1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Mỹ-Hàn triển khai chắn tên lửa THAAD

Khi Trung Quốc “ve vãn” Seoul bất thành

(Dân trí) - Với quyết định cho phép triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc, Seoul đã cho thấy rằng họ muốn duy trì liên minh với Mỹ chặt chẽ hơn bao giờ hết và sẽ giảm phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc kiềm chế Triều Tiên.


Lãnh đạo Hàn Quốc, Nga và Trung Quốc chứng kiến lễ duyệt binh ở Bắc Kinh hồi tháng 9/2015 (Ảnh: Reuters)

Lãnh đạo Hàn Quốc, Nga và Trung Quốc chứng kiến lễ duyệt binh ở Bắc Kinh hồi tháng 9/2015 (Ảnh: Reuters)

Dù Triều Tiên có bị cô lập thế nào, nước này từ lâu vẫn có một đồng mính chính: Trung Quốc. Nhưng trong 2 năm qua, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình dường như chú trọng hơn tới láng giềng của Bình Nhưỡng ở phía nam.

Ông Tập đã dành nhiều nỗ lực chính trị để “ve vãn” Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye với hi vọng nhằm đưa nước này dần tách khỏi đồng minh lâu năm là Mỹ, New York Times nhận định. Ông Tập đã tới thăm Seoul trong khi phớt lờ lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, người mà ông chưa từng gặp mặt kể từ khi lên năm quyền. Bà Park đã đáp lễ, tới thăm Bắc Kinh hồi năm ngoái để tham dự một cuộc duyệt binh lớn trên quảng trường Thiên An Môn, nhà lãnh đạo duy nhất từ một đồng minh của Mỹ tham dự sự kiện.

Nhưng vào ngày 8/7, các nỗ lực của ông Tập hóa ra đã không mang lại kết quả. Khi thông báo quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến của Mỹ tại Hàn Quốc, chính phủ của Tổng thống Park Geun-hye đã cho thấy Seoul đang duy trì liên minh với Washington chặt chẽ hơn bao giờ hết, và rằng Hàn Quốc sẽ giảm phụ thuộc vào Trung Quốc để ngăn cản tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.

Tại Bình Nhưỡng, quyết định của Hàn Quốc được xem là một bước lùi lớn, điều có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Bắc Á, kích động Trung Quốc và Nga phát triển các vũ khí tinh vi hơn.

Các nhà phân tích cho rằng việc triển khai THAAD có thể làm gia tăng mức độ hoài nghi trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ trong bối cảnh chính quyền Obama sắp kết thúc nhiệm kỳ, bên cạnh những bất đồng trên Biển Đông và mâu thuẫn về việc các doanh nghiệp Mỹ khó tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Và Triều Tiên nhiều khả năng sẽ trở thành một nguồn cơn cho những giận dữ trong bối cảnh Trung Quốc không thể hiện lập trường cứng rắn hơn đối với Bình Nhưỡng.

Khi công bố kế hoạch triển khai hệ thống phòng tên lửa của Mỹ, chỉ huy hàng đầu của quân đội Mỹ tại Hàn quốc, Tướng Vincent K. Brooks, ngày 8/7 nói rằng hệ thống chỉ nhằm bảo vệ Hàn Quốc khỏi các vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Nhưng giới chức Trung Quốc nhiều lần nói rằng họ không tin mối đe dọa Triều Tiên là lý do thật sự của việc triển khai THAAD. Thay vào đó, họ cho rằng mục đích của THAAD, vốn có thể phát hiện và đánh chặn các tên lửa đang đến ở tầm cao, là để theo dõi các tên lửa phóng từ Trung Quốc.

Hồi tháng trước, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cùng lên tiếng chỉ trích hệ thống THAAD trong chuyến thăm của ông Putin tới Bắc Kinh, so sánh nó với hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis do Mỹ chế tạo được triển khai tại một số nước châu Âu. Thông điệp ám chỉ là Mỹ đang cố gắng bao vây Trung Quốc theo cách Mỹ đang cố gắng bao vây Nga, theo lời ông Putin.

Nhật Bản cũng sẽ phát triển THAAD?


Một cuộc thử nghiệm hệ thống THAAD của Mỹ vào năm 2015 (Ảnh: AFP)

Một cuộc thử nghiệm hệ thống THAAD của Mỹ vào năm 2015 (Ảnh: AFP)

Trước chuyến thăm của ông Putin, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã bày tỏ quan điểm của Trung Quốc rằng hệ thống THAAD có thể làm thay đổi thế cân bằng chiến lược ở Đông Bắc Á.

Các nhà phân tích Trung Quốc dự đoán rằng Nhật Bản cuối cùng cũng sẽ phát triển THAAD, trong một kế hoạch mà họ nói là một nỗ lực của Mỹ nhằm kéo Tokyo tiến gần hơn tới một liên minh 3 bên với Hàn Quốc. Cho tới nay, Nhật chưa tỏ ra quan tâm tới THAAD, nhưng Washington và Tokyo đang hợp tác phát triển tên lửa đánh chặn mới mà dự kiến sẽ bắt đầu được đưa vào sản xuất trong năm 2017.

Các cuộc đàm phán giữa Seoul và Washington về THAAD đã được đẩy nhanh sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 4 hồi tháng 1. Sau vụ thử đó, khi Bình Nhưỡng khẳng định thử nghiệm thành công thử bom nhiệt hạch, Tổng thống Park đã cố gắng liên lạc với ông Tập qua điện thoại nhưng không được, theo thông tin của báo chí Hàn Quốc mà giới chức Trung Quốc sau đó xác nhận.

Vụ thử khiến bà Park tin rằng ông Tập không thể kiềm chế các tham vọng hạt nhân của Triều Tiên và rằng Bắc Kinh không mấy quan tâm tới chiến lược “chính trị niềm tin” nhằm thiết lập niềm tin với Triều Tiên trong khi vẫn đáp trả mạnh mẽ với các hành động khiêu khích.

Một số người tại Hàn Quốc đã bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Seoul, có thể trả đũa về kinh tế đối với quyết định triển khai THAAD. Cheong Seong-chang, một nhà phân tích cấp cao tại Viện Sejong ở Seongnam, phía nam Seoul, cho rằng Trung Quốc có thể giảm số lượng du khách Hàn Quốc hoặc tẩy chay một số hàng hóa của Hàn Quốc.

Ông Wu Xinbo, giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Mỹ tại Đại học Fudan ở Thượng Hải, cho rằng Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ không thực hiện các biện pháp như vậy trong giai đoạn phát triển kinh tế chững lại này. Nhưng ông nhận định cuộc tranh luận về Triều Tiên trong số các quan chức cấp cao Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ thay đổi, khi các quan chức ủng hộ quan hệ thân thiết hơn với Bắc Kinh sẽ có thêm ảnh hưởng, sau 2 năm ông Tập Cận Bình lạnh nhạt với Bình Nhưỡng.

An Bình