1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

“Không chỉ Philippines hứng chịu ý đồ xóa bỏ quyền lợi ở Biển Đông”

(Dân trí) - Philippines không phải là nước duy nhất liên tục phải hứng chịu những hiểu lầm và những ý đồ xóa bỏ các quyền lợi chính đáng của những quốc gia ven Biển Đông - Phó tổng thống Philippines Jejomar Binay nói trong cuộc hội thảo về Biển Đông của các chuyên gia ASEAN.

 
“Không chỉ Philippines hứng chịu ý đồ xóa bỏ quyền lợi ở Biển Đông” - 1
Phó tổng thống Philippines Jejomar Binay.
 
Cuộc hội thảo do Philippines đăng cai, diễn ra trong hai ngày 22- 23/9, với sự tham dự của các chuyên gia về luật biển đến từ các nước thành viên ASEAN để thảo luận vấn đề hợp tác giải quyết tranh chấp tại Biển Đông.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó tổng thống Philippines Jejomar Binay kêu gọi các chuyên gia luật pháp cố gắng xây dựng một mặt trận ASEAN thống nhất để ngăn chặn những hành động quyết đoán của Trung Quốc coi gần như toàn bộ Biển Đông thuộc chủ quyền của mình, kể cả những vùng biển ngay sát một số quốc gia Đông Nam Á.

Ông Binay nói giải quyết tranh chấp có thể "mất nhiều thế kỷ".

Trong cuộc hội thảo, các chuyên gia pháp lý của ASEAN trao đổi đề xuất của Philippines với nội dung xây dựng khu vực Biển Đông đang có tranh chấp, thành một “Khu vực Hòa bình, Tự do, Hữu nghị và Hợp tác trong khuôn khổ luật pháp” (ZoPFF/C).

Philippines đã đề xuất giải pháp ZoPFF/C cho vấn đề Biển Đông tại cuộc họp Ngoại trưởng ASEAN tổ chức ở Bali (Indonesia) hồi tháng 7 vừa qua.

Phó tổng thống Binay nhấn mạnh, đề xuất trên của Philippines chỉ tập trung vào những khu vực biển có tranh chấp và chỉ tại những nơi này, thì các bên liên quan có thể thảo luận về khả năng hợp tác cùng khai thác tài nguyên. Những vùng biển không có tranh chấp thì chỉ chịu sự tài phán của quốc gia có chủ quyền.

Ông Henry Bensurto, Tổng Thư ký Trung tâm Hàng hải và Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Philipines, đồng thời là người chủ trì hội nghị lần này hôm qua tuyên bố hội thảo lần này nhằm tăng cường sự hiểu biết chung trong khối ASEAN về đề xuất ZoPFF/C.

Ông Bensurto cho biết kết quả hội thảo sẽ được báo cáo cho ASEAN để tổ chức này đề nghị các bộ trưởng ngoại giao xem xét lại trước khi diễn ra Hội thượng đỉnh ASEAN lần thứ 19 vào tháng 11 tới tại Bali, Indonesia.

Có nguồn tin ngoại giao Philippines nói với báo giới rằng Trung Quốc phản đối hội nghị này. Bắc Kinh hỏi có lý do gì ASEAN lại can dự với tư cách một khối trong khi đa số thành viên không liên quan tranh chấp.

Bốn nước trong ASEAN - gồm Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam - đều tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.

Mới hôm 19/9, tại Brussels (Bỉ), cũng diễn ra một hội nghị với chủ đề "An ninh hàng hải trên Biển Đông", tổ chức ở Viện nghiên cứu châu Âu về các vấn đề châu Á (EIAS). Đáng chú ý, hội thảo ở Bỉ do Đại sứ quán Việt Nam, Philippines và Indonesia đồng tổ chức.

Việt Hà
Theo Inquirer.net, AFP, BBC