1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Iran đóng băng chương trình hạt nhân: Cột mốc quan trọng

(Dân trí) - Ngày 20/1 đánh dấu mốc quan trọng khi thỏa thuận về việc hạn chế chương trình hạt nhân của Iran chính thức có hiệu lực. Sau nhiều lần đàm phán thiện chí nhưng không kém phần kịch tính, các bên đã đi đến quyết định có lợi cho cả hai.

Iran đóng băng chương trình hạt nhân: Cột mốc quan trọng
Các máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân Natanz.
 
Tiền đề quan trọng của dấu mốc này là thỏa thuận đạt được ngày 12/1 tại Geneva giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Đức và 5 nước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc). Theo đó, Tehran sẽ hạn chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lại các biện pháp trừng phạt được giảm nhẹ.

Cụ thể, theo thỏa thuận đạt được, nhà nước Hồi giáo sẽ ngừng vận hành các máy ly tâm mới, vô hiệu hóa kho urani làm giàu 20% xuống còn 5%, dừng tiến trình xây dựng nhà máy plutoni và mở cửa các vị trí quan trọng cho các thanh sát viên quốc tế. Đổi lại, các cường quốc sẽ từng bước gỡ bỏ phong tỏa số tài sản trị giá hơn 7 tỷ USD của Iran vốn bị đóng băng do các lệnh trừng phạt và đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Tehran.

Nếu nhìn lại lịch sử các cuộc đàm phán cam go giữa Iran và phương Tây xưa nay, đây có thể coi là một cột mốc quan trọng về mặt chiến lược đối với cả hai phía.

Đối với Iran, thỏa thuận được coi là “bằng chứng sống” về hiệu quả của chính sách xích lại gần phương Tây mà Tổng thống Hassan Rouhani đang theo đuổi. Chưa bao giờ thế giới lại được chứng kiến một tiến trình đàm phán “siêu tốc” như lần này khi chỉ trong vòng nửa năm, hai bên đã xoay chuyển hoàn toàn tình thế từ đối đầu sang hợp tác. Thành công đó sẽ không thể có được nếu Iran không được dẫn dắt bởi một nhà lãnh đạo ôn hòa theo đường lối ngoại giao mềm mỏng như ông Hassan Rouhani, người đã có nhiều năm “Tây học” và ngay từ khi tranh cử đã cam kết sẽ tăng cường ngoại giao để giảm bớt trừng phạt cũng như sự cô lập của phương Tây trong khi vẫn “bảo toàn” được quyền phát triển năng lượng hạt nhân vì hòa bình của đất nước.

Bên cạnh “màn ghi điểm” trong lĩnh vực ngoại giao với phương Tây, Tổng thống Rouhani còn viết thêm một “dấu cộng” lớn trong lĩnh vực phục hồi kinh tế đất nước khi Iran sẽ chính thức nhận được gói giải ngân 550 triệu USD đầu tiên bắt đầu từ ngày1/2 tới, mở màn cho các khoản giải ngân tương tự sẽ được nới lỏng theo từng tháng cho tới hết tháng 7 năm nay.

Ngoài ra, các tài sản của Iran ở ngân hàng nước ngoài, các giao dịch mua bán ô tô, sản phẩm hóa dầu và kim loại quý cũng sẽ dần được phương Tây “cởi trói”, giúp từng bước vực dậy nền kinh tế đang bị lao dốc lâu nay.

Tất cả những thành quả trên không chỉ giúp Iran khai thông bế tắc trong hồ sơ hạt nhân và nối lại các huyết mạch kinh tế chính của đất nước, mà còn giúp ông Rouhani lấy lại vị thế của Iran trong khu vực và dựng được các “thành lũy” vững chắc trước chiến dịch phản công của phe đối lập cực đoan trong cuộc bầu cử Quốc hội năm sau, lực lượng luôn có thái độ thù địch với Mỹ kể từ sau cuộc Cách mạng Iran năm 1979.

Trong khi đó đối với phương Tây mà đặc biệt là Mỹ, thỏa thuận với Iran sẽ giúp giảm bớt được số lượng “ngòi nổ” ở Trung Đông - Bắc Phi vốn đang khiến chính quyền của Tổng thống Barack Obama kiệt sức. Tháo được “quả bom hạt nhân” Iran, dù chỉ là tạm thời, cũng có thể giúp nước Mỹ rảnh tay hơn phần nào để tập trung lo cho cuộc nội chiến Syria, tiến trình hòa bình Trung Đông Israel - Palestine và những căng thẳng ở Ai Cập. 

Trên phương diện đối nội, chính quyền của Tổng thống Obama coi thỏa thuận với Iran là “con át chủ bài” trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới. Với một bảng thành tích nghèo nàn trong nửa đầu nhiệm kỳ hai, “chiến lợi phẩm” duy nhất mà ông Obama có thể mang tới cuộc bầu cử là ván cờ Iran. Vì thế, dù phải nhượng bộ khá nhiều nhưng Washington vẫn cố gắng thúc ép các nước thành viên phương Tây trong nhóm P5+1 đi tới thỏa thuận, dù rằng đây đó trong chính giới Mỹ vẫn còn không ít quan điểm lo ngại Tehran có thể đang “câu giờ” để âm thầm phát triển vũ khí hạt nhân.

Vậy là sau nhiều năm bế tắc, vấn đề hạt nhân Iran vốn luôn đẩy quan hệ giữa Tehran với phương Tây đến đỉnh điểm căng thẳng thì nay đã có lối thoát. Thỏa thuận đạt được tại Geneva hôm 12/1 không chỉ là kết quả ngoài mong đợi sau những nỗ lực không ngừng nghỉ của các bên trong hai vòng đàm phán liên tiếp được tổ chức chỉ trong một tháng, mà còn tạo nền tảng cơ bản cho việc đạt được một hiệp định thay thế toàn diện vào cuối năm nay.

Ngoài ra, thỏa thuận còn đặt dấu chấm hết cho vòng xoáy “trừng phạt - phản đòn” vốn đã quá quen thuộc giữa hai bên. Thay vì tiếp tục làm căng với Iran, phương Tây và Mỹ đã chọn giải pháp “chìa cành ô liu” thế chỗ cho những “cây gậy” từng được nhiều lần áp dụng trong các hồ sơ quốc tế nóng. Đổi lại, Iran cũng đón nhận một cách hồ hởi, mở ra hy vọng lần đầu tiên các bên đã có thể cùng nhìn về một hướng trong hồ sơ gây tranh cãi bấy lâu, động thái vừa mang lại lợi ích cho hai bên vừa góp phần vào hòa bình, ổn định cho khu vực.

Đức Vũ