1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

IS bị đánh tơi tả khắp nơi

Trên khắp các mặt trận từ Syria, Iraq tới Lybia, quân IS đang bị đánh tơi tả và gần như ở bước đường cùng. Nhiều chuyên gia dự báo ngày tàn của tổ chức khủng bố này sắp đến.

Lực lượng chính phủ đoàn kết Libya tấn công IS ở vùng ngoại ô thành phố Sirte
Lực lượng chính phủ đoàn kết Libya tấn công IS ở vùng ngoại ô thành phố Sirte

Tại Lybia, hôm 11/6, các lực lượng thân chính phủ đoàn kết cho biết họ sắp chiếm quyền kiểm soát thành phố cảng Sirte từ tay Nhà nước Hồi giáo (IS). Hãng thông tấn Pháp AFP cho biết giao tranh dữ dội đã diễn ra gần trung tâm hội nghị Ouagadougou mà IS dùng làm bộ chỉ huy. Các máy bay cũng oanh kích những vị trí của IS. Ông Ahmed Hadiya, người phát ngôn của lực lượng thân chính phủ, nói với hãng thông tấn AP rằng cuộc phản công đang tiến gần tới “giai đoạn chót”.

Chính phủ Libya do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn cho biết hơn 100 binh sĩ chính phủ thiệt mạng và hơn 400 người bị thương trong cuộc chiến giành lại Sirte.

Sau khi đã tiến nhanh chóng trong cuộc tấn công nhằm lấy lại thành phố Sirte, ngày 13/6, lực lượng trung thành với chính phủ đoàn kết dân tộc Libya đã tiến chậm hơn vào khu dân cư, nơi mà phe thánh chiến đang cố thủ. Lực lượng thân chính phủ một mặt phải tiêu diệt những tay súng bắn tỉa, mặt khác phải tháo dỡ bom mìn mà IS cài đặt.

Trước khi bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo chiếm giữ từ tháng 6/2015, thành phố Syrte có đến 120 nghìn dân, nhưng 75% trong số họ đã chạy thoát được, hiện giờ chỉ còn khoảng 30 nghìn thường dân.

Cuộc hành quân, nhằm tăng tốc độ từ những thắng lợi giành được trong mấy ngày qua, làm tăng hy vọng cho Chính phủ Đoàn kết Quốc gia (GNA) rằng họ có thể thành lập quân đội Libya mới và khuyến khích các lực lượng dân quân trung thành với chính phủ đối lập ở miền đông của đất nước bỏ ngũ.

Còn tại Iraq, hôm 12/6, Hội đồng Na Uy về người tị nạn thông báo là quân đội đã mở được một hành lang an toàn nên trong vòng 24 tiếng đồng hồ đã có thể di tản được 4.000 dân ra khỏi thành phố Falluja, cứ địa của tổ chức IS. Trước đợt di tản nói trên, Hội đồng Na Uy về người tị nạn thẩm định là có khoảng 50 nghìn thường dân còn bị kẹt trong Falluja kể từ khi phe thánh chiến kiểm soát từ tháng 1/2014.

Trước đó, quân đội Iraq ngày 10/6 đã tiến sâu vào trung tâm thành phố Fallujah, đồng thời củng cố vững chức các vị trí chiếm được ở phía Nam thành phố này. Phát biểu từ vùng Shuhada, ngoại ô thành phố Fallujah, Trung tướng Abdul Wahab Al Saadi, Tư lệnh Chiến dịch giành lại Fallujah, khẳng định chiến dịch tái chiếm một trong những thành trì quan trọng nhất của IS đang có tiến triển tốt. Ông Saadi nhấn mạnh: "IS muốn giao tranh diễn ra ở bên ngoài Fallujah nhưng chúng tôi đã tiến được 3km bên trong trung tâm thành phố. Việc giành lại hoàn toàn Fallujah có thể chỉ diễn ra trong 8 ngày nữa".

Với sự hỗ trợ của liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu, quân đội chính phủ Iraq và các lực lượng đồng minh ngày 23-5 đã bắt đầu chiến dịch giải phóng Fallujah, thành phố lớn thứ hai của ở Iraq rơi vào tay IS hồi đầu năm 2014.

Hôm 13/6, Bộ trưởng Quốc phòng Iraq, ông Khalid al-Obaidi đã trực tiếp tham gia một đợt không kích nhằm vào các mục tiêu của IS ở thành trì Fallujah, trên một chiến đấu cơ F-16.

Trong khi đó ở Syria, trong tuần trước lực lượng Arập và Kurdistan được Mỹ yểm trợ đã áp sát thành phố Manbij. Đây là một trong những thành trì của quân thánh chiến Syria trong vùng gần Aleppo. 4.000 chiến binh, trong đó đại đa số là người Kurdistan tham gia cuộc tấn công này. AFP cho biết lính Mỹ ở cách trận địa khoảng 25 km. Từ khi chiến dịch tấn công để giành lại các cứ địa trong tay tổ chức IS được khởi động hôm 31-5-2016, liên minh Arập – Kurdistan đã chiếm lại được 36 ngôi làng. Thành phố Manbij chỉ cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 30 km. Chiếm được Manbij thì sẽ cô lập được quân IS với Raqqa.

Ngày 6/6, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, với sự hỗ trợ của không quân Nga, quân đội Syria đã tiến được vào Raqqa sau khi vượt qua các khu vực phía đông của tỉnh Hama. Trên đường cao tốc dẫn tới thành phố Raqqa, lực lượng Chính phủ Syria cũng giành lại quyền kiểm soát nhiều căn cứ chiến lược. Theo tổ chức này, ít nhất 26 thành viên IS, 9 binh sĩ Syria đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh.

Trong khi đó, truyền thông Syria cho biết, quân đội nước này đã giành lại được nhiều vùng lãnh thổ từ tay IS và gây thương vong nặng nề cho nhóm khủng bố này. Theo đó, quân đội Syria tuyên bố đã tái chiếm được nhiều khu đất hướng về phía Raqqa, giải phóng ngôi làng Abu Al-Allaj khỏi ách thống trị những kẻ khủng bố. Hiện họ chỉ cách Raqqa khoảng 50km.

Đây là lần đầu tiên quân đội Chính phủ Syria vượt qua ranh giới Raqqa kể từ khi bị các tay súng IS đánh bật khỏi tỉnh này hồi tháng 8-2014. Những cuộc tổng tấn công này thuộc hàng mạnh mẽ nhất trong các chiến dịch chống IS kể từ khi phiến quân tuyên bố cai trị toàn bộ những người Hồi giáo ở các vùng của Iraq và Syria cách đây hai năm.

Các nhà phân tích cho rằng, việc đưa quân vào Raqqa là “một bước tiến lớn” của quân đội Syria nhưng vẫn còn “một đoạn đường dài phải đi” trước khi quân đội Syria tới được thị trấn Taqba tại Raqqa, nơi IS vẫn rất mạnh.

Trong lúc đang bị dồn đến đường cùng tại Iraq và Syria, việc IS thừa nhận đứng đằng sau vụ thảm sát kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Mỹ hôm 12/6 ở thành phố Orlando có thể gây tiếng vang lớn nhưng các chuyên gia cho rằng thảm họa này sẽ càng khiến nước Mỹ quyết tâm hơn và đẩy nhanh tiến trình tiêu diệt Nhà nước khủng bố này.

Theo truyền thông Mỹ, Omar Mateen, được xác định là thủ phạm gây ra vụ thảm sát khiến ít nhất 50 người chết và hơn 50 người khác bị thương tại câu lạc bộ đồng tính ở thành phố Orlando, bang Florida, ngày 12-6, có liên hệ tới IS.

Hãng tin ACB News dẫn lời hai quan chức địa phương cho hay, thủ phạm đã gọi vào số điện thoại khẩn cấp 911 của cảnh sát Mỹ thề trung thành với IS, đồng thời có đề cập tới những kẻ đã đánh bom tại Boston hồi năm 2003. Ngay sau khi vụ thảm sát xảy ra, một nhóm ủng hộ IS đã đăng bức ảnh người đàn ông được cho là Omar Mateen và nói rằng hắn là một chiến binh của IS.

Tuy nhiên, theo một quan chức giấu tên của Mỹ, vẫn chưa có bằng chứng cho thấy nghi phạm có liên hệ với IS hay bất kỳ tổ chức cực đoan ở nước ngoài nào. Việc IS trước đây từng sát hại dã man một người đồng tính khi ném người đàn ông này từ sân thượng của một tòa nhà khiến người ta nghi ngờ về việc IS đứng đằng sau vụ thảm sát đẫm máu này. Chưa kể có ý kiến cho rằng tên này bị mắc bệnh tâm thần.

Theo lời khai từ vợ cũ của Mateen, hắn là một kẻ ưa bạo lực, thần kinh không ổn định và thường xuyên đánh đập cô khi hai người từng chung sống trước khi ly dị vào năm 2011. "Tâm lý của anh ta thường không ổn định. Anh ta đánh tôi. Đôi khi anh về nhà và bắt đầu đánh tôi chỉ bởi việc tôi chưa giặt xong quần áo hoặc những thứ tương tự như vậy", vợ cũ của Omar kể lại.

Bất kể là kết quả điều tra về Mateen sẽ thế nào, dù hắn có liên hệ với IS hay không thì rõ ràng sau vụ thảm sát trên nước Mỹ sẽ cứng rắn hơn với tổ chức này, nhất là trong bối cảnh các đảng phái chính trị ở Mỹ đang thi nhau giành uy tín chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.

Theo AP, AFP, Reuters

PetroTimes