1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Giáo sư Carlyle Thayer:

Không rơi vào “quỹ đạo” để tránh bị lệ thuộc

Giáo sư Carlyle Thayer, một chuyên gia quốc tế hàng đầu về Việt Nam và khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục kiên trì thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa.

“Để bảo vệ nền độc lập, Việt Nam có lúc phải điều chỉnh ở khía cạnh này, khía cạnh khác nhưng tư tưởng xuyên suốt là không rơi vào quỹ đạo của nước nào để tránh bị lệ thuộc, không liên minh với nước khác để tránh tạo ra kẻ thù”, Giáo sư Carlyle Thayer nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, tại Hà Nội.

Chính sách “3 không” là hoàn hảo

Phóng viên (PV): Ông từng đánh giá rằng trong 40 năm sau thống nhất, Việt Nam đã thành công trong việc điều chỉnh chiến lược trong chính sách đối ngoại để bảo vệ độc lập, chủ quyền. Theo ông, trong thời gian tới Việt Nam có cần tiếp tục điều chỉnh không? Có ý kiến cho rằng, chính sách “3 không” (không liên minh, liên kết; không đi với nước này chống nước kia; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam) của Việt Nam hiện không còn phù hợp, ông nghĩ sao về điều này?

Giáo sư Carlyle Thayer. (Ảnh:

Giáo sư Carlyle Thayer. (Ảnh: Trọng Hải)

GS Carlyle Thayer: Tôi không nghĩ rằng Việt Nam cần thay đổi chính sách hiện nay. Từ năm 1991, Việt Nam kiên trì thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa. Việc điều chỉnh của Việt Nam trong thời gian qua là thay đổi trọng tâm qua từng giai đoạn, ví dụ như từ trọng tâm hội nhập kinh tế sang trọng tâm chủ động hội nhập quốc tế. Tôi cũng tin Việt Nam không muốn có một chính sách đối ngoại gây hại cho nước khác. Việt Nam cần giữ trạng thái cân bằng trong quan hệ giữa các cường quốc.

Để bảo vệ nền độc lập, Việt Nam có lúc phải điều chỉnh ở khía cạnh này, khía cạnh khác nhưng tư tưởng xuyên suốt là không rơi vào quỹ đạo của nước nào để tránh bị lệ thuộc, không liên minh với một nước khác để tạo ra kẻ thù. Một ví dụ thành công của chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa là vào năm 1989 khi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, chỉ có rất ít nước không thuộc khối XHCN quan hệ với Việt Nam, nay con số này đã là hơn 160.

Tất nhiên, trong chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa thì không phải tất cả các mối quan hệ đều quan trọng như nhau. Chính vì lẽ đó, Việt Nam thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với nhiều nước quan trọng. Trước tiên là Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Sau đó, quan hệ Đối tác chiến lược với Trung Quốc và Nga được nâng cấp và với Nhật Bản được mở rộng. Có người nói rằng, quan hệ Đối tác chiến lược chỉ là vài tờ giấy. Hoàn toàn không phải vậy. Chúng tạo ra một cơ chế quan trọng trong hợp tác song phương. Chúng đặt ra mục tiêu, kế hoạch hành động và kiểm điểm đã thực hiện được những việc gì.

Chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa giúp Việt Nam hội nhập kinh tế thành công là điều rõ ràng. Song, bên cạnh khía cạnh hợp tác còn có mặt đấu tranh. Mỹ luôn gây sức ép về vấn đề dân chủ, nhân quyền, song Việt Nam đã phản bác lại bằng thực tế rằng dân chủ ở Việt Nam ngày càng mở rộng, nhân quyền ngày càng được bảo đảm tốt hơn. Đối với Trung Quốc là vấn đề Biển Đông, thì thời gian qua Việt Nam đã rất thành công trong việc vận động sự ủng hộ của dư luận thế giới, ví dụ như vụ giàn khoan Hải Dương 981.

Còn chính sách 3 không đã được nêu trong Sách Trắng Quốc phòng Việt Nam. Theo tôi, đây là chính sách hoàn hảo của Việt Nam và dư luận cần hiểu rõ thêm về nó.

Nói tóm lại, chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa đã góp phần rất quan trọng để Việt Nam giữ vững độc lập tự chủ, bảo vệ chủ quyền cũng như nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

PV: Nhìn nhận của ông về đối ngoại quốc phòng của Việt Nam trong những năm gần đây và vai trò của đối ngoại quốc phòng trong tổng thể chính sách đối ngoại của Việt Nam?

GS Carlyle Thayer: Việt Nam đang nhận ra rằng đối ngoại quốc phòng ngày càng trở nên quan trọng. Việt Nam đã mở Phòng Tùy viên quốc phòng tại nhiều nước với đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản. Từ năm 1999 cho đến nay, Australia đã tiếp nhận khoảng 1.200 lượt quân nhân Việt Nam sang học tập các khóa ngắn và dài hạn. Tôi đã từng phụ trách một khóa đào tạo sĩ quan cấp cao, làm giáo viên hướng dẫn cho học viên Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Australia. Lúc đầu cũng có người hoài nghi làm sao các học viên quân sự Việt Nam có thể theo học được, thế nhưng các học viên đã chứng minh được bằng năng lực chuyên môn của mình. Từ sự thành công của các Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, việc Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+) ra đời hồi năm 2010 tại Hà Nội, việc cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, những chuyến ngoại giao con thoi của lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam, những chuyến thăm Việt Nam của lãnh đạo quân đội, tàu quân sự các nước… có thể thấy đối ngoại quốc phòng thực sự đã trở thành một “binh chủng” trên mặt trận đối ngoại của Việt Nam.

Có thể phát triển sự tin cậy Việt-Trung từ hợp tác nghề cá

Ông Carlyle Thayer, người Australia, từng có nhiều thời gian làm việc tại nhiều nơi trên thế giới như Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng-Đại học Quốc gia Australia (Australia), Trung tâm Các vấn đề Quốc tế-Đại học Harvard (Mỹ), Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore)… Ông hiện là giáo sư danh dự của Học viện Quốc phòng Australia. Ông được biết đến trên phạm vi quốc tế qua các nghiên cứu và ấn phẩm viết về chính trị Việt Nam và các vấn đề an ninh Đông Nam Á. Giáo sư Carlyle Thayercũng là một chuyên gia kỳ cựu, một diễn giả uy tín về vấn đề Biển Đông.
PV: Hồi cuối tháng 4 vừa qua, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm Trung Quốc. Đánh giá của ông về chuyến thăm này thế nào?

GS Carlyle Thayer: Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 10-2013 của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, nhiều thỏa thuận đã được hai bên ký kết. Lúc đó, tôi nghĩ quan hệ Việt-Trung sẽ có thêm nhiều bước tiến, thế nhưng nó lại bị thụt lùi vì vụ giàn khoan Hải Dương 981. Khi xảy ra cuộc khủng hoảng giàn khoan Hải Dương 981, tôi được biết, Trung Quốc đã cự tuyệt nhiều nỗ lực liên lạc của Việt Nam. Làm sao có thể giải quyết được rắc rối khi không chịu hồi đáp? Chính vì vậy, chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vừa qua là cần thiết. Trước đó, ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trên danh nghĩa Đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng đã sang thăm Trung Quốc ngay sau khi Trung Quốc rút giàn khoan. Trước đây, tại các cuộc gặp cấp cao, Việt Nam và Trung Quốc đã giải quyết được vấn đề biên giới trên bộ, phân định trên Vịnh Bắc Bộ, vì vậy việc xúc tiến trao đổi đoàn cấp cao là rất cần thiết.

Phía Trung Quốc dành sự đón tiếp trọng thị đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Giờ đây hai nước đang từng bước tiến về phía trước. Tôi cho rằng, tình trạng quan hệ Việt Nam-Trung Quốc hiện đã quay trở lại như giai đoạn tháng 10-2013.

PV: Tại cuộc hội đàm ở Bắc Kinh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng trở ngại lớn nhất trong quan hệ Việt-Trung là sự tin cậy chính trị chưa cao. Theo ông, làm cách nào hai bên giải quyết được vấn đề này?

Carlyle Thayer: Rõ ràng, Việt Nam và Trung Quốc có quan điểm khác biệt lớn về vấn đề chủ quyền trên biển. Tuy nhiên, sự tin cậy chính trị có thể được xây dựng từng bước một. Theo tôi, có thể bắt đầu từ việc hợp tác trong lĩnh vực đánh bắt cá.

Tất nhiên, ngư dân cả hai bên không được đánh bắt các loại hải sản cần được bảo vệ. Việc giáo dục ngư dân, quản lý nguồn lợi hải sản là cần thiết bởi một khi chúng cạn kiệt sẽ dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt. Tuy vậy, không thể đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá và hành xử tồi tệ với ngư dân. Một lần phát biểu tại Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng, tôi đã nói rằng, tại Australia, nếu tấn công tàu đánh cá nước khác, người nổ súng sẽ bị truy đến cùng rằng ai cho phép làm việc đó? Liệu rằng có phải bị đe dọa trực tiếp đến tính mạng đến nỗi phải nổ súng hay không? Sinh mạng con người rõ ràng không thể đem ra so sánh với cái gọi là bảo vệ nguồn lợi hải sản được.

Hợp tác cùng phát triển cũng là một cách xây dựng lòng tin. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây là việc khó hơn nhiều lĩnh vực nghề cá. Kể cả ở khu vực không có tranh chấp thì khi bàn thảo hợp tác chắc mỗi bên cũng phải có đến 20 ông luật sư.

Coi trọng Việt Nam

PV: Năm nay đánh dấu 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Mỹ. Ông đánh giá thế nào về lĩnh vực hợp tác quốc phòng-an ninh giữa Việt Nam và Mỹ trong thời gian qua?

GS Carlyle Thayer: Quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ đã đạt được nhiều tiến triển trong các lĩnh vực ưu tiên hợp tác được xác định trong Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương năm 2011 như an ninh biển, đối thoại  cấp cao, tìm kiếm và cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, chia sẻ kinh nghiệm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình... Các chuyến trao đổi đoàn quân sự cấp cao thường xuyên giúp hai bên hiểu biết nhau hơn. Mỹ đã cam kết hỗ trợ 18 triệu USD nhằm nâng cao năng lực cho lực lượng Cảnh sát biển của Việt Nam. Một bước đi tích cực khác là việc Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Hai nước đã có các cuộc đối thoại quốc phòng thường niên hiệu quả. Cánh cửa cơ hội hợp tác giữa quân đội hai nước vẫn còn rộng mở, đặc biệt là trong các vấn đề hàn gắn vết thương chiến tranh như khắc phục hậu quả chất độc da cam/đi-ô-xin, vật liệu chưa nổ sót lại sau chiến tranh, tìm kiếm quân nhân mất tích (MIA)…

PV: Ông nhìn nhận chuyến thăm Mỹ sắp tới của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ra sao?

GS Carlyle Thayer: Việc chính quyền Tổng thống Barack Obama mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm cho thấy sự coi trọng của Mỹ đối với Việt Nam và cá nhân ông Tổng Bí thư mặc dù trong hệ thống chính trị của Mỹ không có "người đồng cấp tương ứng”. Chuyến thăm Mỹ sắp tới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khiến tôi nhớ tới chuyến thăm Australi của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh năm 2009 với lễ đón được tổ chức trọng thể theo nghi thức cao nhất của Nhà nước Australia dành cho nguyên thủ quốc gia. Từ Toàn quyền, Thủ tướng cho đến các lãnh đạo đối lập Australia đều có cuộc gặp, hội kiến với Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, cho thấy sự nhất trí ủng hộ cũng như quan tâm của toàn bộ chính giới Australia với Việt Nam.

Mỹ sẽ không thay đổi Chiến lược “Xoay trục”

PV: Xin ông cho biết ý kiến của mình về tương lai chiến lược tái cân bằng của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương?

GS Carlyle Thayer: Trước đây, Ngoại trưởng Condoleezza Rice và Tổng thống George W.Bush thường không tham dự hội nghị với ASEAN nhưng đến thời Tổng thống Obama thì ngược lại. Ông Obama nói với các thành viên chính phủ rằng họ cần đến châu Á. Đây chính là “sự hiện diện thường xuyên” của Mỹ tại khu vực.

Chiến lược “Xoay trục” hay “tái cân bằng” của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương là một thuật ngữ nên cách gọi có thể sẽ thay đổi phụ thuộc vào các chính phủ cầm quyền. Tuy nhiên, về bản chất thì sẽ không có sự thay đổi. Không bao giờ có khả năng Mỹ sẽ rút khỏi khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Xét tới những nguy cơ ở Trung Đông và khả năng một chính phủ do người của Đảng Cộng hòa nắm quyền sắp tới, thì chính phủ mới cũng có thể “quên” khái niệm “xoay trục” hay “tái cân bằng”. Mặc dù vậy, những cam kết cơ bản của quân đội Mỹ đối với khu vực vẫn nguyên vẹn và kế hoạch triển khai khoảng 60% lực lượng hải quân đến địa bàn châu Á-Thái Bình Dương vẫn tiếp diễn cùng với các loại vũ khí, khí tài hiện đại như tàu ngầm tấn công mới, hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo…

PV: Theo ông, vị trí của các nước như Nhật Bản và Ấn Độ trên bàn cờ an ninh khu vực là như thế nào?

GS Carlyle Thayer: Nhật Bản gần đây đã thay đổi chính sách quốc phòng để đóng vai trò tích cực hơn trong bối cảnh môi trường an ninh châu Á có nhiều thay đổi. Tôi cho rằng, chúng ta sẽ thấy được sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa hai đồng minh Nhật Bản và Mỹ về lĩnh vực an ninh, nhất là lực lượng bảo vệ bờ biển. Nhật Bản cũng sẽ tăng cường cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á.

Đối với Ấn Độ, nước này có vấn đề biên giới trên bộ chưa được giải quyết với Trung Quốc. Mặc dù Ấn Độ mong muốn nhận được nhiều đầu tư từ Trung Quốc nhưng cũng có mong muốn mở rộng vai trò của mình trong khu vực. Một điều đáng chú ý khác là Ấn Độ sẽ không trở thành đồng minh của Mỹ vì hai bên có nhiều sự khác biệt.

PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!.

Theo Bảo Trung – Lâm Toàn (thực hiện)
Quân đội Nhân dân