1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hội tụ Nhật Bản-Ấn Độ và sự đối trọng với Trung Quốc

Chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Ấn Độ tập thảo luận vấn đề hợp tác quốc phòng, kinh tế và chiến lược chung ứng phó với Trung Quốc.

Hai nhà lãnh đạo sẽ tham dự Đối thoại thường niên cấp cao giữa hai bên với nội dung trọng tâm là hợp tác quốc phòng và những chiến lược chung ứng phó với Trung Quốc. Chuyến thăm tới Nhật Bản lần này của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi liệu có mở ra triển vọng mới cho quan hệ hai nước đi vào chiều sâu thực chất hơn?.


Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: India Today

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: India Today

Quan hệ thân thiết

Đây là lần thứ 3 Thủ tướng Ấn Độ thăm Nhật Bản, và là lần thứ 5 hội đàm với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong vòng có vài năm trở lại đây. Điều này chứng tỏ quan hệ hai nước hết sức tốt đẹp thông qua duy trì đều đặn các chuyến thăm và gặp gỡ giữa nguyên thủ hai nước.

Lần đầu tiên thủ tướng Abe mời Thủ tướng Modi dự tiệc chiêu đãi tại nhà riêng có ở tỉnh Yamanashi, đồng nghĩa ông Abe coi ông Modi như một người bạn thân thiết. Trong văn hóa Nhật Bản, chỉ có những người bạn thân thiết mới được mời đến nhà dùng cơm.

Chuyến thăm lần này tập trung vào vấn đề hợp tác Nhật-Ấn trong vấn đề Triều Tiên, vấn đề hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng của Ấn Độ thông qua nguồn vốn của Nhật Bản, thúc đẩy Dự án đường sắt cao tốc tại Ấn Độ. Và một vấn đề nữa là hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử cũng sẽ được hai bên thảo luận.

Riêng về vấn đề Triều Tiên có thể nói vẫn là một nội dung được đề cập trong chuyến thăm Nhật Bản lần này của Thủ tướng Modi. Mặc dù trong thời gian qua, các cuộc gặp Mỹ-Triều, Hàn-Triều đã mở ra triển vọng mới cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, lập trường Nhật Bản vẫn cho rằng đến nay Triều Tiên vẫn chưa có những hành động cụ thể về xóa bỏ hạt nhân, do đó, Nhật Bản tiếp tục lập trường để bảo vệ ninh của Nhật Bản cũng như an ninh khu vực.

Riêng trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, Nhật Bản mong muốn sẽ cấu trúc nên một quan hệ hợp tác vì nhân dân, trong đó sẽ sử dụng công nghệ Nhật Bản kết hợp với nguồn nhân lực Ấn Độ góp phần vào phát triển Ấn Độ với hình thái hợp tác cùng thắng.

Thủ tướng Abe hy vọng rằng, dự án tàu cao tốc shinkansen đã đánh dấu sự phát triển cao độ của Nhật Bản về công nghệ đường sắt, do vậy dự án đường sắt cao tốc Ấn độ sẽ thúc đẩy kinh tế Ấn độ cũng như kinh tế Ấn độ phát triển.

Thực hiện chính sách đối ngoại vì lợi ích chung

Thủ tướng Ấn Độ Modi rất coi trọng quan hệ hợp tác với Nhật Bản, chính vì vậy mà với chuyến thăm tới Nhật Bản lần này, hai nhà lãnh đạo có thể tìm kiếm các hướng hợp tác hiệu quả hơn nữa giữa chính sách hướng Đông của Ấn Độ và chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Nhật Bản.

Gần đây Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ cấp cao thúc đẩy tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng và kinh tế với Mỹ và Ấn Độ. Mục đích là ngăn chặn sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á, đồng thời lập lại trật tự trong khu vực, vốn được dựa trên các thể chế minh bạch, sự quản trị tốt và luật pháp quốc tế. Và sức mạnh sẽ phát huy hiệu quả khi Nhật-Ấn-Mỹ tạo thành trụ tại khu vực trong việc giải quyết các vấn đề được coi là hướng tới hòa bình, ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nhật Bản tiếp nhận “sự hội tụ của 2 vùng biển” – như được ông Abe vạch ra lần đầu tiên cách đây hơn 1 thập kỷ, gọi là Hành động hướng Đông, thông qua các liên kết mạnh mẽ hơn với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (đặc biệt là Myanmar, Singapore, Việt Nam).

Rõ ràng, Nhật Bản cùng với chính sách ngoại giao rộng mở, sẽ vận dụng linh hoạt cả những chính sách ngoại giao của nước đồng minh, nước đối tác vì lợi ích của đất nước và hòa bình khu vực.

Đối trọng với Trung Quốc

Trên thế giới, không có mấy nước phủ nhận vị trí và vị thế của Ấn Độ trên thế giới, do đó tiếng nói của Ấn Độ rất có trọng lượng trên diễn đàn quốc tế. Để phát triển mối quan hệ với Ấn Độ, Nhật Bản cam kết cung cấp nguồn vốn vay mới ưu đãi cho các dự án phát triển hạ tầng của Ấn Độ, thúc đẩy các công ty hai nước hợp tác. Điều này khiến Ấn Độ sẽ cảm thấy “thỏa mãn” khi hợp tác với Nhật Bản và sẵn sàng hợp tác với Nhật Bản.

Ấn Độ và Nhật Bản gần đây thúc đẩy dự án “Hành lang tăng trưởng Á-Phi”. Có ý kiến cho rằng dự án này nhằm mục đích đối trọng với ý tưởng “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc. Dự án này có ý nghĩa chiến lược trong việc kết nối 2 nền kinh tế Ấn – Nhật cũng như những ảnh hưởng lớn hơn ở khu vực.

“Hành lang tăng trưởng Á-Phi”, thực chất là việc khám phá lại những tuyến đường biển cổ đại, hình thành tuyến đường biển mới, tạo ra tam giác phát triển kinh tế khu vực. Nhiều năm nay cả Ấn Độ và Nhật Bản cũng đã tập trung đầu tư vào khu vực Châu Phi.

Dĩ nhiên Trung Quốc trước đó cũng đã chú trọng đến việc tập trung khai thác khu vực Châu Phi. Chính vì vậy, “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc do Chủ tịch Tập Cận Bình đề xướng cũng không nằm ngoài mục đích tạo ra thế “độc quyền” trong tam giác kinh tế này.

Mặt khác, cả Nhật Bản và Ấn Độ đều có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Tokyo và New Delhi đều lo ngại về những hành động quyết đoán liên quan tới vấn đề tranh chấp lãnh thổ của Bắc Kinh trong thời gian gần đây.

Vì vậy, mặc dù vẫn coi quan hệ đồng minh an ninh Nhật-Mỹ là trụ cột trong chính sách đối ngoại, nhưng Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe vẫn mong muốn đa dạng hóa quan hệ đối tác chiến lược để đối phó với sự nổi lên của Trung Quốc.

Song song với việc tăng cường quan hệ với Việt Nam, Indonesia và Australia, đồng thời cải thiện quan hệ với Nga, trong thời gian gần đây, chính quyền Abe đã tích cực thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ.

Về phần mình, New Delhi cũng đang thực hiện chính sách hướng Đông nhằm tăng cường quan hệ với các nước châu Á khác, nhất là các nước đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, trong đó có Nhật Bản, để làm đối trọng với Bắc Kinh.

Theo Bùi Hùng

VOV