1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Không quân Mỹ, Nga và Trung Quốc: Nước nào thống trị bầu trời?

Một báo cáo mới đây đã cho thấy quy mô của các lực lượng không quân trên thế giới mà theo đó Mỹ, Nga và Trung Quốc là những nước đứng đầu.

Một nghiên cứu vừa được FlightGlobal - trang web trực tuyến của tạp chí hàng đầu về hàng không vũ trụ Flight International công bố đã cho thấy lực lượng không quân Mỹ đứng đầu trong các hạng mục, trong khi xếp thứ 2 và thứ 3 lần lượt là Nga và Trung Quốc.

Không quân Mỹ, Nga và Trung Quốc: Nước nào thống trị bầu trời? - 1

Chiến đấu cơ đa nhiệm thế hệ thứ 5 Sukhoi Su-57 trình diễn tại sân bay quốc tế Zhukovskiy ngày 27/8/2019 ở Nga.

Với khoảng 13.266 máy bay chiến đấu và trực thăng các loại, Mỹ rõ ràng là quốc gia dẫn đầu trong các hạng mục liên quan đến không lực và chiếm khoảng 1/4 toàn bộ số lượng các chiến đấu cơ trên thế giới. Vị trí dẫn đầu của Lầu Năm Góc vẫn được duy trì trong 6 hạng mục gồm có: máy bay chiến đấu, máy bay thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, xe tăng, máy bay vận chuyển, trực thăng chiến đấu cùng với trực thăng và máy bay huấn luyện.

Nga đứng ở vị trí thứ 2 với 4.163 máy bay và trực thăng quân sự trong khi vị trí thứ 3 thuộc về Trung Quốc với 3.210 máy bay như vậy. Các quốc gia có số lượng máy bay xếp sau đó gồm Ấn Độ (2.123), Hàn Quốc (1.649), Nhật Bản (1.561), Pakistan (1.372), Pháp (1.229), Thổ Nhĩ Kỳ (1.055), Ai Cập (1.054)...

Mặc dù Mỹ là quốc gia đứng đầu nhưng khu vực Bắc Mỹ - nơi các máy bay của Mỹ chiếm 97% tổng số máy bay của khu vực đã giảm 1% về số lượng các chiến đấu cơ trong năm vừa qua. Châu Phi cũng giảm 1% số lượng các máy bay trong khi lực lượng không quân Mỹ Latin giảm 4% cùng thời gian.

Khu vực châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương gần như không có thay đổi gì trong khi Trung Đông tăng 1% số lượng các máy bay và Nga cùng với Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) chứng kiến sự gia tăng số lượng các máy bay lớn nhất với tỷ lệ là 2%.

Những diễn biến mới trong báo cáo này đã phản ánh những thay đổi về địa chính trị trên thế giới. "Những xung đột trong chính sách ngoại giao đã định hình lại các quan hệ quốc phòng trong năm 2019 với căng thẳng quốc tế giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng gia tăng", báo cáo trên nhận định, đồng thời dẫn ra việc Ankara không được tham gia chương trình tiêm kích F-35 của Lầu Năm Góc sau khi Thổ Nhĩ Kỳ phớt lờ cảnh báo của Mỹ về việc mua hệ thống tên lửa đất đối không S-400 từ Nga.

Một minh chứng nữa cho nhận định mà báo cáo này miêu tả là "sự dịch chuyển về các liên minh” là việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan - một thành viên của liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu, công khai cân nhắc đến khả năng sẽ mua tiêm kích Su-35 và Su-57 của Nga để thay thế cho F-35.

Thủ tục chuyển giao các phần của S-400 đến Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn tất và nếu Ankara tiếp tục mua các chiến đấu cơ từ Moscow, nước này có thể sẽ vấp phải các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Risch - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện trong một tuyên bố ngày 11/12 đã nhận định: "Chừng nào mà S-400 vẫn còn ở Thổ Nhĩ Kỳ và do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát thì sẽ không có chiếc F-35 nào đến nước này. Đó là lựa chọn của ông Erdogan và ông ấy nhận thức rõ về những hậu quả này".

Theo Kiều Anh

VOV