1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Huyền thoại Nick Út và những nỗi niềm đau đáu với quê hương

(Dân trí) - Trong cuộc trò chuyện tại văn phòng của hãng Mỹ AP ở Los Angeles, người phóng viên ảnh kỳ cựu Nick Út đã trải lòng về khoảng thời gian 49 năm làm việc cho AP, về những lần trở lại Việt Nam, về nỗi niềm đau đáu với quê hương.

Nick Út tại văn phòng của hãng tin Mỹ

Nick Út tại văn phòng của hãng tin Mỹ AP ở thành phố Los Angeles.

Nick trở thành phóng viên ảnh của hãng tin AP khi mới 16 tuổi sau khi người anh trai Huỳnh Thanh Mỹ, cũng là một phóng viên ảnh của AP, thiệt mạng ở chiến trường miền nam Việt Nam năm 27 tuổi. Nick đã đi khắp chiến trường Việt Nam, Lào và Campuchia để tác nghiệp và nhanh chóng trở thành phóng viên chiến trường giàu kinh nghiệm.

"Nick Út là người hùng có thực. Nick bắt đầu làm việc cho AP khi còn ở tuổi thiếu niên và đã có một sự nghiệp nổi bật. Nick đã chụp một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất của mọi thời đại - "Em bé Napalm". Bức ảnh đó có ảnh hưởng lớn nhất trong số các bức ảnh được chụp trong thời chiến tranh tại Việt Nam.

Nick vẫn tiếp tục làm việc cho AP cho tới ngày nay. Đã vài thập niên rồi kể từ khi chiến tranh qua đi, Nick vẫn làm việc hàng ngày, chụp các bức ảnh cho AP tại Los Angeles. Nick Út có vóc dáng tầm thước, nhưng các bức ảnh mà ông ấy chụp có ý nghĩa to lớn", Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc hãng thông tấn Mỹ AP Gary Pruitt nói về Nick Út trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 6 để khai trương triển lãm ảnh về chiến tranh.

Năm 21 tuổi, Nick giành giải Pulitzer, giải thưởng báo chí danh giá của Mỹ, với bức ảnh "Nalpam girl" (Em bé nalpam) chụp những đứa trẻ bị bỏng do bom napalm của Mỹ tại Trảng Bàng,Tây Ninh năm 1972. Nick cho hay vào thời điểm ông đón nhận thông tin đoạt giải Pulitzer năm 1973, ông vẫn không biết giải thưởng đó là gì, có ý nghĩa ra sao.

Từng lăn lộn tác nghiệp tại chiến trường miền Nam Việt Nam, Nick đã bị thương 3 lần nhưng may mắn không nghiêm trọng. Giờ đây Nick cho biết đôi khi ông hứng chịu vẫn những cơn đau vì những vết thương năm nào khi trái gió trở trời.

Dù 40 năm đã qua đi nhưng ký ức về chiến tranh trong Nick vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí ông. Trong 49 năm làm việc cho hãng tin AP, Nick đã tham gia hàng trăm cuộc triển lãm khắp thế giới, trả lời hàng trăm cuộc phỏng vấn, nhưng ông vẫn không khỏi xúc động mỗi lần nói về các bức ảnh năm xưa.

Xót xa với di chứng của chiến tranh

Nick kể rằng ông từng chụp được ảnh máy bay Mỹ rải chất độc da cam xuống rừng ở miền nam Việt Nam. Nhưng khi đó, ông không hay biết đó là chất độc da cam, và các binh sĩ Mỹ cũng vậy.

"Có lần tôi đứng dưới chụp hình máy bay đang rải chất độc da cam nhưng may mắn không bị ảnh hưởng gì về sau, có thể là do đứng ngược hướng gió. Nhìn xa tôi cứ nghĩ máy bay bị hư gì đó khiến nước chảy ra. Thời điểm đó không ai biết đó là chất độc da cam. Các binh sĩ Mỹ cũng không hay biết về chiến dịch đó", Nick nhớ lại.

Nick giờ đây vẫn đau đáu với những hậu quả còn lại của chiến tranh, đặc biệt là vấn đề chất độc da cam và bon mìn còn sót lại. Người phóng viên ảnh kỳ cựu cho biết, trong những lần trở về quê hương, ông đã thực hiện nhiều phóng sự ảnh về các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam trên khắp Việt Nam, từ Bắc vào Nam.

"Trong một lần trở lại Việt Nam, tôi đã tới thăm các nạn nhân chất độc da cam tại khu vực Hà Tây cũ. Tôi đã gặp các cựu chiến binh từng đóng quân ở vùng Trường Sơn và hạ Lào. Tôi cũng trò chuyện với các chị từng là thanh niên xung phong. Họ giống như những cô gái mở đường, từng sống ở khu vực hạ Lào, khi đó mới mười mấy tuổi và ngày đêm ngủ trong rừng. Sau khi chiến tranh kết thúc, họ trở về lập gia đình thì con cái đều bị bệnh. Thật đau xót", ông kể.

Nick nói ông giờ đây chỉ mong chính phủ Mỹ thừa nhận trách nhiệm về chất độc da cam và hỗ trợ nhiều hơn cho các nạn nhân vì vẫn còn hàng trăm nghìn trẻ em bị di chứng trên khắp Việt Nam, dù 40 năm đã qua đi.

"Tôi đã đi thăm các trẻ em bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, từ Bắc vào Nam. Nạn nhân da cam còn nhiều lắm, tất cả các bệnh viện tôi đều gặp những trường hợp bị ảnh hưởng", Nick nói.

Quan hệ Việt-Mỹ đã tốt lên rất nhiều

Nick Út vẫn tràn đầy nhiệt huyết với nghề dù đã làm việc cho AP gần 50 năm.
Nick Út vẫn tràn đầy nhiệt huyết với nghề dù đã làm việc cho AP gần 50 năm.
 
Định cư tại Mỹ từ năm 1977, Nick đã cho hay người Mỹ giờ đây hầu như không nhắc gì tới chiến tranh nữa, mà họ muốn quan hệ Việt-Mỹ gần gũi hơn về kinh tế. Nhiều người Mỹ đã tới Việt Nam trợ giúp nạn nhân da cam và loại bỏ bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.

"Quan hệ Việt-Mỹ đã tốt lên rất nhiều. Giờ đây bạn vào bất kỳ của hàng quần áo lớn nào tại Mỹ cũng thấy đồ Made in Việt Nam. Trước đây, hầu hết là quần áo Made in Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Thái Lan… Đối với tôi, là người Việt Nam, tôi rất mừng vì điều đó", Nick tâm sự.
 
Nick nói năm nào cũng trở lại Việt Nam vì "yêu quê hương lắm". Chỉ trong năm nay, ông đã trở về 2 lần để tham dự dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam và triển lãm ảnh chiến tranh của hãng AP. Ông khoe có nhiều bạn bè thân thiết trên khắp cả nước. Ông còn người thân đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cũng rất thích Hà Nội. Mỗi về thăm quê hương ông đều đến Hà Nội vì bạn bè ở đây rất nhiều.

"Mỗi lần trở về lại thấy quê hương thay đổi nhiều. Năm 1989, tôi đến thăm Hồ Tây thấy chưa phát triển gì cả, nhưng năm nay tôi đến Hồ Tây vào buổi tối thấy rất đẹp, đường xá, nhà cửa thay đổi nhiều. Trong thành phố Hồ Chí Minh cũng vậy, tôi từng sống tại đó, đường nào cũng biết mà giờ đi lạc, không biết đâu mà lần", ông kể.

Là một phóng viên ảnh kỳ cựu, niềm đam mê chụp ảnh như đã ăn sâu vào máu thịt của ông. Nick thường chụp các bức ảnh đẹp về quê hương, về Hạ Long, Sa Pa, Nha Trang... và đăng tải trên trang cá nhân. Bạn bè ông khắp năm châu Âu, đặc biệt là bạn bè tại Mỹ, xem các bức ảnh đó và hiểu thêm về con người và đất nước Việt Nam.

"Họ nói "Nick Út ơi, tôi muốn đến thăm Việt Nam". Vì vậy, tôi rất muốn chụp nhiều bức hình về con người và phong cảnh đất nước Việt Nam để ngày càng nhiều người biết đến quê hương mình", ông nói.

Chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp cho thế hệ trẻ

Sau chiến tranh Việt Nam, Nick làm việc cho hãng tin AP tại văn phòng ở Nhật Bản trước khi chuyển tới định cư ở Los Angeles năm 1977.

Trong gần 40 năm sinh sống tại Mỹ, Nick đã đi khắp nơi trong vùng Los Angeles cùng chiếc máy ảnh để ghi hình cho AP. Ông đã ghi lại vô số những khoảnh khắc của cuộc sống sôi động tại Los Angeles. Giờ đây, sau 49 năm làm việc cho AP và dù tuổi đời không còn trẻ, Nick hàng ngày vẫn xách máy ảnh lên và đi.

"Gần đây tôi đi ít hơn rồi đấy. Những năm trước tôi đi nhiều, có khi nửa đêm có công việc hãng gọi cũng phải dậy và lên đường tác nghiệp", Nick kể về nỗi vất vả của nghề.

Nick dự định nghỉ hưu vào năm tới sau tròn nửa thế kỷ làm việc cho AP. Ông nói sau khi về hưu sẽ có điều kiện ở lại quê hương dài hơn mỗi lần về thăm, có thể là 6 tháng một năm. Khi đó, ông muốn dành một phần thời gian để chia sẻ về những kinh nghiệm thu thập được sau 50 năm công tác tại một trong những hãng thông tấn lớn nhất thế giới với thế hệ phóng viên trẻ tại quê nhà.

"Phóng viên Việt Nam có nhiều điều cần học từ báo chí nước ngoài. Năm 16 tuổi, tôi học thẳng vào AP và tôi hiểu được rất nhiều điều. Nhưng khi sang Mỹ, tôi vẫn bị bỡ ngỡ. Công việc mới lúc đó khá khó khăn với tôi, vì tôi là phóng viên chiến trường, chỉ chụp ảnh chiến tranh... Sau gần 50 năm, tôi đã lĩnh hội được nhiều thứ và muốn chia sẻ với các bạn trẻ yêu nghề báo", Nick tâm sự về mong muốn làm điều gì đó có ích cho quê hương.

An Bình

(Buithen@dantri.com.vn)