1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hong Kong tính chi gần 64 tỷ USD xây đảo cho 1,1 triệu dân

(Dân trí) - Trước tình trạng thiếu đất sinh hoạt cho người dân, chính quyền Hong Kong đã công bố kế hoạch đầy tham vọng khi chi 63,8 tỷ USD xây dựng cụm đảo rộng 1.700 héc-ta, dự kiến cho 1,1 triệu dân cư sinh sống.

Phối cảnh dự án 63,8 tỷ xây dựng cụm đảo 1.700 héc-ta (Ảnh: SCMP)
Phối cảnh dự án 63,8 tỷ xây dựng cụm đảo 1.700 héc-ta (Ảnh: SCMP)

SCMP đưa tin, Trưởng Đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga ngày 10/10 đã công bố một bản kế hoạch gây nhiều tranh cãi khi dự kiến chi 500 tỷ đô la Hong Kong (63,8 tỷ USD) nhằm xây cụm đảo nhân tạo rộng 1.700 héc-ta làm nơi sinh sống cho người dân.

Theo SCMP, khoản tiền 63,8 tỷ USD lớn gấp đôi khoản dự kiến ban đầu và bằng một nửa tổng dự trữ tài chính của đặc khu, thể hiện tham vọng của chính quyền bà Lâm nhằm giải quyết tình trạng thiếu đất sinh hoạt và nhà ở của người Hong Kong ở thời điểm hiện tại.

Cụm đảo dự kiến sẽ được xây ở phía đông đảo Lantau và có thể trở thành nơi ở cho khoảng 1,1 triệu dân. Bà Lâm gọi dự án này là “Tầm nhìn cho ngày mai Lantau”. Dự án sẽ phát triển hòn đảo lớn nhất của Hong Kong và các đảo lân cận, xây dựng khu thương mại và dân cư thứ ba tại Hong Kong, sau hai trung tâm đầu tiên là khu Trung tâm và Đông Kowloon.

“Theo quan điểm của tôi, chỉ có những người có tầm nhìn hạn hẹp mới không dám thực hiện điều gì vì sợ chi phí đắt đỏ. Chúng ta cần tự hỏi bản thân rằng dự án này này liệu có cung cấp nhu cầu về nhà ở và quỹ đất trong lâu dài để phát triển các nhu cầu xã hội và phát triển cần thiết cho người dân Hong Kong hay không”, bà Lâm phát biểu trong buổi họp báo.

“Với quyết tâm đạt được các mục tiêu kể trên, tôi không nghĩ mình đáng bị gọi là kẻ thù của nhân dân. Tôi có thể đi theo con đường làm vừa lòng mọi người và không làm những thứ gây tranh cãi, nhưng nó không tốt cho người dân”, bà Lâm nói.

Ngoài ra, kế hoạch này dự kiến sẽ tăng số căn hộ lên khoảng 400.000 và chính quyền Hong Kong cam kết sẽ có ít nhất 80% trong số đó là nhà ở xã hội. Đây là vấn đề mà nhiều người dân Hong Kong quan tâm do giá cả bất động sản ở hòn đảo này hiện được xếp danh sách những thành phố đắt đỏ nhất thế giới.

Bà Lâm nói rằng kế hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở của người Hong Kong và sự phát triển của nền kinh tế hòn đảo. Lantau có vị trí gần sân bay quốc tế Hong Kong, nằm trên tuyến đường đi qua cầu vượt biển dài nhất thế giới nối Hong Kong - Chu Hải - Macau.

Xa hơn, bà Lâm muốn biến Lantau thành “đô thị cận sân bay” gồm sân bay, các trung tâm vận chuyển và hậu cần, trung tâm triển lãm châu Á AsiaWorld-Expo mở rộng, và khu vực cảng nhân tạo.

Kế hoạch tranh cãi

Căn hộ 9 m2 mà anh Siu Wai đang ở cùng vợ và 2 con gái (Ảnh: SCMP)
Căn hộ 9 m2 mà anh Siu Wai đang ở cùng vợ và 2 con gái (Ảnh: SCMP)

Tuy nhiên, đây là một kế hoạch gây nhiều tranh cãi. Phe chỉ trích cho rằng chính quyền bà Lâm đã bỏ qua ý kiến phản biện của người dân về dự án và không chờ kết quả từ việc thu thập ý kiến của nhân dân mà đã vội vàng công bố kế hoạch. Bà Lâm cho rằng vì việc cải tạo và xây dựng mất thời gian dài nên công cuộc lên kế hoạch phải được bắt đầu từ sớm.

“Đối với một vấn đề mang tính cấp bách, chúng tôi sẽ là những người vô trách nhiệm nếu chỉ chờ đợi cho đến khi có sự đồng thuận tuyệt đối thì mới hành động”, bà Lâm lý giải, cho biết kế hoạch này cũng đã nhận được nhiều phản hồi tích cực.

Ngoài ra, Yeung Ha-chi, một thành viên nhóm Cộng đồng nghiên cứu Liber cho rằng tầm nhìn của bà Lâm đã “bỏ qua các vấn đề liên quan tới chi phí, ảnh hưởng tới môi trường và các rủi ro khi thi công mở rộng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt”. Ông Yeung cho rằng, kế hoạch cần ít nhất 20-30 năm để có kết quả và không thể giải quyết được vấn đề thiếu nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp đang “nhức nhối” lúc này.

"Chúng tôi chỉ có thể nghĩ rằng bà Lâm sẽ tập trung vào việc cải tạo, bỏ qua ý kiến người dân. Tại sao bà ấy không đợi sau khi kết quả trưng cầu dân ý?", ông Yeung nói, đề cập tới cuộc trưng cầu dân ý trong 5 tháng về những kế hoạch của chính quyền. Hiện thời, Ủy ban Cung ứng Đất Hong Kong, đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện, cho biết họ vẫn đang lấy ý kiến người dân về kế hoạch cải tạo và sẽ công bố trong báo cáo cuối năm.

Siu Wai, 45 tuổi, người đang sống với vợ và 2 con gái trong một căn hộ chia nhỏ rộng 9 m2 ở Kwun Tong, cho biết ông rất thất vọng về kế hoạch cải tạo đất của chính quyền.

“Làm sao mà kế hoạch có thể giúp cho chúng tôi nếu chúng tôi phải đợi 20-30 năm nữa để họ xây xong đảo. Chúng tôi còn không rõ thế giới khi đó sẽ thay đổi ra sao. Hiện thời, chúng tôi chỉ mong muốn chính quyền sẽ mở các dự án nhà ở xã hội càng nhanh càng tốt và chúng tôi sẽ có cơ hội được ở trong một mái nhà ổn định”.

Siu, một nhân viên chuyển phát nhanh, nói rằng gia đình ông đã phải đợi 6 năm để đăng ký mua nhà ở xã hội và chuyển nhà liên tục 5 năm từ các căn hộ chia nhỏ này tới các căn hộ chia nhỏ khác trong nhiều năm qua.

Dù không hoàn toàn phản đối kế hoạch cải tạo và xây đảo đắt đỏ, nhưng điều khiến Siu băn khoăn là tại sao chính quyền không tập trung hơn vào việc phát triển các khu đất bỏ hoang, hoặc lấy lại đất từ sân golf Fanling để xây nhà. Ông cho rằng cải tạo nên là phương án cuối cùng khi quỹ đất đã cạn kiệt.

Đức Hoàng

Theo SCMP