1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Henry Paulson có giải được bài toán kinh tế Mỹ?

(Dân trí) - Quyết định chọn một nhà kinh tế kỳ cựu và nổi tiếng ở phố Wall làm bộ trưởng tài chính thứ 3 của Tổng thống Mỹ Bush đang giành được sự ủng hộ rộng rãi. Tuy nhiên, phe Dân chủ lại cho rằng chính phủ phải thay đổi các chính sách, chứ không chỉ riêng nhân sự, để giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách và thương mại, cùng các vấn đề kinh tế khác.

Với tỉ lệ ủng hộ Tổng thống hiện ở mức rất thấp, bất chấp tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh và tỉ lệ thất nghiệp thấp, ngày 30/5, ông Bush đã thông báo việc bổ nhiệm Henry Paulson, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Goldman Sachs, làm người phát ngôn kinh tế hàng đầu của chính phủ.

 

Bằng cách chọn một nhà đầu tư kỳ cựu, với 32 năm kinh nghiệm trong một công ty đầu tư hàng đầu của phố Wall, ông Bush hy vọng giành được lòng tin của giới kinh tế, như ông Bill Clinton đã từng đạt được khi bổ nhiệm Robert Rubin, một trong những người tiền nhiệm của ông Paulson ở Goldman Sachs, làm Bộ trưởng Tài chính.

 

Chuyên gia kinh tế Allen Sinai thuộc tổ chức Decision Economics nhận xét: "Kinh nghiệm của ông Paulson trong việc điều hành Goldman Sachs - công ty tài chính toàn cầu thực hiện gần như tất cả các loại hình hoạt động tài chính và doanh nghiệp phức tạp, đã khiến ông là sự lựa chọn gần như hoàn hảo."

 

Mặc dù Paulson được lựa chọn để thúc đẩy lòng tin ở phố Wall về các chính sách của chính phủ, ngày 30/5, các nhà đầu tư lại không hề chú ý tới tin này, mà thay vào đó họ quan tâm tới giá dầu tăng cao và lòng tin của người tiêu dùng giảm sút, khiến chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm tới 184 điểm.

 

Các nhà phân tích cho rằng tình trạng hàng hoá phải bán tống bán tháo, một trong nhiều dấu hiệu đi xuống gần đây của nền kinh tế, đã cho thấy những thách thức mà ông Paulson phải đương đầu, giữa lúc lạm phát đang có dấu hiệu tăng nhanh và tăng trưởng kinh tế đang suy giảm.

 

Xét tới thực tiễn các chính phủ trước đây vẫn sử dụng Bộ trưởng Tài chính làm người phát ngôn cho các chính sách của Nhà Trắng, một số nhà phân tích đặt ra câu hỏi liệu ông Paulson sẽ gây được tác động đến đâu. David Wyss, phụ trách kinh tế thuộc tổ chức Standard & Poor's ở New York nói: "Liệu vị bộ trưởng tài chính mới này có gây được ảnh hưởng nào lớn hơn hai người tiền nhiệm hay không. Và liệu chính quyền Bush có thể thuyết phục được Quốc hội thông qua mọi chính sách, khi mà chỉ còn 2 năm nữa là hết nhiệm kỳ?".

 

Nỗ lực cải tổ hệ thống An sinh xã hội, ưu tiên hàng đầu của ông Bush trong nhiệm kỳ II về các vấn đề trong nước, giờ đã chết hẳn. Nỗ lực của ông trong việc cải tổ cơ bản luật thuế cũng hầu như bị tê liệt. Nay phe Dân chủ đang tập trung làm thất bại nỗ lực của Tổng thống trong việc vĩnh viễn hóa chính sách cắt giảm thuế mà ông đã đưa ra trong nhiệm kỳ đầu, vì cho rằng những chính sách này là không khả thi trong bối cảnh thâm hụt ngân sách khổng lồ.

 

Hạ nghị sỹ Charles Rangel, quan chức hàng đầu của đảng Dân chủ trong Ủy ban Phân bổ Ngân sách Hạ viện, nói: "Chính quyền Bush phải sử dụng những năm cầm quyền còn lại để sửa chữa những sai lầm về tài chính trong nhiệm kỳ đầu". Trong khi đó Thượng nghị sỹ Jack Reed cho rằng: "Điều quan trọng là ông Paulson phải đưa ra được quan điểm thực tế về những vấn đề nghiêm trọng mà nền kinh tế Mỹ đang phải đương đầu".

 

Thượng nghị sỹ Charles Schumer cho rằng kinh nghiệm lâu nay của ông Paulson về làm ăn với Trung Quốc sẽ giúp ích cho nỗ lực của chính phủ Mỹ ép Trung Quốc tăng giá đồng Nhân dân tệ so với đồng USD, coi đó như một biện pháp nhằm giải quyết khoản thâm hụt thương mại khổng lồ 202 tỉ USD của Mỹ với Trung Quốc.

 

Nguyễn Phúc

Theo AP