1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Khu trục hạm Leader - Nga: “Căn cứ tên lửa khổng lồ trên biển”

Khu trục hạm lớp Leader của Nga được trang bị sức mạnh khủng khiếp với tổng cộng 204 quả tên lửa, trong đó có cả P-800 Onyx và S-500, S-350.

Leader: Lớn nhất trong các khu trục hạm thế giới

Ngày 15-6-2015 vừa qua, tại gian trưng bày của Diễn đàn quân sự quốc tế “Army-2015” được tổ chức tại ngoại ô Moscow, nước chủ nhà đã đưa ra trưng bay một mô hình tàu khu trục thu hút được sự quan tâm của đồng đảo các chuyên gia quân sự và khách tham quan.

Theo thông tin của truyền thông Nga, mô hình này là tàu khu trục lớp Leader, có lượng giãn nước tới gần 2 vạn tấn, có sức mạnh vượt trội hầu hết các khu trục hạm và tuần dương hạm tiên tiến trên thế giới và sẽ là một chiến hạm mặt nước chủ lực của hải quân Nga trong tương lai.

Vậy sức mạnh của chiến hạm này so với các tàu khu trục “đồng hạng” của Mỹ và Trung Quốc ra sao? Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” của Trung Quốc đã có bài phân tích, đánh giá sức mạnh của các tàu khu trục DDG-1000 lớp Zumwalt của Mỹ, Type 055 của Trung Quốc và Leader của Nga.

Theo nguồn tin của Tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga, hải quân nước này đã giao cho Cục thiết kế Phương Bắc chịu trách nhiệm thiết kế, nghiên cứu chế tạo khu trục hạm thế hệ mới, nằm trong chương trình hiện đại hóa trang bị quân đội Nga có tổng kinh phí 325 tỷ USD, đến năm 2020 sẽ thay mới 70% trang bị.

Khu trục hạm lớp Leader của Nga sẽ là tàu khu trục lớn nhất thế giới. (
Khu trục hạm lớp Leader của Nga sẽ là tàu khu trục lớn nhất thế giới. (Ảnh đồ họa)

Công tác thiết kế bắt đầu được triển khai vào đầu năm nay và đến Army-2015 vừa qua, con tàu chính thức lộ diện với mô hình thiết kế sử dụng động cơ turbin khí. Tuy nhiên, hải quân Nga cũng đã phê duyệt cả 2 thiết kế sử dụng động cơ thông thường và động cơ hạt nhân.

Khu trục hạm tương lai lớp Leader của hải quân nước này có chiều dài khoảng 200m, rộng 20m với lượng giãn nước lên tới 17.500 tấn. Tàu được trang bị động cơ turbin khí mạnh mẽ giúp nó đạt vận tốc 30 hải lý/h, với khả năng hành trình tối đa trên biển mà không cần tiếp liệu là 90 ngày.

Với kích thước cực lớn, Leader xứng đáng là khu trục hạm lớn nhất thế giới, vượt qua cả tuần dương hạm lớp Slava của Nga, khu trục hạm lớp Arleigh Burke, tuần dương hạm lớp Ticonderoga của Mỹ và khu trục hạm Type 055 của Trung Quốc, chỉ chịu kém mỗi tuần dương hạm hạt nhân lớp Kirov của Nga.

Hệ thống hỏa lực cực mạnh

Xem xét các vị trí lắp đặt vũ khí có thể thấy rằng con tàu có hệ thống hỏa lực cực mạnh, xứng với danh xưng là “kho vũ khí trên biển”. Boong trước lắp đặt 1 khẩu pháo hạm, phía sau nó dày đặc các tổ hợp phóng tên lửa thẳng đứng, gồm nhiều kích cỡ.

Khu trục hạm lớp Leader của Nga xứng đáng là kho tên lửa di động trên biển
Khu trục hạm lớp Leader của Nga xứng đáng là kho tên lửa di động trên biển

Có thể nhận thấy, mặt trước boong chia làm 3 đơn nguyên phóng, đơn nguyên phía trước và giữa, mỗi đơn nguyên là 6 cụm, mỗi cụm 4 ống phóng; phía sau lả 6 cụm, mỗi cụm 8 ống phóng có kích thước nhỏ hơn. Ở phần giữa tàu, phía sau đài chỉ huy cũng được thiết kế chỗ lắp đặt các hệ thống phóng.

Nhìn từ góc độ này có cảm giác như con tàu là một căn cứ tên lửa di động trên biển, thể hiện rõ tư tưởng lấy tên lửa làm trọng của hải quân và cả quân đội Nga. Theo một số nguồn tin con tàu này được trang bị tổng cộng 204 quả tên lửa chống hạm, phòng không và chống ngầm.

Cụ thể, tàu có khả năng mang theo 60 tên lửa hành trình chống hạm tầm xa thế hệ mới P-800 Onyx, 128 quả tên lửa phòng không tầm gần, tầm trung và tầm xa, trong đó có cả phiên bản trên hạm của S-500 và S-350E Vityaz (có tầm phóng 500 và 250km), cùng với 16 quả tên lửa chống ngầm.

Sự hiện diện của những hệ thống phòng không tiên tiến như S-500 và S-350 đã giúp con tàu có hệ thống phòng không nhiều tầng lớp, giúp nó có khả năng đánh chặn tất cả các phương tiện tấn công từ trên không như máy bay, tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay không người lái.
 
Thiết kế tổng quan của khu trục hạm lớp Leader của Nga thể hiện rõ sự kế thừa tư tưởng lấy vũ khí tên lửa làm chủ của các nhà thiết kế dưới thời Liên Xô. Điều này thể hiện rõ ngay cả trong thiết kế những con tàu thông thường không được coi trọng về mặt vũ khí như tàu sân bay hay tàu đổ bộ.

Ví dụ như hàng không mẫu hạm Kuznetsov được chế tạo dưới thời Liên Xô cũng được thiết kế có khả năng mang phóng các tên lửa hành trình chống hạm tầm bắn siêu xa (600km) như P-700 Granit. Từ đây có thể nhận thấy, Nga sẽ tiếp tục kế thừa tư tưởng thiết kế “lấy tên lửa chế thắng” của Liên Xô.

Hiện nay, hải quân Nga đang biên chế 2 loại tàu khu trục thuộc lớp Sovremenny và Udaloy. Đây là 2 lớp tàu được thiết kế theo công nghệ Liên Xô những thập niên 80 của thế kỷ trước, trong vòng 10 năm nữa sẽ hoàn toàn nghỉ hưu. Khi đó, lực lượng tàu khu trục Nga hầu như trở về con số 0.

Hơn nữa, những tàu khu trục hạng nặng của Nga chỉ mạnh về khả năng chống ngầm và chống hạm, cơ bản không có tính năng tàng hình, khả năng phòng không hạm đội rất kém. Cả lực lượng hải quân Nga chỉ có các tuần dương hạm lớp Slava và lớp Kirov là được trang bị tên lửa phòng không tầm xa S-300F Fort.

Khu trục hạm lớp Leader được thiết kế không có nhà chứa máy bay trực thăng
 
Khu trục hạm lớp Leader được thiết kế không có nhà chứa máy bay trực thăng

Bởi vậy, thiết kế tàu khu trục tương lai siêu khủng lớp Leader với lượng giãn nước lớn, hệ thống tên lửa chống hạm, phòng không/phòng thủ tên lửa và cực mạnh sẽ là sự bổ sung quý báu cho lực lượng tác chiến mặt nước của Nga, mởi ra kỷ nguyên hiện đại hóa các trang bị hải quân của nước này.

Khu trục hạm Nga: Tư duy chế tạo vẫn theo kiểu Liên Xô

Theo giới thiệu tàu thuộc thế hệ khu trục hạm tàng hình tương lai của hải quân Nga. Xem xét mô hình tại phòng trưng bày cho thấy, nó có thiết kế cột buồm dạng tháp tàng hình, tích hợp thiết bị radar và điện tử bên trong; phía đuôi có sàn đáp trực thăng hạng nặng.

Từ mô hình thiết kế nhận thấy một điểm rất lạ là tàu khu trục loại này không có khả năng mang theo máy bay trực thăng trong các chuyến hải hành tầm xa bởi không thấy thiết kế nhà kho máy bay.

Đây là một điều bất thường đối với những chiến hạm có lượng giãn nước và đóng vai trò quan trọng trong lực lượng hải quân. Trong tương lai, rất có thể các nhà thiết kế Nga sẽ phải có sự điều chỉnh thiết kế để tàu có thể mang theo ít nhất 1 trực thăng săn ngầm trong suốt cả hành trình.

Một đặc điểm dễ nhận thấy là đài chỉ huy và tháp cột buồm của tàu (tích hợp các hệ thống radar và tác chiến điện tử) tương đối “cao to”, tạo cảm giác hơi mất cân đối.

Khu trục hạm lớp Leader còn nhiều khiếm khuyết trong thiết kế
Khu trục hạm lớp Leader còn nhiều khiếm khuyết trong thiết kế

Từ kích cỡ của chúng có thể nhận thấy, kích thước thiết bị và khả năng tích hợp hệ thống của Nga “có vấn đề”, do đó, nước này sẽ mất nhiều thời gian để rút ngắn khoảng cách về công nghệ đối với các cường quốc khác.

Xem xét mô hình tàu khu trục lớp Leader tại “Army-2015” có thể nhận thấy, tàu được thiết kế nhấn mạnh vào tính năng tàng hình - một “điểm yếu” cố hữu của ngành đóng tàu Nga. Tuy nhiên, thiết kế này vẫn còn nhiều khiếm khuyết về từng mảng và cả bố cục tổng thể.

Có thể nhận định rằng, khu trục hạm Nga vẫn đi theo lối mòn phân tuyến các khu vực trên tàu, tồn tại các khối thiết kế phức tạp, nhiều góc cạnh, tạo các cấu trúc có thể phản xạ sóng radar nên tính năng tàng hình của nó vẫn còn kém xa khu trục hạm DDG-1000, với thiết kế đột phá của Mỹ.

Từ thiết kế của Leader của Nga - với khu trục hạm mô hình thí nghiệm và Trung Quốc - mô hình kích thước 1:1 của Type 055 (chứ không phải con tàu thật), có thể nhận định là 2 nước này còn rất xa mới tiếp cận được công nghệ của khu trục hạm số 1 thế giới lớp Zumwalt sắp được biên chế cho hải quân Mỹ.

Điều này chúng ta sẽ tìm hiểu trong kỳ sau: “Trung Quốc thừa nhận khu trục hạm Mỹ “đỉnh” nhất thế giới”.

Theo Thiên Nam
Đất Việt