1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Indonesia xây "Trân Châu Cảng" ở Biển Đông

(Dân trí) - Indonesia muốn biến căn cứ không quân Natuna trên Biển Đông thành một tổ hợp quân sự hỗn hợp hay một “Trân Châu Cảng” của Indonesia nhằm đối phó với các mối đe dọa ở khu vực này, Tư lệnh không quân Indonesia Agus Supriatna cho biết.


Yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh bao gồm cả quần đảo Natuna thuộc chủ quyền của Indonesia. Ảnh RFI/DR

Yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh bao gồm cả quần đảo Natuna thuộc chủ quyền của Indonesia. Ảnh RFI/DR

Quần đảo Natuna của Indonesia trên Biển Đông gồm có 280 đảo lớn nhỏ. Cư dân ở đây chủ yếu mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá và nông nghiệp. Đây không có vẻ là một nơi để xây dựng căn cứ quân sự. Tuy nhiên, trong tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cho hay kế hoạch của ông là đưa binh sỹ, 3 tàu chiến và một phi đội máy bay chiến đấu tới các đảo này cũng như lập ra một căn cứ quân sự nhỏ ở đây.

Việc tăng cường quân sự hóa Natuna có thể coi là động thái mới nhất của Indonesia nhằm tăng cường phòng thủ ở Biển Đông - nơi Trung Quốc đang tuyên bố hầu hết chủ quyền.

Indonesia có thể sẽ hợp tác với Nhật Bản khi triển khai kế hoạch này. Ông Ryacudu dự kiến sẽ có cuộc hội đàm an ninh “2+2” tại Tokyo vào hôm nay 17/12. Cuộc hội đàm có sự tham gia của các bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng ngoại giao của Indonesia và Nhật Bản.

Nhân chuyến công du Nhật Bản lần này, ông Ryacudu có thể tới thăm một nhà máy sản xuất chiến đấu cơ của Nhật Bản, Japan Times cho hay.

Tư lệnh không quân Indonesia Agus Supriatna cho biết, Bộ Quốc phòng nước này sẽ chi hơn 200 tỷ rupiah (14,2 triệu USD) để củng cố căn cứ trên quần đảo Natuna. “Chúng tôi muốn biến căn cứ không quân Natuna thành một tổ hợp quân sự hỗn hợp hay một “Trân Châu Cảng” của Indonesia”, ông Supriatna chia sẻ với báo Antara hồi tháng trước.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn hãng tin Kyodo, ông Ryacudu cho biết: “Chúng tôi phải tăng cường sức mạnh quân sự để lường trước các mối đe dọa như đánh cá phi pháp hay xâm phạm trái phép, hoặc những đe dọa phi truyền thống như đi vào lãnh thổ của chúng tôi”.

Theo giới quan sát, hoạt động đánh bắt trái phép của tàu nước ngoài không phải là vấn đề đáng lo ngại nhất, điều mà Indonesia quan tâm hơn có thể Trung Quốc.

Tháng trước, ông Luhut Panjaitan, Bộ trưởng đặc trách Điều phối Chính trị, Pháp lý và An ninh, cho biết, Jakarta đang làm việc hết sức chặt chẽ với Bắc Kinh về vấn đề đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông, chồng lấn vào quần đảo Natuna của Indonesia. Indonesia cũng hối thúc Trung Quốc làm rõ quan điểm về chủ quyền ở Biển Đông.

Đáp lại yêu cầu này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 12/11 nhấn mạnh: "Indonesia không có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông. Chủ quyền quần đảo Natuna thuộc về Indonesia. Đối với một số tranh chấp hàng hải giữa hai bên, chúng tôi cho rằng Trung Quốc và Indonesia nên tìm kiếm các biện pháp giải quyết thích hợp thông qua đàm phán trực tiếp và tham vấn, tuân thủ luật pháp quốc tế”.

Thực tế, Indonesia không có tranh chấp với Trung Quốc về Biển Đông, nhưng Jakarta rất bất bình trước yêu sách của Trung Quốc đối với một phần thuộc quần đảo Natuna, gọi yêu sách này là không có cơ sở pháp lý.

Minh Phương

Tổng hợp