1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hồi sinh?

(Dân trí) - Khủng hoảng Ukraine đã tiếp "sinh khí mới” cho NATO vào đúng sinh nhật lần thứ 65 của tổ chức này. Sau nhiều năm hoạt động cầm chừng do cục diện đối đầu quân sự trong chiến tranh Lạnh không còn, NATO đang được đánh thức bởi chính “hậu duệ" của kẻ thù trước đây.

Hồi sinh?
Cuộc khủng hoảng Ukraine đang tạo đất cho NATO hoạt động và cũng tạo cớ để khối này điều binh đến sát vùng ảnh hưởng của Nga.

Trong bối cảnh hiện nay khi Mỹ và các nước đồng minh phương Tây đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tại Ucraina, vai trò của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lại được nhắc đến như một đối trọng với nước Nga vốn đang tái khẳng định vai trò chính trịvà quân sự của mình ở châu Âu. Người ta dành cụm từ “hồi sinh” để nói về tổ chức quân sự 65 tuổi này.

NATO được thành lập năm 1949 trong thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh Lạnh giữa phương Tây và các nước XHCN ở Đông Âu do Liên Xô đứng đầu. Đối trọng của NATO là tổ chức Hiêp ước Vácxava, được thành lập năm 1955. Sự đối đầu và chạy đua vũ trang giữa hai khối quân sự này là nhân tố chính tạo nên cục diện chính trị và quân sự của thế giới trong liên tục 4 thập kỷ tiếp sau.

Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991 kéo theo sự giải thể của khối Vácxava, NATO không còn đối thủ. Trước tình hình mới, tổ chức này không ngừng tìm cách tăng cường ảnh hưởng của mình thông qua việc mở rộng “phạm vi phủ sóng” chính trị. Từ năm 1999 - 2004, NATO kết nạp 12 nước Đông Âu, trong đó có 5 nước là thành viên khối Vácxava và 3 nước cộng hòa Baltic thuộc Liên Xô cũ.

Đáng chú ý là việc mở rộng NATO diễn ra trong bối cảnh Mỹ và châu Âu không có bất cứ đe doạ an ninh cụ thể nào. Chính điều này đã gây không ít tranh cãi xung quanh sự tồn tại của khối quân sự lớn nhất thế giới, đặc biệt khi kinh tế thế giới rơi vào cuộc suy thoái lớn nhất thể từ cuộc Đại khủng hoảng 1930 – 1933.

Trước hết, NATO ngốn một khoản ngân sách kỷ lục: chiếm khoảng 60% tổng chi phí quân sự toàn cầu, tương đương 2% GDP của các nước thành viên. Đây là chi phí quá xa xỉ trong bối cảnh suy thoái kinh tế kéo dài ở Mỹ và khủng hoảng nợ công đang làm kiệt quệ nhiều nền kinh tế thành viên Liên minh châu Âu (EU). Kết quả là cả Mỹ và châu Âu cùng tìm cách cắt giảm đóng góp tài chính cho NATO, khiến tổ chức này chỉ còn đủ ngân quỹ hoạt động cầm chừng cho dù tại chiến trường Afghanistan nơi NATO đóng vai trò dẫn dắt chính, hay tại các điểm nóng quốc tế khác như ở Libya và Syria.

Lo ngại trước sự suy giảm sức mạnh và ảnh hưởng toàn cầu của NATO khi kinh phí hoạt động không còn, Tổng thư ký NATO Ford Rasmussen vào năm ngoái từng phải kêu gọi các nước thành viên duy trì chi tiêu như cũ.

Tuy nhiên, những lo ngại về tương lai của NATO không chỉ gói gọn trong vấn đề tài chính. Chất lượng hoạt động quân sự nghèo nàn khiến không ít người nghi vấn về sự suy yếu và rệu rã của “cơ thể” đã 65 tuổi của NATO. Tướng Rick Hillier, người từng chỉ huy các lực lượng NATO tại Afghanistan trong giai đoạn 2005 - 2008, đã có lần thốt lên rằng NATO "không hề có lấy một chiến lược hay mục tiêu nào rõ ràng" kể từ khi đảm trách sứ mệnh tại Afghanistan từ năm 2003. Những thành tích an ninh cũng không mấy được cải thiện sau 10 năm sa lầy tại Afghanistan, cho dù thời hạn rút quân chỉ còn được tính theo đơn vị tháng.

Theo kế hoạch, NATO sẽ rút quân khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014 và chỉ để lại một lượng nhỏ binh sĩ làm nhiệm vụ huấn luyện và hỗ trợ cho lực lượng an ninh sở tại.

Theo nhiều nhà phân tích, lý do quan trọng nhất làm NATO suy giảm vai trò là vì Liên Xô và khối Vácxava tan rã. Làn sóng hội nhập Đông – Tây phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây khiến liên minh quân sự này mất đi dần sứ mệnh lịch sử của mình. Nước Nga hiện nay không những không phải là đối thủ của NATO, mà còn là một thành viên Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8), chuẩn bị gia nhập Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và là một đối tác quan trọng của châu Â, Mỹ cũng như bản thân NATO.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng Ukraina bùng phát đầu năm 2014 đã thay đổi tất cả. Đây được cho là cuộc đối đầu lớn nhất giữa Đông và Tây kể từ khi chiến tranh Lạnh kết thúc. Cách hành xử của Nga trong cuộc khủng hoảng này gợi nhớ một Liên Xô trước đây: mạnh mẽ và không ngại đối đầu. Tư lệnh NATO ở châu Âu, Tướng Breedlove, cho rằng Nga có thể chiếm UKraina chỉ trong vài ngày. Vì vậy, đối trọng quân sự của Nga lúc này chỉ có thể là NATO.

Nhận thức được bước ngoặt lịch sử này, NATO đã nhanh chóng phản ứng. NATO đã đình chỉ tất cả các hợp tác quân sự và dân sự với Nga, đồng thời tăng cường chiến đấu cơ đến khu vực Baltic và xem xét lại vấn đề kết nạp Gruzia để trừng phạt Nga. Trong những bài báo mang đầy giọng điệu châm biếm, giới truyền thông phương Tây đã mỉa mai viết rằng: “NATO phải cảm ơn Putin”. Theo họ, nếu không có “kẻ thù cũ” là Nga với câu chuyện Ukraine thì hẳn sau năm 2014, NATO sẽ chẳng còn nhiệm vụ chung nào để có cớ duy trì sự hiện diện của mình. Bộ Ngoại giao Nga cũng cho rằng NATO đang biện minh cho sự tồn tại của mình bằng cách tập hợp thành viên chống lại một “mối đe dọa không tưởng” và tạo dựng tâm lý chiến tranh Lạnh mới.

Tất nhiên trước sự nổi lên của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine và nhất là hành động sáp nhập Crimea, liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu không thể không hành động. Nhưng kiểu “té nước theo mưa” hiện nay của NATO cũng không phải là sách lược khôn ngoan cho sự tồn tại lâu dài của khối và cũng chưa có gì đảm bảo sự nổi lên hiện nay của NATO là thực sự chắc chắn. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn và Mỹ đang đẩy mạnh chiến lược xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương, liệu các nước đồng minh châu Âu có mặn mà với ý tưởng bỏ tiền nuôi một cỗ máy quân sự xa hoa để trừng phạt Nga, đối tác kinh tế lớn của họ trong cả hiện tại và tương lai?

Khánh Vũ