1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Kinh tế châu Á liệu đã thực sự hồi phục?

(Dân trí) - Trong bối cảnh Trung Quốc và Việt Nam, với lợi thế chi phí nhân công thấp, đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường sản xuất, gia công, thì các nước có tiền lương cao hơn, như Malaysia, sẽ không thể cạnh tranh...

Nếu chỉ nhìn vào bề nổi, chúng ta dễ vội vàng đi đến nhận định rằng nền kinh tế châu Á đã hoàn toàn hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997. Nhưng thực tế là vẫn còn nhiều vấn đề mà nếu không giải quyết triệt để, các nước sẽ khó tạo được một bước ngoặt trong tiến trình phát triển.

 

Dạo bước trên các con phố ở khu thương mại trung tâm Bangkok ngày nay sẽ khó có thể tượng tượng được rằng mới chỉ cách đây 10 năm, nền kinh tế Thái Lan đã từng sụp đổ, thị trường tài chính chao đảo. Tại các khu mua sắm dọc theo đường Ploenchit, những người Thái ăn vận chỉnh tề, tay xách laptop, tay cầm điện thoại di động, đổ vào các cửa hiệu thời trang và nhà hàng cao cấp.

 

Tại sàn chứng khoán Bangkok, các nhân viên liên tục ghi nhận biến động của giá cổ phiếu. Đồng baht Thái liên tục tăng so với đồng đôla Mỹ. Những tòa nhà khang trang, hiện đại đang mọc lên ở khắp nơi, dần thế chỗ cho những khu nhà xây dựng dở dang do cuộc khủng hoảng tài chính cách đây một thập kỷ.

 

Thực tế là trên toàn châu Á, có vẻ như chẳng còn một hình ảnh nào gợi nhớ về thảm họa tài chính đó. Châu Á một lần nữa đã lấy lại vị thế “con rồng” trong nền kinh tế toàn cầu. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo năm nay Đông Á sẽ có mức tăng trưởng kinh tế 8%.

 

Thu nhập bình quân của 5 nước chịu tác động mạnh nhất của cuộc khủng hoảng giờ đây đã trở lại hoặc thậm chí là vượt mức của năm 1997. Tất cả các nước lớn ở châu Á đều đang áp dụng chính sách dự trữ tiền tệ đầy thận trọng, nhằm ngăn chặn nguy cơ lặp lại cuộc khủng hoảng tương tự hồi năm 1997, khi ngân khố Thái Lan gần như trống trơn.

 

Châu Á đã bắt đầu xây dựng thể chế tài chính riêng, trong đó có hiệp định thương mại tự do ký kết giữa Trung Quốc với 10 nước Đông Nam Á, và hàng loạt thỏa thuận trao đổi tiền tệ, tạo tiền đề để hình thành một Quỹ tiền tệ quốc tế trong khu vực. Từ Jakarta đến Đài Bắc, hàng loạt dự án bất động sản đang được triển khai.  

 

Tuy nhiên, bên dưới lớp vỏ hào nhoáng ấy, nhiều vấn đề từng là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nhiều thập niên qua, một số nền kinh tế châu Á như Thái Lan và Malaysia tăng trưởng dựa vào hoạt động xuất khẩu sang thị trường các nước đang phát triển, mà chủ yếu là các mặt hàng giá trị trung bình và thấp. Nhưng một nền kinh tế không thể chỉ dựa vào xuất khẩu, nên một vài nước Đông Á đã nỗ lực phát triển thị trường tiêu dùng trong nước vững mạnh.

 

Trong bối cảnh Trung Quốc và Việt Nam, với lợi thế chi phí nhân công thấp, đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường sản xuất, gia công, thì các nước có tiền lương cao hơn, như Malaysia, sẽ không thể  cạnh tranh. Khi muốn đầu tư vào Đông Nam Á, tập đoàn công nghệ Intel đã quyết định chọn Việt Nam là nơi để xây dựng nhà máy mới trị giá 300 triệu USD. Trên thực tế, nguồn vốn đầu tư ở nhiều nước châu Á, ngoài Ấn Độ và Trung Quốc, vẫn rất thấp.

 

Một nhà kinh tế lớn của Malaysia nói: “Người ta sẽ không đầu tư vào Malaysia. Thậm chí chính người Malaysia còn đang tìm đến nơi khác để đầu tư, ví dụ như Trung Quốc”.

 

Nhiều quốc gia Đông Nam Á vẫn còn tồn đọng một số vấn đề. Mặc dù các nước như Thái Lan khẳng định là có nền giáo dục tiểu học phát triển, tạo ra lực lượng lao động đủ trình độ học vấn cần thiết để phục vụ hoạt động sản xuất cơ bản, nhưng hệ thống giáo dục trung học còn yếu nên trình độ dân trí chưa đủ sức cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tiếng Anh và một số kỹ năng nâng cao không thể thiếu của thế kỷ 21.

 

Do đó, những nước này bị “mất điểm” so với các nước nói tiếng Anh như Ấn Độ, và rơi vào tình trạng chỉ có một tỷ lệ nhỏ trong dân số đáp ứng được yêu cầu mới của thời đại, nên khoảng cách về thu nhập ngày một tăng. Với những người có mức thu nhập trung bình, việc mua sắm điện thoại di động, ô tô và quần áo mới đều là mua chịu.

 

Điển hình như ở Philippines, chỉ có rất ít người thuộc tầng lớp thượng lưu mới ngồi uống cà phê ở cửa hàng Starbucks ở khu trung tâm thương mại Makati, trong khi ở thủ đô Manila có hơn 100.000 người phải kiếm sống qua ngày bằng nghề bới rác.

 

Thậm chí những nước giàu nhất khu vực, như Singapore, cũng không có nhiều công dân đủ trình độ và sự sáng tạo để có thể tự thành lập và điều hành công ty của chính mình. Doanh nghiệp nhỏ vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng.

 

Bên cạnh đó là tình trạng tham nhũng. Mối quan hệ thiếu minh bạch giữa doanh nghiệp với ngân hàng đã dẫn đến nhiều hợp đồng “mờ ám” ở các nước như Hàn Quốc và Thái Lan; theo đó ngân hàng cho vay tiền mà không thực sự đánh giá tiềm lực của bên vay.

 

Cú sốc từ cuộc khủng hoảng tài chính được nhìn nhận là sẽ góp phần cải thiện chính sách quản lý doanh nghiệp. Trên thực tế, đúng là nhiều nước đã thấm thía bài học xương máu. Ví dụ như Hàn Quốc đã quyết tâm làm trong sạch môi trường kinh doanh và áp dụng các quy định chặt chẽ hơn trong lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, một số nước vẫn thường xuyên để xảy ra các vụ bê bối liên quan đến hoạt động ngân hàng.

 

Với nguồn dự trữ tiền tệ khá vững chắc, hầu hết các nước châu Á đều ít có nguy cơ rơi vào đợt khủng hoảng như hồi năm 1997. Nhưng nếu thiếu động lực cải tổ, thì mặc dù vẫn tăng trưởng đều nhưng các nước sẽ không bao giờ có thể trở thành một nền kinh tế phát triển.

 

Đặng Lê

Theo New Republic