1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Không quân Nga tại Iran – Thế cờ hiểm đến từ Moscow

Ngày 16-8, Bộ Quốc phòng Nga đã xác nhận việc triển khai các máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 và máy bay tiêm kích-bom Su-34 tại căn cứ không quân Hamedan, miền Tây Iran với mục đích tăng cường năng lực không kích chống lại các nhóm khủng bố tại Syria.

Động thái trên của Nga được giới chuyên gia quốc tế đánh giá là “bước đi chiến thuật quan trọng” không chỉ giúp giải quyết dứt điểm cuộc nội chiến ở Syria, mà còn giúp mở ra một chương hợp tác quốc phòng mới giữa Moscow và Tehran.

Ngay sau tuyên bố của Nga, Thư ký Ủy ban An ninh tối cao Iran, Chuẩn Đô đốc Ali Shamkhani tuyên bố với hãng thông tấn IRAN, Tehran đang rất hài lòng với sự hợp tác giữa hai nước trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria và Iran sẵn sàng hỗ trợ phía Nga về cơ sở hạ tầng để đạt được mục đích chiến lược trên.

Trong khi đó, chuyên gia cao cấp chuyên phân tích về tình hình địa chính trị tại Trung Đông, Sabbah Zanganeh đánh giá: “Quá trình hợp tác giữa Nga và Iran trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria đã được nâng lên một cấp độ mới. Nó là dấu hiệu tốt bên cạnh mặt trận ngoại giao để Moscow và Tehran có thể cùng nhau giải quyết dứt điểm mối nguy cơ khủng bố ở Syria. Iran đã đồng ý cho phép Không quân Nga sử dụng các sân bay và cơ sở hạ tầng cần thiết tại nước này để tấn công các vị trí của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm khủng bố khác tại Syria”.

So sánh hành trình bay của máy bay Tu-22M3 từ Nga và từ Iran tới Syria. Ảnh: Google map.
So sánh hành trình bay của máy bay Tu-22M3 từ Nga và từ Iran tới Syria. Ảnh: Google map.

Khi nói về hoạt động của lực lượng Không quân Nga tại căn cứ Hamedan, chuyên gia S. Zanganeh cho biết, động thái trên sẽ giúp giảm thời gian phản ứng, tăng cường độ và chất lượng các đợt ném bom. Điều này là yếu tố then chốt hỗ trợ lực lượng trên bộ tại Syria, đặc biệt là chiến trường Aleppo hiện nay. Ông S. Zanganeh nhận định, lực lượng chính phủ Syria sẽ sớm giải quyết dứt điểm chiến sự tại tỉnh Aleppo và người dân Syria sẽ sớm được trở về nhà.

Trong khi đó, chuyên gia Hassan Khani Zadeh, cựu tổng biên tập cơ quan thông tấn Iran MehrNews đánh giá, việc Không quân Nga triển khai tại căn cứ Hamedan có “tầm quan trọng chiến thuật đặc biệt” nhất là trong bối cảnh lực lượng chính phủ Syria đang gặp khó khăn ở chiến trường khác do quân lực có hạn, lại phải căng ra chiến đấu tại nhiều mặt trận. Cùng với đó, động thái trên của Nga sẽ giúp cơ hội giải quyết cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm ở Syria rõ ràng hơn bao giờ hết.

“Vai trò của Nga trong cuộc chiến chống IS và các nhóm khủng bố khác tại Syria là đặc biệt quan trọng. Việc triển khai nhóm không quân tại Iran là bước đi hợp lý để hiện thực hóa vấn đề này”, ông H. Khani Zadeh nói.

Dù có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng giới chuyên gia đều có chung nhận định, điểm nhấn quan trọng cho việc thay đổi cục diện nội chiến tại Syria là chuyến viếng thăm Nga của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan mới đây. Sau cuộc hội kiến với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức thay đổi quan điểm của mình đối với vấn đề Syria. Cụ thể, Ankara tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới ngăn dòng chảy nhân lực, vật lực cho các nhóm khủng bố tham chiến ở Syria và công nhận sự hợp pháp của chính quyền Damascus hiện tại.

Không quân Nga tại Iran – Thế cờ hiểm đến từ Moscow - 2
Nhóm Không quân Nga triển khai tại căn cứ Hamedan. Ảnh: Rian.
Nhóm Không quân Nga triển khai tại căn cứ Hamedan. Ảnh: Rian.

“Một điều có thể thấy rõ ràng là Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn tham gia liên minh chống lại IS của Nga và Iran”, chuyên gia S. Zanganeh nhận định. Quan điểm này cũng nhận được sự đồng thuận của nhiều chuyên gia khác.

Yếu tố trên kết hợp với việc Nga triển khai lực lượng không quân tại Hamedan là minh chứng rõ ràng cho sự thành công của Nga và Iran trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria. Lực lượng Không quân Nga đồn trú tại Hamedan có thể chỉ là trong thời gian ngắn, nhưng hiệu quả về tác chiến, cũng như về chính trị của động thái này là quá rõ ràng. Với mục tiêu chung là tiêu diệt IS sớm nhất có thể, hợp tác quốc phòng giữa Nga và Iran sẽ tiếp tục được tăng cường.

Tuy nhiên, động thái trên của Nga chắc chắn không làm Mỹ và phương Tây hài lòng và “những quân cờ mới tiếp theo” tại cuộc nội chiến Syria sẽ sớm xuất hiện.

Đường bay thông thường của các máy bay Tu-22M3 từ căn cứ Mozdok tại miền Nam nước Nga đến Syria dài khoảng hơn 2.000km. Với cự ly xa như trên, máy bay Tu-22M3 chỉ mang tối đa được 8 tấn bom, tên lửa và dự trữ hành trình bay tại Syria khoảng 15 phút. Tuy nhiên, khi được triển khai tại căn cứ không quân Hamedan, cự ly tác chiến tới Syria chỉ khoảng hơn 9.00km, máy bay Tu-22M3 có thể mang tới 22 tấn bom, tên lửa và dự trữ hành trình đạt tới 30 phút. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm tới 60% nhiên liệu của máy bay Tu-22M3 trong mỗi chuyến hành trình, mà còn giúp tăng cường độ không kích nhằm vào các nhóm khủng bố tại Syria từ 1 phi vụ/ngày lên tới 4 phi vụ/ngày.

Theo Tuấn Sơn

Quân đội nhân dân