1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Kiểm soát quyền lực của Tổng thống Mỹ, bao nhiêu mới là đủ?

Liệu có nên trao quyền hạn tương đương cho các đời Tổng thống Mỹ khác nhau đang là bài toán khó đặt ra trong việc kiểm soát quyền lực của họ.

Nới lỏng kiểm soát từ sau vụ 11/9

Theo trang web chuyên giám sát hoạt động của Nhà Trắng White House Watch sự khác biệt về quyền hạn mà mỗi Tổng thống Mỹ được hưởng có thể cảm nhận rõ rệt nhất qua 2 Tổng thống của đảng Cộng hòa là George H.W. Bush (Bush “cha”) và Tổng thống đương nhiệm Donald Trump.

Kiểm soát quyền lực của Tổng thống Mỹ, bao nhiêu mới là đủ? - 1

Quyền lực của ông George H.W. Bush bị kiểm soát khá nhiều sau các vụ bê bối Watergate và Irangate. Ảnh: Reuters

Theo đó, trong khi quyền lực của ông Bush “cha” bị giới hạn hoàn toàn theo những quy định chặt chẽ đối với một Tổng thống Mỹ thời hậu Nixon thì ông Trump lại là “một nhà lãnh đạo của kỷ nguyên hậu 11/9” với quyền lực được mở rộng gần như tuyệt đối mà ít chịu sự kiểm soát để đảm bảo sự cân bằng quyền lực như dưới thời ông Bush “cha”.

Giáo sư khoa Luật Đại học Mỹ Chris Edelson nhận định: “Tôi cho rằng, điểm khác biệt lớn nhất chính là, những di sản của những vụ bê bối như Watergate và Irangate đã không còn tác động đến việc cần phải kiểm soát chặt chẽ quyền lực của các Tổng thống Mỹ như trước đây nữa”.

Đáng chú ý, người tiên phong “cởi trói” quyền lực cho các Tổng thống Mỹ lại chính là George W. Bush (Bush “con”). Vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 là “cái cớ không thể tốt hơn” để ông Bush “con” giành lại quyền chủ động cho một Tổng thống Mỹ sau khi Quốc hội Mỹ dưới sức ép của Chính phủ và người dân nước này vào năm 2002 thông qua “Nghị quyết về Iraq” trong đó nhấn mạnh “Tổng thống Mỹ được phép sử dụng mọi biện pháp” để đối phó với Iraq.

Cùng với việc phát động cuộc chiến chống Iraq, ông Bush “con” đã thông qua Học thuyết Hành pháp Đơn nhất do Phó Tổng thống Dick Cheney khởi xướng, trong đó khẳng định quyền kiểm soát tối cao của Tổng thống Mỹ đối với toàn bộ nhánh hành pháp của nước này bất chấp điều này bị cho là xung đột với Điều II của Hiến pháp Mỹ quy định về quyền hạn của Tổng thống nước này.

Theo Giáo sư Edelson, đây là “hành động tấn công trực tiếp vào nền tảng nhà nước pháp quyền của Mỹ và cho phép Tổng thống có quyền ‘dẹp sang một bên” luật pháp trong một số lĩnh vực cụ thể”. Dù vậy, thay vì tìm cách ngăn chặn, Quốc hội Mỹ lại khuyến khích ông Bush “con” tiếp tục thâu tóm quyền lực.

Đến lượt mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tục mở rộng thêm quyền lực thông qua những quyết định cá nhân như cho phép quân đội sử dụng máy bay không người lái tiêu diệt các mục tiêu định trước, cho phép cơ quan an ninh mở rộng diện giám sát số lượng lớn hay cho phép lực lượng chức năng Mỹ có thể giam giữ tù nhân vô thời hạn.

Tổng thống Trump đang có “quá nhiều quyền hạn”?

Liên quan đến Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, Giáo sư Edelson nhận xét: “Quyền lực của ông Trump hiện đã vượt xa những gì mà những người tiền nhiệm như ông Bush và ông Obama được hưởng. Ông ấy có quyền thực hiện gần như bất kỳ điều gì ông ấy muốn. Tuy nhiên, điều này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến việc buộc Tổng thống phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về những gì ông ấy làm”.

Kiểm soát quyền lực của Tổng thống Mỹ, bao nhiêu mới là đủ? - 2

Tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Ảnh: Reuters

Cùng chung quan điểm với Giáo sư Edelson, Giáo sư Sử học Đại học Princeton Julian Zelizer lý giải: “Quyền lực của ông Trump được tăng cường một phần là do sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội, đặc biệt là Twitter, nơi ông Trump thường xuyên chia sẻ thông điệp của mình. Điều này khiến Tổng thống dễ dàng tiếp cận công chúng nhưng lại không bị ai đó “gác cổng”.

Việc một Tổng thống có quá nhiều quyền hạn đã khiến các chuyên gia buộc phải đưa ra những cảnh báo về an ninh. Giáo sư Luật Đại học Mỹ Jennifer Daskal nhận định: “Quyền lực quá lớn đã khiến Tổng thống đưa ra những quyết định then chốt về quân sự mà không cần sự phê chuẩn của Quốc hội”.

Theo Giáo sư Daskal, Tòa án Tối cao và Quốc hội Mỹ cũng “có một phần trách nhiệm” trong việc này: “Có rất nhiều lĩnh vực mà cả Tòa án và Quốc hội Mỹ rất bị động trong việc kiểm soát quyền lực của Tổng thống, trong đó có cả những lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia”.

Cùng chung quan điểm này, Giáo sư Turley nhận định: “Quyền hạn của Tổng thống Mỹ đã được mở rộng liên tục trong hàng chục năm qua và giờ rất khó để các nhà lập pháp và Tòa án có thể giới hạn quyền lực của Tổng thống để đảm bảo sự cân bằng về quyền lực theo mô thức Tam quyền phân lập”.

Giáo sư Turley cảnh báo, trong lịch sử nước Mỹ, chưa có một Tổng thống nào dễ dàng chấp nhận từ bỏ quyền lực được gia tăng từ các đời Tổng thống tiền nhiệm. Chính vì thế, theo Giáo sư Turley, một câu hỏi lớn được đặt ra hiện nay là liệu Quốc hội và Tòa án Tối cao Mỹ có buộc được ông Trump hoặc người kế nhiệm ông ấy phải làm điều này?.

Theo Trần Khánh

VOV.VN