây, với tư cách là người đàm phán, trọng tài và người đảm bảo. Ở đây có vài khả năng. Nga sẽ phải kiềm chế Thổ Nhĩ Kỳ trong việc đưa quân sâu vào lãnh thổ Syria. Đồng thời Nga phải nhượng bộ các mối quan ngại chính đáng của Thổ Nhĩ Kỳ về mặt an ninh trong việc tạo ra một vùng đệm dọc biên giới.

Như thế có nghĩa là, Nga sẽ phải dùng ảnh hưởng của mình với các chiến binh người Kurd để yêu cầu họ rời khỏi khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, đồng thời phải hỗ trợ cho quá trình hòa giải giữa người Kurd và chính phủ Syria theo hướng đáp ứng việc đưa vùng phía đông Euphrates trở về dưới sự kiểm soát của Damascus.

Người Kurd đàm phán trong thế yếu

Cộng đồng người Kurd ở Syria sẽ đàm phán trong thế yếu. Tuy nhiên người Kurd có một điều tốt lành là họ có một đối tác trung gian quen thuộc – người Nga. Ngoài ra, người Kurd đã từ lâu có một mức độ chung sống hòa bình với các lực lượng chính phủ Syria ở miền bắc Syria trong suốt 7 năm nội chiến.

Rắc rối sẽ phát sinh nếu Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng mang đến các chiến binh Syria đối lập mà họ huấn luyện với mục tiêu giúp lực lượng này định cư ở đông bắc Syria. Damascus sẽ không dung thứ hành động nào của Thổ Nhĩ Kỳ mà phía Syria xem là mưu toan mở rộng lãnh thổ hay hồi sinh các nhóm đối lập đã bị đánh bại. Trong khi đó, người Kurd sẽ kháng cự bất cứ nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc “thực dân hóa” mảnh đất quê hương của họ.

Số phận long đong của dân tộc Kurd khi Mỹ rút quân khỏi Syria VOV.VN - Dân tộc Kurd bị xẻ làm 4 đã khát vọng độc lập trong hàng bao thập kỷ. Với việc Mỹ rút quân khỏi Syria, người Kurd ở đây lại mất đi một hy vọng.

Thế nhưng, tình hình có thể ổn định tính cực không mấy khó khăn nếu dịch chuyển thêm xuống phía nam, tới biên giới Syria-Iraq ở Al-Tanf, nơi Mỹ có một căn cứ quân sự và một khu vực an ninh rộng 50km2. Từ đây có thể mở lại con đường nối Syria với Iran thông qua Iraq.

Có một điều nghịch lý như sau: Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ là “bên thắng cuộc” nếu Mỹ rời khỏi Syria, nhưng trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ lại ngày càng phụ thuộc vào sự giúp đỡ và thiện chí của Nga.

Trên thực tế, Damascus sẽ là bên chiến thắng chính sau khi Mỹ rút quân. Nỗ lực làm ổn định tình hình Syria đã trở nên dễ dàng hơn nhiều với việc hạ màn cuộc chiến ủy nhiệm ngầm giữa Mỹ và Nga ở Syria.

Tổng thống Trump đã đăng trên mạng xã hội Twitter thông tin nói rằng Saudi Arabia đã hứa hẹn tài trợ cho việc tái thiết Syria. Điều đó ngụ ý rằng Mỹ không còn cấm vận viện trợ cho Syria. Điều này cũng phù hợp với xu hướng “tái kết nạp” Syria trở lại thế giới Arab sau bao năm cô lập.

Thế ngoại giao mới của Syria

Hồi tháng 9 vừa qua, Ngoại trưởng Syria và người đồng cấp Bahrain đã ôm nhau bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York. Kể từ đó, các phái đoàn Arab đã lần lượt tới Damascus để chuẩn bị cho việc mở lại các cơ quan ngoại giao ở Syria. UAE đi đầu trong việc mở lại đại sứ quán của họ ở Damascus.

Một dấu hiệu tích cực nữa cho Syria là người đứng đầu ngành tình báo Syria, Ali Mamlouk, đã tới thăm chính thức Cairo theo lời mời của người đồng cấp Ai Cập Abbas Kamel. Mamlouk là một thành viên của giới thân cận của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad. Tin tức cho hay, ông ta và Kamel đã thảo luận “các vấn đề chính trị, an ninh và chống khủng bố”.

Cuộc gặp của Mamlouk ở Cairo diễn ra chỉ một tuần sau khi Tổng thống Sudan Omar al-Bashir thăm Damascus. Chuyến thăm của ông Bashir là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một lãnh đạo Arab tới Syria kể từ khi nội chiến Syria bùng nổ vào năm 2011.

Lãnh đạo Algeria cũng đang có kế hoạch thăm Tổng thống Assad...

Điểm nổi bật trong các sự kiện này là các đồng minh khu vực của Mỹ ở Trung Đông Hồi giáo đang khôi phục quan hệ với Syria, với tín hiệu “bật đèn xanh” từ Washington.

Nhiều khả năng Washington đang tính toán rằng nên khuyến khích chính thể tại Syria quay trở về với chính sách đa dạng truyền thông của họ thay vì phụ thuộc vào sự hậu thuẫn của Iran.

Israel chắc chắn đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Việc thiết lập mối liên lạc chính thức giữa cơ quan tình báo Syria và Ai Cập hẳn phải là điều mà Israel quan tâm đặc biệt, vì ở đây có khả năng mở ra quan hệ mới giữa Israel và Syria. Nếu các xu hướng nói trên được duy trì thì sau cuộc bầu cử quốc hội Israel vào tháng 4/2019, nước này có thể có một hàng xóm Syria mới thân thiện hơn nhiều./.

Theo Trung Hiếu

VOV