1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Không cần thử nghiệm, Triều Tiên vẫn có thể phát triển hạt nhân

(Dân trí) - Chuyên gia Nhật Bản nhận định Triều Tiên đã đạt đến trình độ khoa học và công nghệ cao tới mức nước này có thể phát triển vũ khí hạt nhân mà không cần tiến hành các cuộc thử nghiệm.

Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 hồi tháng 7 (Ảnh: Reuters)
Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 hồi tháng 7 (Ảnh: Reuters)

“Triều Tiên liên tục nâng cấp công nghệ của nước này và hiện đã đạt đến mức độ mà theo tính toán của tôi, họ không cần tiến hành thêm các vụ kích nổ bom hạt nhân để thử nghiệm và phát triển các loại vũ khí liên quan khác. Tất nhiên, đó chỉ là phỏng đoán của tôi, song nó được đưa ra dựa trên sự phân tích về 6 vụ thử hạt nhân từng được Triều Tiên tiến hành”, TASS dẫn lời Phó Giáo sư Tetsuo Sawada tại Viện Công nghệ Tokyo, Nhật Bản cho biết ngày 27/10.

Theo chuyên gia Sawada, vụ nổ bom nhiệt hạch mới nhất của Triều Tiên hồi tháng 9 là vụ thử “đặc biệt thành công”. Trước đó, Bình Nhưỡng đã tiến hành 5 vụ thử hạt nhân kể từ năm 2006, trong đó có 4 vụ được tiến hành dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

“Các chuyên gia ước tính sức công phá của vụ thử hạt nhân lần 6 (của Triều Tiên) tương đương 250 kiloton. Việc Triều Tiên tuyên bố đây là vụ thử bom nhiệt hạch là thông tin đáng tin cậy, vì một vụ nổ của bom thông thường không thể mạnh như vậy. Sự phát triển về chất của chương trình hạt nhân Triều Tiên là điều có thể thấy rõ, và rõ ràng nước này sẽ tiếp tục thúc đẩy nỗ lực để nâng cao tiềm lực”, ông Sawada nhận định.

Chuyên gia Nhật Bản cho biết Ấn Độ và Pakistan cũng từng tiến hành hàng loạt vụ thử hạt nhân trong năm 1998 nhưng đã dừng các vụ thử này sau đó.

“Ấn Độ và Pakistan đã đạt đến cấp độ nhất định và sau đó tiếp tục phát triển năng lực hạt nhân quân sự mà không cần tiến hành thêm các vụ nổ thử. Nhiều công nghệ quan trọng đã trở nên phổ biến ở thời điểm hiện tại và bối cảnh hiện nay cũng đã thay đổi đáng kể so với thời kỳ Mỹ và Liên Xô chạy đua với nhau trong việc phát triển vũ khí hạt nhân”, ông Sawada cho biết.

Ông Kim Jong-un thị sát một vật thể được cho là đầu đạn tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: Reuters)
Ông Kim Jong-un thị sát một vật thể được cho là đầu đạn tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: Reuters)

Mặc dù vậy, ông Sawada cũng không loại trừ khả năng Triều Tiên có thể vẫn tiếp tục tiến hành các vụ thử bom hạt nhân dựa trên một số tính toán nhất định. Theo chuyên gia Nhật Bản, lời đe dọa thử bom nhiệt hạch phía trên Thái Bình Dương của Triều Tiên cũng có khả năng xảy ra. Ông Sawada phỏng đoán Bình Nhưỡng có thể kích nổ quả bom này ở độ cao hơn 30 km so với mực nước biển để hạn chế thấp nhất hậu quả gây ra cho con người, môi trường cũng như hoạt động giao thương hàng hải tại khu vực nước này thử nghiệm.

Trước đó, phát biểu với báo chí tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho cho biết Bình Nhưỡng có thể cho nổ bom nhiệt hạch mạnh nhất từ trước đến nay ở Thái Bình Dương nhằm đáp trả các chính sách thù địch của Mỹ. Ông Ri cũng cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ là người duy nhất đưa ra quyết định có kích nổ bom nhiệt hạch hay không.

Trong cuộc phỏng vấn với CNN ngày 25/10, ông Ri Yong-pil, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên, một lần nữa nhắc lại lời cảnh báo do Ngoại trưởng Ri đưa ra về vụ thử bom hạt nhân tại Thái Bình Dương, đồng thời cho biết Bình Nhưỡng là nước “không nói suông”.

Thành Đạt

Tổng hợp