1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Các cường quốc "vung tiền như nước" cho hoạt động tình báo

(Dân trí) - Những câu chuyện tình báo luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của công chúng. Hàng loạt bộ phim tình báo và các chương trình truyền hình về chủ đề này ra đời ở kinh đô điện ảnh Hollywood hàng năm đã chứng minh điều đó.


Jerry Chun Shing Lee, một cựu mật vụ CIA bị cáo buộc bán thông tin cho Trung Quốc (Ảnh: The Value)

Jerry Chun Shing Lee, một cựu mật vụ CIA bị cáo buộc bán thông tin cho Trung Quốc (Ảnh: The Value)

Vụ bắt giữ gần đây đối với Jerry Chun Shing Lee, một cựu mật vụ CIA bị cáo buộc bán thông tin cho Trung Quốc, đã làm gia tăng nhiều suy luận và đồn đoán. Lee được cho là đã tiết lộ các phương thức liên lạc của CIA cho chính phủ Trung Quốc. Với thông tin có được, Bắc Kinh được cho là đã giết hoặc bỏ tù khoảng 20 người cung cấp tin tức cho cơ quan tình báo Mỹ tại Trung Quốc, gây tổn thất nghiêm trọng cho các hoạt động của CIA.

Lee, một công dân Mỹ, đã bị bắt tại sân bay JFK ở New York hồi tháng 1. Câu chuyện về điệp viên hai mang này đã ngay lập tức lan truyền. NBC News gọi đây là “một trong những vụ sơ hở tình báo nghiêm trong nhất trong lịch sử Mỹ”. SCMP tiết lộ rằng Lee đã sống tại Hong Kong trong nhiều năm dưới bỏ bọc nhân viên tư vấn an ninh cho một công ty thuốc lá và hãng đấu giá Christie’s.

Trước đó, thế giới cũng bị chấn động bởi một câu chuyện ồn ào khác. Lần này, báo Wall Street Journal (WSJ) đưa tin rằng bà Wendi Deng Murdoch, vợ cũ của tỷ phú truyền thông Rupert Murdoch, là một điệp viên của Trung Quốc. Dẫn các nguồn tin giấu tên, WSJ cho hay giới chức phản gián Mỹ hồi đầu năm 2017 đã “cảnh báo Jared Kushner, con rể kiêm cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ Donald Trump, rằng bà Wendi Deng Murdoch - một doanh nhân người Mỹ gốc Trung Quốc có tiếng - có thể lợi dụng mối quan hệ thân thiết với Kushner và người vợ Ivanka Trump, để phục vụ các lợi ích của chính phủ Trung Quốc”.

Vụ việc dường như có liên quan tới việc xây dựng một khu vườn của Trung Quốc trị giá 100 triệu USD tại Trung tâm nghiên cứu quốc gia của Mỹ ở thủ đô Washington. Theo WSJ, dự án này có thể trở thành một nguy cơ an ninh vì nó bao gồm một tòa tháp màu trắng cao 21m, có thể được sử dụng để phục vụ hoạt động giám sát”. Khu vườn này chỉ cách Nhà Trắng và trụ sở quốc hội Mỹ khoảng 8km.

Đó chỉ là những ví dụ nhỏ trong lịch sử tình báo và phản gián lâu đời giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Trong lịch sử, các câu chuyện tình báo cũng thú vị không kém.

"Vung tiền như nước"?

Các lãnh đạo chính trị có xu hướng chi đậm hơn cần thiết vào hoạt động tình báo và phản gián. Tuy nhiên, ngay cả cơ quan tình báo hoạt động hiệu quả nhất cũng khó biện minh cho số tiền chi ra. Vào năm 2010, chính phủ Mỹ lần đầu tiên chính thức công bố tổng chi tiêu cho hoạt động gián điệp là 80 tỷ USD. Con số này bao gồm 53,1 tỷ USD cho các chương trình gián điệp phi quân sự và 27 tỷ USD cho tình báo quân sự. Trong khi đó, ngân sách của Bộ Giáo dục Mỹ khi ấy là 66 tỷ USD, Bộ Ngoại giao là 16,38 tỷ USD và Cơ quan bảo vệ môi trường là 10,5 tỷ USD.

Dù chi khoản tiền lớn như vậy nhưng Washington không có nhiều thông tin để công khai với công chúng. Năm 2010, một phần tử khủng bố nghiệp dư 30 tuổi đã định cho nổ tung một quả bom gài trên ô tô trên các con phố đông đúc tại quảng trường Thời đại, New York. Thảm họa may mắn đã được ngăn chặn nhờ vào nhiều yếu tố như sự may mắn, kẻ đánh bom nghiệp dư và một người bán hàng nhìn thấy khói bốc ra từ phương tiện và báo cho cảnh sát. CIA và FBI không biết nghi phạm Faisal Shahzad, kẻ sinh tại Pakistan, là ai cho tới phút cuối.

Vụ việc trên bị lu mờ so với vụ tiết lộ tài liệu mật gây chấn động thế giới mà trang web WikiLeaks công bố cùng năm đó, vốn là một trong những vụ sơ hở tình báo nghiêm trọng nhất trong lịch sử Mỹ.


Edward Snowden đã tiết lộ nhiều tài liệu mật về hoạt động tình báo của Mỹ (Ảnh: Reuters)

Edward Snowden đã tiết lộ nhiều tài liệu mật về hoạt động tình báo của Mỹ (Ảnh: Reuters)

Nhưng Washington chưa phải là tồi tệ nhất. Bắc Kinh và Moscow thậm chí không tiết lộ cho người dân rằng họ đã chi bao nhiêu cho hoạt động tình báo. Nếu lịch sử là một thông tin tham chiếu thì chắc hẳn họ đã chi rất nhiều. Giờ đây mọi người mới biết về một vụ bê bối của tình báo Trung Quốc vào năm 2010. Khi đó, Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, được cho là đã sử dụng mạng lưới tình báo rộng lớn mà ông ta kiểm soát để do thám các nhà lãnh đạo và các đồng nghiệp. Tham nhũng cũng tràn lan tới nỗi toàn bộ bộ máy tình báo bị rò rỉ giống một con tàu đang chìm.

New York Times đưa tin, tình báo Mỹ đang gặp chút khó khăn trong việc tuyển mộ những người cung cấp tin tức tại Trung Quốc. Đối mặt với một cuộc khủng hoảng, ban lãnh đạo mới của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đã nỗ lực thanh lọc hệ thống, dẫn tới một cuộc truy quét nhằm vào những người cung cấp tin tức và câu chuyện của Jerry Chun Shing Lee.

Hiệu quả không đáng kể

Những câu chuyện gián điệp lớn nhất trong lịch sử chắc chắn xảy ra trong Thế chiến II và Chiến tranh Lạnh. Sau sự sụp đổ của Liên Lô và việc giải mật các tài liệu thời chiến tranh, một số thông tin đáng tin cậy đã được công bố, hé lộ chi phí và tính hiệu quả của hoạt động tình báo thời chiến. Nhưng chúng không vẽ nên một bức tranh đẹp.

Nhiều sử gia nghiên cứu về các hoạt động tình báo thời chiến cho rằng các hoạt động tình báo không đóng góp gì cho chiến thắng của quân Đồng minh trong Thế chiến II. Trong cuốn sách mang tên “The Secret War”, Max Hastings viết rằng “có lẽ chỉ 1/100.000 thông tin thu được từ các nguồn bí mật của tất cả các bên tham chiến trong Thế chiến II có đóng góp cho việc thay đổi kết quả trên chiến trường”.

Theo SCMP, nhiều điệp viên đã nhận ra rằng thông tin tình báo mà họ thu thập được chỉ có thể có ích nếu cấp trên của họ sẵn sàng lắng nghe. Một ví dụ tiêu biểu là Liên Xô dưới thời Joseph Stalin.

Liên Xô từng có mạng lưới tình báo tốt nhất thế giới. Moscow đã chi đậm bất kể khi nào cần để mua thông tin. Và Chủ nghĩa Cộng sản đã nhận được ủng hộ mạnh mẽ trong giới tri thức, sinh viên và những người chiến đấu vì tự do khắp thế giới. Mọi người đã tình nguyện đóng góp cho điều mà họ coi là một lý tưởng cao cả hơn. Điều đó đã góp phần tạo nên những mạng lưới gián điệp huyền thoại như Red Orchestra và Silvermaster, cho phép Moscow tiếp cận không giới hạn thông tin tình báo từ Berlin tới Washington.

Một trong những điệp viên nổi tiếng nhất của Liên Xô là Richard “Ika” Sorge. Là con của một kỹ sư Đức và một người mẹ Nga, Sorge đã bắt đầu hoạt động tình báo tại Thượng Hải. Huyền thoại gián điệp Liên Xô hoạt động bí mật trên danh nghĩa một nhà báo tự do của Mỹ. Ông đã nghiên cứu rất kỹ về Trung Quốc và nhanh chóng trở thành một phóng viên vùng Viễn Đông cho một ấn bản nổi bật của Đức Quốc xã. Sorge thậm chí còn giành được sự tin tưởng tuyệt đối của cấp trên và được kết nạp vào đảng của Đức Quốc xã. Vào năm 1935, Sorge được Phát xít Đức cử tới Tokyo để do thám Nhật Bản.

Tại Tokyo, Sorge đã gây ấn tượng tốt với người Nhật tới nỗ ông thậm chí còn được văn phòng thủ tướng Nhật thuê làm chuyên gia về Trung Quốc. Vào năm 1939, Sorge được cử tới Manchuria với tư cách là quan chức tình báo cho quân đội Kwantung của Nhật Bản để do thám về Trung Quốc. Sorge khi đó làm việc cho 3 cơ quan tình báo hàng đầu trên thế giới cùng lúc. Nhờ vào thông tin tình báo của ông này, Moscow đã nắm được kế hoạch chiến tranh của Tokyo và biết rằng Nhật Bản sẽ không tấn công mặt trận phía Đông trừ khi Moscow thất bại trước Phát xít Đức. Hồng Quân đã nhanh chóng tập trung nguồn lực ở mặt trận phía Đông sang mặt trận phía Tây.

Nhưng sau tất cả những khai thác ngoạn mục, sự nghiệp của Sorge cuối cùng lại trở nên thất vọng. Vài tháng trước khi Hitler phát động một cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào Liên Xô, Sorge đã biết được kế hoạch xâm lược. Điều này cũng được một điệp viên Liên Xô khác - Walther Stennes, cố vấn của lãnh đạo tối cao Trung Quốc Tưởng Giới Thạch - xác nhận độc lập. Sorge và Stennes đã có được rất nhiều thông tin nội bộ để họ có thể chi ra thời điểm chính xác về kế hoạch tấn công của Phát xít Đức, là từ 20-25/6/1941. Họ đã gửi tổng cộng 42 báo cáo về Moscow, miêu tả chi tiết kế hoạch của Phát xít Đức.

Điều đó giúp Kremlin có lợi thế không tưởng và đủ thời gian để chuẩn bị cho một cuộc tấn công phủ đầu. Tuy nhiên, các quan chức tại Moscow, vốn nhận thông tin và xử lý các báo cáo, đã quá lo ngại về việc làm trái ý Stalin, người luôn tin rằng Hitler chỉ tập trung vào phía tây. Cuối cùng, Liên Xô đã vấp phải tổn thất to lớn vì cuộc tấn công bất ngờ của Phát xít Đức.

Liên Xô vẫn là siêu cường về tình báo sau Thế chiến II. Trong giai đoạn đầu của Chiến tranh Lạnh, Moscow đã đạt được thành công vượt xa London và Washington trong lĩnh vực tình báo. Harry Dexter White, một quan chức tài chính cấp cao của Mỹ và trưởng đại diện của Washington tại Hội nghị Bretton Woods, sau đó được tin là một gián điệp của Liên Xô. Trớ trêu là White là kiến trúc sư chính cho 2 trong số các thể chế quan trọng nhất của thế giới Tư bản - Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới.

London thậm chí còn vấp phải thất bại tồi tệ hơn trước Cơ quan tình báo Liên Xô KGB. Kim Philby, lãnh đạo của cơ quan tình báo Anh MI6 phụ trách chống phản gián của Liên Xô sau đó bị phát hiện là một mật vụ KGB. Philby cũng là đầu mối liên lạc chính của MI6 với Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI). Hoạt động của ông đã làm tổn hại nhiều tới mạng lưới tình báo phương Tây. Philby đã đào tẩu sang Moscow vào năm 1965 và được tôn vinh là một người hùng. Ông này là một trong số rất ít người nhận cả Huân chương đế chế Anh và Huân chương Lenin.

Nhưng theo SCMP, cuối cùng thì tất cả những điều đó cũng không giúp ích nhiều trong việc giúp Kremlin chiến thắng Chiến tranh Lạnh. Việc chi tiêu quá đà cho quân đội và tình báo đã ảnh hưởng tới nền kinh tế nước này.


Tỷ phú truyền thông Rupert Murdoch và vợ cũ Wendi Deng Murdoch (Ảnh: Reuters)

Tỷ phú truyền thông Rupert Murdoch và vợ cũ Wendi Deng Murdoch (Ảnh: Reuters)

Lãng phí ngân sách?

Tại Trung Quốc, sau Cách mạng Văn hóa, ban lãnh đạo Trung Quốc từng cố gắng đổi mới bộ máy tình báo. Họ thậm chí còn có ý định sáp nhập tình báo vào quân đội, vốn cũng có đơn vị tình báo riêng biệt. Giới chức Trung Quốc cuối cùng đã từ bỏ ý tưởng này và công tác tình báo của Trung Quốc dần trở nên thiếu phối hợp.

Vì tính bí mật, thế giới bên ngoài thường nhìn tình báo Trung Quốc với con mắt hoài nghi và sợ hãi, tưởng tượng đó là cánh tay có mặt ở khắp nơi để kiểm soát mọi thứ.

Trong trong nội bộ, các lãnh đạo Trung Quốc có quan điểm đối lập, xem công tác tình báo của nước này là kém kết nối và tụt hậu so với Mỹ.

Bản chất của con người là tò mò và đa nghi, và khao khát muốn biết các bí mật của người khác đã ăn sâu vào máu. Chúng ta tin vào Thượng đế, nhưng tất cả những thứ khác chúng ta lại hoài nghi.

Năm ngoái, Trung Quốc đã thông qua luật tình báo quốc gia đầu, một trong nhiều bước đi mà Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện nhằm đổi mới hệ thống tình báo nước này và hiện đại hóa nó. Trong những năm tới, Bắc Kinh sẽ tái cấu trúc mạnh mẽ lĩnh vực tình báo và bộ máy an ninh.

Từ Washington, Moscow, Bắc Kinh đến Tokyo, các chính phủ khắp thế giới sẽ tiếp tục đổ tiền vào hoạt động gián điệp và phản gián. Đối với những người đóng thuế, đó là một sự lãng phí lớn, vì hầu hết những hoạt động này bí mật tới nỗi công chúng không thể biết và cũng không thể giám sát. Vì thế, việc này được cho là gây lãng phí và không thường mang lại lợi ích chung cho tất cả mọi người. Nếu các nguồn được bố trí cho các mục đích khác, dù chỉ là một phần nhỏ, sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề nan giải mà con người đang đối mặt ngày nay, dù sẽ là ngớ ngẩn khi tin rằng mọi thứ sẽ thay đổi.

An Bình

Theo SCMP