1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Khéo "bám váy" vợ, quan tham lên chức vù vù

Trong số hàng trăm quan tham Trung Quốc bị mất chức từ sau Đại hội 18 đến nay, không ít người tiến thân là nhờ “bám váy” vợ mình, vợ sếp.

Theo báo chí Trung Quốc, quan tham thăng tiến bằng con đường này có nhiều chiêu trò khác nhau, có người bắt quen với phu nhân lãnh đạo cấp trên để tiếp cận và lấy lòng sếp, thậm chí có người cho vợ làm “con nuôi” của sếp cấp trên để được tiến thân.

Tờ Tân Kinh báo mới đây đã đăng bài chi tiết về con đường hoạn lộ kiểu này.

Nhờ vợ để tiếp cận quan bự

Ngày 16/4 vừa qua, trang web của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương ĐCS Trung Quốc (UBKTKLTW) thông báo Trương Việt, Ủy viên thường vụ, Bí thư Ủy ban Chính trị pháp luật tỉnh ủy Hà Bắc bị đình chức để điều tra. Việt trở thành Ủy viên thường vụ thứ 4 của tỉnh ủy Hà Bắc bị quật ngã (3 người trước đó là Bí thư tỉnh ủy Chu Bản Thuận, Trưởng ban Tổ chức Trương Bân và Tổng thư ký Cảnh Xuân Hoa).

Trương Việt
Trương Việt

Trương Việt là người triệt để sử dụng phương pháp “bám váy vợ” trên con đường làm quan. Thông qua cô vợ hai Mạnh Lợi, Việt đã được Chu Vĩnh Khang biết tới và được nâng đỡ để thăng tiến vù vù. Báo chí cho biết, Mạnh Lợi và Giả Hiểu Diệp (cô vợ hai trẻ đẹp của Chu Vĩnh Khang) là đồng sự và bạn thân cùng làm trong kênh Kinh tế của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV).

Giả Hiểu Diệp đã giới thiệu bạn và chồng bạn với Chu Vĩnh Khang, khi đó đang là Phó bí thư Ủy ban Chính trị pháp luật kiêm Bộ trưởng Công an. Chu Vĩnh Khang sau đó đã điều Trương Việt từ Cục Công an Bắc Kinh lên bộ, trao chức Cục trưởng, sau đó đưa về tỉnh Hà Bắc làm đến Bí thư Ủy ban Chính trị pháp luật, Cục trưởng Công an tỉnh, nắm đại quyền sinh sát, thỏa sức vơ vét…

Cho vợ làm con nuôi lãnh đạo

Ngày 4/1/2015, Dương Vệ Trạch, Ủy viên thường vụ tỉnh ủy Giang Tô, Bí thư thành ủy Nam Kinh bị ngã ngựa. Trạch trở thành “con hổ” đầu tiên bị hạ gục trong năm 2015. Cùng bị bắt với Trạch còn có bà vợ là Thái Thanh Bội và cô nhân tình “hồng nhan tri kỷ” Dư Mẫn Yến.

Dương Vệ Trạch
Dương Vệ Trạch

Dương Vệ Trạch là người rất biết cách nhờ “ngoại lực” để tiến thân. Năm 1996, Trạch được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở Giao thông tỉnh Giang Tô. Hai năm sau, Trạch được thăng lên làm giám đốc sở. Báo chí địa phương cho biết, Trạch được lãnh đạo cấp trên quan tâm nâng đỡ, bởi ông ta đã để cho bà vợ trẻ đẹp Thái Thanh Bội nhận vị lãnh đạo đầu tỉnh làm bố nuôi.

Dương Vệ Trạch còn tìm đến cả Chu Vĩnh Khang để nhờ vả. Từ 2004 đến 2006, Trạch làm lãnh đạo thành phố Vô Tích đã chủ động tìm đến anh em Chu Vĩnh Khang đang sống ở đây để làm quen rồi lợi dụng chức vụ xây nhà, làm đường cho nhà họ Chu khiến Chu Vĩnh Khang rất hài lòng.

Báo chí cho biết, năm 2009, khi Vô Tích chuẩn bị làm con đường đến nhà họ Chu, quần chúng có ý kiến bàn tán, chính quyền địa phương ngần ngừ, bà vợ Chu Nguyên Thanh (em trai thứ 3 của Chu Vĩnh Khang) đã đến Văn phòng khu phố chửi: “Có việc cỏn con mà các ông cũng làm không xong, có cần tôi gọi cậu Trạch đến đây hay không?”.

Vợ quan nhỏ thành bạn vợ quan to

Nửa đêm 22/5/2015, UBKTKLTW ra thông báo bãi chức đối với Dư Viễn Huy, Ủy viên thường vụ khu ủy Quảng Tây, Bí thư thành ủy Nam Ninh. Tháng 11 cùng năm, Viện Kiểm sát tỉnh Hồ Nam đã ra quyết định bắt giam Dư Viễn Huy, với cáo buộc pham tội nhận hối lộ.

Sinh năm 1964, người dân tộc Dao, quan lộ của Dư Viễn Huy rất hanh thông, thuận lợi, có nhiều “quý nhân” phù trợ, trong đó bà vợ Trần Yến Hồng đóng vai trò rất quan trọng. Theo những quan chức công tác bên cạnh Huy lâu năm, năm 36 tuổi ông ta đã là Bí thư Khu đoàn Quảng Tây, hàm giám đốc sở.

Dư Viễn Huy
Dư Viễn Huy

Trần Yến Hồng là họ hàng của một quan chức lãnh đạo cao cấp Quảng Tây, nhưng không bao giờ Dư Viễn Huy nhắc đến tên vợ trước mặt các đồng sự. Ngoài ra, Trần Yến Hồng còn thường xuyên qua lại với Cốc Lệ Bình, vợ Lệnh Kế Hoạch – Bí thư Trung ương, Chánh văn phòng Trung ương Đảng.

Năm 2003, khi Dư Viễn Huy là Bí thư Khu đoàn đã tuyên truyền gọi vốn cho một công trình của “Quỹ khởi nghiệp thanh niên Trung Quốc- YBC” do Cốc Lệ Bình đứng đầu. Sau đó khi về giữ chức ở Ngô Châu, Huy vẫn ra sức tiếp sức cho công trình này và sự nghiệp của ông ta cũng rộng mở từ đó.

Thông qua dự án này, Dư Viễn Huy và vợ quen biết Cốc Lệ Bình. Sau đó, Trần Yến Hồng trở nên thân thiết với phu nhân của Lệnh Kế Hoạch. Báo chí địa phương đưa tin, khi Huy giữ chức ở Ngô Châu, một số ông chủ ở đây đã gom nhau được mấy chục triệu NDT để Huy mang biếu Lệnh Kế Hoạch, nhờ đó Huy được ngồi lên “chuyến xe tốc hành” trên đường thăng tiến.

Lệnh ông khó chống, thì hầu cồng bà

Ngoài mấy trường hợp lợi dụng vợ mình để mưu lợi nêu trên, có không ít quan chức dựa vào quan hệ với vợ lãnh đạo cấp trên để đạt được mục đích tiếp cận và lấy lòng lãnh đạo, trong đó nguyên Phó chủ tịch Chính Hiệp Giang Tây Hứa Ái Dân là trường hợp điển hình.

Năm 1997, Hứa Ái Dân về làm Phó thị trưởng Cảnh Đức Trấn, năm 2001 làm Thị trưởng và giữ chức này suốt 10 năm. Năng lực của Dân không tốt, từng bị Bí thư tỉnh ủy Tô Vinh phê bình. Tuy nhiên, Dân chuyển hướng sang tiếp cận bà vợ của Tô Vinh rồi từng bước thăng tiến.

Hứa Ái Dân
Hứa Ái Dân

Năm 2008, vừa ngồi vào ghế Bí thư tỉnh ủy, Tô Vinh đã bày tỏ không hài lòng về tình hình phát triển của thành phố Cảnh Đức Trấn – kinh đô đồ sứ Trung Quốc. Chẳng những nhiều lần phê bình Hứa Ái Dân trước hội nghị, Tô Vinh còn công khai đe dọa “không thay đổi tư tưởng sẽ thay người”.

Giữa lúc khốn khó, Dân phát hiện ra Vu Lệ Phương bà vợ Tô Vinh rất thích đồ sứ nên quyết định tiếp cận. Sau khi chồng trở thành quan đầu tỉnh, Phương thường xuyên tới Cảnh Đức Trấn. Dân nắm lấy cơ hội, hết lòng phục vụ vợ sếp.

Báo chí cho biết, trong một bữa tiệc, Vu Lệ Phương bày tỏ yêu thích một nghệ nhân cùng mâm, nói: “có được người em trai như chú thì tốt quá”. Lập tức, Dân nói với nghệ nhân đó: “Quả là phúc khí của anh, sao không nhận chị nhanh lên”. Rồi ông ta làm ra vẻ trách Vu Lệ Phương thiên vị, nói: “Em cũng muốn làm em của chị”.

Sau khi Dân bắc cầu được với Phương, thái độ Tô Vinh với Dân thay đổi hẳn, Dân trở thành khách quen của nhà họ Tô. Năm 2011, Dân được Tô Vinh điều lên làm Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách phát triển tỉnh, bất chấp một số ý kiến can gián. Tháng 2/2015, Dân bị khai trừ đảng, bãi chức Đảng ủy viên, Phó chủ tịch Chính Hiệp tỉnh, giáng xuống cấp Phó phòng, nhưng không được giữ chức vụ.

Khéo nâng đỡ vợ sếp là thăng chức ngay

Tháng 1/2016 vừa qua, nguyên Phó Bí thư đảng đoàn, Thứ trưởng Bộ Công an Lý Đông Sinh bị tuyên phạt 15 năm tù, tịch thu tài sản cá nhân 1 triệu NDT vì tội nhận hối lộ. Theo báo chí, trong thời gian công tác ở CCTV, Lý Đông Sinh đã quen biết Chu Vĩnh Khang – Bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên khi ông ta về Bắc Kinh họp quốc hội.

Lý Đông Sinh
Lý Đông Sinh

Khi đó báo chí ít đưa tin về Tứ Xuyên, nên Chu Vĩnh Khang tổ chức bữa tiệc mời lãnh đạo một số cơ quan báo chí đến chiêu đãi và “có lời”. Tại bữa tiệc đó, Lý Đông Sinh quen Chu Vĩnh Khang và được ông ta cho biết vợ đang làm ở CCTV. Lập tức Sinh nắm lấy mối này để thực hiện cuộc chuyển mình ngoạn mục từ báo chí sang chính trường.

Năm 1978, sau khi tốt nghiệp khoa Báo chí Đại học Phục Đán, Sinh về công tác tại CCTV, bắt đầu đi lên từ phóng viên quay phim, thành Tổ phó Tổ tin Thời sự Chính trị… Sau 20 năm, Sinh lên đến Phó giám đốc CCTV. Tháng 10/2009, Sinh được Chu Vĩnh Khang điều sang Bộ Công an làm Thứ trưởng, hưởng cấp hàm trưởng bộ. Trước khi sang Bộ Công an, Sinh chưa hề có kinh nghiệm gì về công tác Chính pháp. Sau khi sang, Sinh được coi là “môn đồ” của Khang trong hệ thống Chính pháp.

Đàn ông dễ có mấy tay?

So với các quan chức kể trên, cách của Giám đốc Ngân hàng Dân Sinh Trung Quốc Mao Hiểu Phong trực tiếp hơn nhiều. Ông ta lập hẳn một câu lạc bộ phu nhân, chuyên phụng dưỡng các phu nhân của quan chức cao cấp, trong đó có Cốc Lệ Bình (vợ của Lệnh Kế Hoạch) và Vu Lệ Phương (vợ của Tô Vinh).

Mao Hiểu Phong
Mao Hiểu Phong

Báo chí cho biết, ngày 30/1/2015, Giám đốc Ngân hàng Dân Sinh Mao Hiểu Phong bị UBKTKLTW bắt giữ vì liên quan đến “Vụ án Lệnh Kế Hoạch”. Sau đó, Ngân hàng Dân Sinh ra thông báo, Hội đồng quản trị ngân hàng đã nhận được đơn xin từ chức của Mao Hiểu Phong “vì lý do cá nhân”.

Mao Hiểu Phong và Lệnh Kế Hoạch được coi là “huynh đệ” của nhau. Từ 1993 đến 1998, Phong làm nghiên cứu sinh ở Học viện Quản lý Công Thương, Đại học Hồ Nam. Lệnh Kế Hoạch năm 1996 cũng lấy bằng Thạc sĩ cùng ngành ở đó. Báo chí cho biết, Phong lập ra “Câu lạc bộ phu nhân” để nhiều bà vợ quan chức hưởng lương mà không cần làm việc gì ở ngân hàng.

Trong đó, Cốc Lệ Bình được Phong cho giữ chức hờ 3 năm tại một công ty trực thuộc; Vu Lệ Phương cũng giữ chức vụ lâu dài ở Dân Sinh, sau khi về hưu vẫn được mời làm Trưởng ban Thanh tra của Hội đồng quản trị ngân hàng.

Năm 2011, Lệnh Kế Hoạch đã tiếp riêng Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Dân Sinh Đổng Văn Tiêu, ngỏ ý nhờ giúp đỡ nhiều hơn cho YBC (Quỹ Thanh niên khởi nghiệp của vợ). Sau đó Ngân hàng Dân Sinh không những tham gia Ban điều hành, mà còn cung cấp trụ sở để YBC sử dụng.

Theo Ngô Tuyết

Vietnamnet