1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hợp tác hướng tới tương lai - bài học lớn nhất trong quan hệ Việt-Mỹ

Muốn đạt được mức độ hợp tác cao hơn trong quan hệ Việt-Mỹ, hai bên cần đối thoại trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, xây dựng và tôn trọng lẫn nhau.

“Làm thế nào để cùng hợp tác hướng về tương lai là bài học lớn nhất trong 20 năm quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”. Đó là chia sẻ của Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Phạm Quang Vinh khi trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV thường trú tại Hoa Kỳ nhân kỷ niệm 20 bình thường hóa quan hệ song phương.

hop tac huong toi tuong lai - bai hoc lon nhat trong quan he viet-my hinh 0

Đại sứ Phạm Quang Vinh phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt-Mỹ

PV: Thưa Đại sứ, năm 2015 đánh dấu 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, theo ông, đâu là thông điệp lớn nhất trong quan hệ giữa hai nước cho đến thời điểm này? 

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Thông điệp lớn nhất là sau 20 năm, chúng ta đã tiến tới quan hệ đối tác toàn diện. Người ta rất ngưỡng mộ rằng chỉ trong vài chục năm mà Việt Nam và Hoa Kỳ đã từ cựu thù trở thành bạn và đối tác toàn diện và còn tiếp tục hợp tác nhiều hơn nữa.

Tại lễ kỷ niệm 20 năm quan hệ vừa được tổ chức tại Washington DC, rất đông bạn bè Mỹ và bà con cộng đồng đã đến cùng chia vui và nhìn lại những chặng đường hai nước trải qua mà người ta nói là phát triển vượt bậc, vượt qua kỳ vọng của rất nhiều người, kể cả những người trong cuộc.

Trong các cuộc tiếp xúc, tôi thấy bạn bè đều rất vui mừng về tiến triển trong quan hệ hai nước, đặc biệt là Việt Nam và Hoa Kỳ đã có quan hệ đối tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, an ninh, văn hóa-xã hội, thương mại, cho đến bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại Đông Nam Á và Châu Á-Thái Bình Dương.

Như trong hợp tác giáo dục, khi trường đại học Fulbright Việt Nam được thành lập tại TP HCM thì đây sẽ là trường đại học đầu tiên của Mỹ tại khu vực. Việt Nam hiện có gần 17.000 du học sinh tại Mỹ, cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 8 thế giới. Đây là một thông điệp rất lớn cho tương lai vì từ những mối quan hệ tương tác này, các thế hệ sau sẽ tiếp nối để vun đắp nên mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.        

PV: Như Đại sứ vừa nói, Việt Nam và Hoa Kỳ đã và đang hợp tác trong nhiều lĩnh vực, nhưng đâu là những lĩnh vực mà hai bên sẽ tập trung trong thời gian tới?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Tôi tin rằng khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện được ký kết giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama vào năm 2013 sẽ được củng cố và mở rộng hơn nữa. Khuôn khổ này đã đề ra các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước, từ kinh tế, chính trị, kinh tế, đối ngoại, y tế đến chống biến đổi khí hậu…

Chúng ta vừa chứng kiến chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chuyến thăm Hoa Kỳ đầu tiên của một Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong chuyến thăm này, hai bên đã thông qua tuyên bố về tầm nhìn chung, đặt ra lộ trình và định hướng phát triển mạnh mẽ về hợp tác song phương trong tất cả những lĩnh vực nói trên. Tôi tin rằng, dù còn những khác biệt nhưng hai nước sẽ tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ và vượt qua các khác biệt đó để hợp tác tốt hơn, làm sâu sắc hơn quan hệ giữa Chính phủ với Chính phủ, giữa kênh Đảng với kênh Đảng, giữa Quốc hội với Quốc hội và giữa nhân dân với nhân dân, tạo đà cho quan hệ hợp tác vì lợi ích của hai nước, đồng thời cũng tạo ra sự hợp tác vì lợi ích của cả khu vực.

hop tac huong toi tuong lai - bai hoc lon nhat trong quan he viet-my hinh 1

Đại sứ Phạm Quang Vinh và Thượng nghị sỹ John McCain.

PV: Đại sứ vừa đề cập đến những khác biệt giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, vậy những khác biệt đó là gì và hai nước cần làm như thế nào để vượt qua những khác biệt này?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Trước hết chúng ta phải thấy rằng kỳ vọng hợp tác giữa hai nước là rất lớn và để biến những kỳ vọng đó thành kết quả cụ thể thì hai nước cần phải bàn bạc với nhau.

Do lợi ích quốc gia hay vị trí địa chính trị khác nhau mà trong mỗi lĩnh vực cũng có thể có sự khác biệt, và đây là điều đương nhiên trong quan hệ giữa các quốc gia.

Ví dụ như trong hợp tác kinh tế, nước nào cũng có lợi ích khác nhau. Trong khi Hoa Kỳ và Việt Nam đều mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế và trên thực tế thì thương mại song phương đã tăng 70 lần, lên 36 tỷ USD trong 20 năm qua, thì đâu đó vẫn còn những rào cản thương mại. Thứ hai là do thể chế chính trị và xã hội khác nhau nên cách tiếp cận hay quan điểm liên quan đến các vấn đề như nhân quyền, quyền tự do… cũng còn khác nhau.

Muốn đạt được mức độ hợp tác cao hơn nữa thì rõ ràng, như trong tuyên bố về tầm nhìn được đưa ra trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên cần đối thoại trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, xây dựng và tôn trọng lẫn nhau. Có như vậy thì chắc chắn những khác biệt sẽ ngày càng được thu hẹp và vượt qua để thúc đẩy những hợp tác cao hơn.

PV: Sau 20 năm bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Hoa Kỳ đã rút ra những bài học hay kinh nghiệm gì để có thể thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương trong tương lai, thưa ông?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Tại lễ kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt-Mỹ tại Washington DC, chúng ta đã được chứng kiến những bài phát biểu của các nhân vật lịch sử trong đó có thông điệp video của cựu Tổng thống Bill Clinton và phát biểu của Thượng nghị sỹ John McCain, những người đã cùng Thượng nghị sỹ John Kerry khi đó và một số người khác tạo ra bước ngoặt bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Những bài phát biểu này đã cho thấy rằng cùng hợp tác, làm việc với nhau trên cơ sở tôn trọng và thúc đẩy các lĩnh vực cùng chia sẻ thì quan hệ hợp tác giữa hai nước sẽ càng ngày càng phát triển.

Bài học lớn nhất là làm thế nào để cùng hợp tác, bắt tay với nhau hướng về tương lai. Chính nhờ điều này mà hai bên đã vượt qua được nỗi đau chiến tranh, vượt qua được những khác biệt để bây giờ chúng ta có quan hệ đối tác toàn diện và có tầm nhìn hướng tới tương lai giữa hai nước.                     

PV: Xin cảm ơn Đại sứ!./.

Theo Nhật Quỳnh-Huy Hoàng/VOV-Washington

Hợp tác hướng tới tương lai - bài học lớn nhất trong quan hệ Việt-Mỹ - 3