1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hậu Brexit: Cục diện mới ở Trung Đông hình thành?

Cục diện mới ở Trung Đông đang dần hình thành sau Brexit khi thế giới Arập dành nhiều sự chú ý cho chính quyền Assad thay Mỹ và Châu Âu.

Thế giới Ả Rập ngần ngại Mỹ, ủng hộ Assad

Sau khi Anh chính thức quyết định rời EU (Brexit), trong nội bộ các chính phủ Ả Rập đã xảy ra nhiều biến động và toan tính chính trị mới. Một kết quả khá bất ngờ và kịch tính của Brexit đang xảy ra ở Trung Đông.

Theo nguồn tin của trang tin tình báo Debka, các chính phủ ở Ả Rập bắt đầu tỏ ra ngần ngại vì đã phụ thuộc vào Mỹ và châu Âu trong cuộc chiến chống IS. Họ dường như cho rằng liên minh do Mỹ dẫn đầu đang suy yếu, đồng thời dự đoán Anh sẽ giảm hoặc thậm chí là rút toàn bộ lực lượng của mình ra khỏi chiến trường trong tương lai gần.

Sau Brexit thế giới Arập dành nhiều sự chú ý cho chính quyền Assad thay Mỹ và Châu Âu.
Sau Brexit thế giới Arập dành nhiều sự chú ý cho chính quyền Assad thay Mỹ và Châu Âu.

Cụ thể, quan chức tại một số quốc gia Ả Rập đang thảo luận về khả năng dừng tẩy chay Tổng thống Syria Assad và có thể hợp tác quân sự với chính quyền Damascus nhằm chống lại khủng bố - một lựa chọn mà chỉ vài ngày trước vốn là điều không tưởng.

Điều này đồng nghĩa với việc thế giới Ả Rập có thể sẽ chấp nhận tuyên bố của Assad kể từ khi xung đột ở Syria nổ ra năm 2011. Đó là cuộc chiến của nhà lãnh đạo Damascus nhằm chống lại những kẻ nổi dậy muốn lật đổ chính quyền thực chất là cuộc chiến chống Hồi giáo cực đoan.

“Nếu các quan chức Ả Rập thực sự biến lời nói thành hành động, thì chúng ta sẽ đứng trên bờ vực của một cuộc rung chấn về quân sự và chính trị khác tại Trung Đông”, Debka kết luận.

Cũng theo nguồn tin này, có những dấu hiệu cho thấy sự hài lòng của một số quốc gia Hồi giáo Trung Đông - Tehran, Riyadh, Amman và Damascus - về một thực tế mà theo họ, là sự yếu đi của NATO và thậm chí là vị thế của Washington ở Brussels.

Các nước này đang đưa ra những thông điệp cho thấy “sự đồng thuận chính trị” hiếm hoi đầu tiên trong thế giới Arập và Hồi giáo, kể từ khi nổ ra cuộc nổi dậy Mùa xuân Arập tháng 12/2010.

Những tuyên bố như “chúng ta đang có cơ hội lịch sử mới” hay “ngôi sao của người Mỹ đã bị xóa khỏi lá cờ EU” chỉ là phần nổi của một tảng băng trôi, bất kể một số lượng hạn chế binh sĩ Mỹ đã tham gia chống phiến quân IS ở Iraq, Syria và Libya trong vài tháng qua.

Liên minh chống IS thất thế

Thực tế ngay từ khi thành lập, liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu đã thể hiện rõ quyết tâm cùng nhau đoàn kết để tiêu diệt các phần tử khủng bố, giành lợi thế trên cả lãnh thổ Iraq và Syria.

“Chúng ta đã làm rất nhiều, bởi vì chúng ta cần phải làm thật nhiều để giành chiến thắng trước IS. Tôi tin chắc chúng ta sẽ thành công, nhưng tôi muốn đẩy nhanh quá trình", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter từng tuyên bố.

Thậm chí để lôi kéo thêm các nước Ả Rập ủng hộ kế hoạch của mình, chính quyền Mỹ và các nhà lãnh đạo châu Âu đã chống lưng cho Tổng thống Iran Hassan Rouhani, với hy vọng sẽ được chứng kiến một nước Iran dân chủ tự do và lật sang trang mới trong quan hệ với phương Tây.

Tuy nhiên mới đây, ông Hamid Abutalebi - Phó Chánh văn phòng tổng thống Iran về các vấn đề chính trị - cho rằng Iran đang có cơ hội mới, sau khi “EU đã mất niềm tin của người dân Châu Âu” và “khó khăn kinh tế ở miền nam Châu Âu, các cuộc tấn công khủng bố và khủng hoảng tị nạn chính là những dấu hiệu về sự sụp đổ của Liên minh Châu Âu”.

Liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu đang dần suy yếu
Liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu đang dần suy yếu

Đặc biệt, kể từ khi vấn đề khủng hoảng người di cư xảy ra, trong nội bộ các nước châu Âu đã bắt đầu xuất hiện những bất đồng, rạn nứt, nhất là vấn đề vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong nội bộ liên minh do Mỹ dẫn đầu người ủng hộ, kẻ nghi ngờ trước những yêu cầu do phía Ankara đặt ra đối với việc giải quyết vấn đề di cư.

Không chỉ thế, châu Âu cũng xuất hiện có hai luồng quan điểm khác nhau về cách giải quyết vấn đề tị nạn. Quan điểm thứ nhất cho rằng phải đóng cửa biên giới quốc gia thì mới ngăn chặn được dòng người tị nạn. Quan điểm thứ hai là khép kín biên giới ngoài của EU và duy trì biên giới mở trong EU. Những tranh luận chưa có hồi dứt đã phá nát liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu.

Trong khi đó, một đồng minh thân cận của Washington là Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang có những dấu hiệu tích cực trong cuộc chiến tại Syria.

Trước sức ép kinh tế và quân sự dồn dập từ Moskva, Tổng thống Erdogan đã phải chính thức lên tiếng xin lỗi về vụ bắn rơi Su-24 Nga hồi tháng 11 năm ngoái.

Giới quan sát đánh giá Ankara hiện đang rơi vào tình thế bị cô lập ngoại giao bởi theo đuổi lập trường ngày càng độc đoán, đặt Thổ Nhĩ Kỳ vào thế đối đầu với châu Âu vì cuộc khủng hoảng người tị nạn và thực thi chính sách ngoại giao phô diễn sức mạnh mới, trong đó có cả chiến lược thất bại ở Syria.

Động thái chủ động tiếp cận Nga có thể được xem như một nỗ lực nhằm khắc phục một số tổn hại do chính sách ngoại giao của ông Erdogan gây ra.

Đặc biệt, trong bối cảnh điện Kremlin đã nhiều lần yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ không làm gia tăng thêm căng thẳng trong khu vực, thực hiện nghiêm túc các điều kiện để duy trì lệnh ngừng bắn tại Syria cũng như không tấn công lực lượng người Kurd tại đây thì chắc chắn trong thời gian tới, để làm hòa với Nga, chính quyền Erdogan bắt buộc phải chấp nhận đánh đổi.

Như vậy, hậu Brexit, một trật tự mới tại Trung Đông đang dần được hình thành theo hướng có lợi cho Nga và tổng thống Assad.

Theo Trung Dũng (Tổng hợp)

Đất Việt