1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Indonesia “hết kiên nhẫn” khi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền gần Biển Đông

(Dân trí) - Phản ứng mới nhất của Indonesia đối với các hoạt động của Trung Quốc tại vùng biển mà Jakarta tuyên bố chủ quyền gần Biển Đông là dấu hiệu cho thấy các nước trong khu vực có thể sẽ cứng rắn hơn với Bắc Kinh trong việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử.

Indonesia “hết kiên nhẫn” khi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền gần Biển Đông - 1

Tàu tuần duyên Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Trong một động thái căng thẳng ngoại giao giữa hai nước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 2/1 đã phản bác cáo buộc của Indonesia cho rằng, các tàu tuần duyên của Bắc Kinh đã xâm phạm vùng biển thuộc lãnh thổ của Indonesia tại quần đảo Natuna, khu vực mà Indonesia cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Quần đảo Natuna nằm cách khu vực phía nam quần đảo Trường Sa khoảng 1.100 km.

“Dù cho Indonesia có chấp nhận hay không, điều đó cũng không thể thay đổi sự thật khách quan rằng Trung Quốc có quyền và lợi ích tại các vùng biển liên quan”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh ngày 2/1.

Ông Cảnh lớn tiếng tuyên bố lập trường của Trung Quốc phù hợp với luật quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc là phản ứng mới nhất của Bắc Kinh sau khi Indonesia ngày 1/1 cáo buộc hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông là không phù hợp với luật quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp hàng hải.

Theo Bộ Ngoại giao Indonesia, việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia dựa trên cơ sở rằng các tàu Trung Quốc từ lâu vẫn đánh cá tại khu vực này là không có “cơ sở pháp lý” và “chưa bao giờ được công nhận trong UNCLOS 1982”.

Indonesia cáo buộc Trung Quốc đưa trái phép tàu tuần duyên vào vùng lãnh hải của Indonesia tại quần đảo Natuna. Jakarta gọi đây là hành vi “xâm phạm chủ quyền” và triệu tập đại sứ Trung Quốc để trao công hàm phản đối.

Chính quyền Indonesia năm 2017 công bố bản đồ quốc gia sửa đổi, trong đó vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) của Indonesia ở phía bắc quần đảo Natuna được đổi tên thành biển Bắc Natuna. Động thái này của Indonesia ngay lập tức vấp phải sự phản đối từ phía Trung Quốc.

Indonesia tuyên bố yêu sách chủ quyền “đường chín đoạn” của Trung Quốc tại Biển Đông đã bị tòa trọng tài thường trực quốc tế bác bỏ hồi năm 2016 trong vụ kiện với Philippines. Bắc Kinh cho đến nay vẫn phớt lờ phán quyết của tòa.

Indonesia thường xuyên xung đột với Trung Quốc về quyền đánh bắt cá xung quanh quần đảo Natuna. Jakarta thậm chí bắt giữ ngư dân Trung Quốc và mở rộng hiện diện quân sự tại khu vực này.

Bộ Ngoại giao Indonesia tuần này khẳng định lại lập trường của nước này rằng, Indonesia không phải là một bên có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông và cũng không có quyền tài phán chồng lấn với Trung Quốc. Tuy nhiên, Indonesia và Trung Quốc vẫn có xung đột về quyền đánh bắt cá xung quanh quần đảo Natuna.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đẩy mạnh cam kết do ông đưa ra cách đây 2 năm nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự của Indonesia trên đảo Natuna Besar, một phần của quần đảo Natuna và là hòn đảo lớn nhất trong số vài trăm hòn đảo ở khu vực rìa phía nam của Biển Đông.

Giới chức Indonesia cho biết hòn đảo dài 1.720 km của Indonesia sẽ được trang bị hệ thống tên lửa đất đối không, các nhóm thuộc tiểu đoàn lính thủy đánh bộ cùng các cơ sở hải quân và không quân nâng cấp của Indonesia. Tháng 12/2018, Indonesia đã mở căn cứ quân sự trên đảo Natuna Besar.

Kịch bản Trung Quốc - Indonesia cùng cứng rắn trên biển

“Những gì tôi cho là mới ở đây đó là, Bộ Ngoại giao Indonesia đã rất dứt khoát khi tuyên bố “lập trường lịch sử” của Trung Quốc không phù hợp với UNCLOS, đặc biệt là phán quyết năm 2016 (với Philippines)”, Gregory Raymond, giảng viên chuyên về an ninh Đông Nam Á tại Đại học Quốc gia Australia ở Canberra, nhận định.

Evan Laksmana, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Jakarta, cho rằng mức độ cứng rắn của Indonesia trong vụ việc lần này đã bắt nguồn từ lâu.

“Trong các vụ việc trên biển tương tự trước đây, Jakarta đã trao công hàm ngoại giao phản đối, nhưng những vụ (xâm phạm) đó vẫn tiếp tục xảy ra. Indonesia đã kiềm chế và kiên nhẫn với việc Trung Quốc xâm phạm vùng biển của họ. Nhưng hết lần này đến lần khác, các vụ việc trên biển vẫn xảy ra, và giới chức Trung Quốc vẫn tiếp tục khẳng định quyền đánh cá lịch sử của họ dù những quyền này là trái phép theo luật quốc tế. Sự kiên nhẫn của Jakarta trong vấn đề này có lẽ ngày càng giảm dần”, chuyên gia Evan nhận định.

Theo Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại viện nghiên cứu Rand Corporation ở Mỹ, các hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc có thể vẫn sẽ tiếp tục tại quần đảo Natuna, và Indonesia không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tìm cách để tăng cường các cuộc tuần tra hàng hải cũng như thực thi pháp luật trong khu vực.

“Tuy nhiên, tôi nghĩ Trung Quốc sẽ hạ nhiệt trong những tuần tới để tránh biến Indonesia thành đối thủ vĩnh viễn. Mặc dù vậy, về lâu dài, mối quan hệ này có thể sẽ ngày càng căng thẳng khi Trung Quốc tiếp tục khẳng định quyền đánh bắt cá bằng việc mở rộng quyền kiểm soát trên thực tế đối với các thực thể then chốt (mà nước này đã quân sự hóa) tại quần đảo Trường Sa”, chuyên gia Grossman nói.

“Sẽ là bất thường, thậm chí liều lĩnh, nếu Bắc kinh cứng rắn với Indonesia đúng vào năm ASEAN và Trung Quốc dự kiến kết thúc các cuộc đàm phán kéo dài về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông”, chuyên gia Grossman nhận định.

Theo ông Grossman, phản ứng của Trung Quốc trong trường hợp này có thể “vô tình” thúc đẩy Indonesia kêu gọi các nước ASEAN tiến hành các cuộc thảo luận để xây dựng một bộ quy tắc cứng rắn và mang tính ràng buộc hơn trong việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông.

Thành Đạt

Theo SCMP