1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hành trình ớn lạnh của nhà báo Đức trong hang ổ IS

(Dân trí) - Một nhà báo Đức đã thực hiện hành trình đầy nguy hiểm, thâm nhập sào huyệt của nhóm phiến quân IS và may mắn trở về an toàn. Ông này nhận định IS rất mạnh và hung tàn, đồng thời ông cũng bi quan về khả năng thành công của các cuộc không kích nhằm triệt hạ IS.

Hành trình ớn lạnh của nhà báo Đức trong hang ổ IS

Ông Juergen Todenhoefer là người đầu tiên tiến vào sào huyệt của tổ chức phiến quân IS và có thể an toàn trở về.

Trang BBC ngày 23/12 đã đăng tải một bài chia sẻ của nhà văn, nhà báo người Đức Juergen Todenhoefer về cuộc sống ở thành phố Mosul thuộc miền bắc Iraq, nơi bị Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chiếm đóng từ mùa hè năm nay.

Hồi tháng 6 vừa rồi, nhà báo Todenhoefer, người cũng từng là chính trị gia, đã đi qua vùng Raqqa của Syria để tới thành phố Mosul và lưu lại nơi đây trong 6 ngày.

Nhà báo này cho biết, thông qua một phần tử Hồi giáo người Đức,ông đã thương lượng với phiến quân IS trong nhiều tháng để có thể tiếp cận với các vùng lãnh thổ bị chúng chiếm đóng. Ông cũng đã nhận được giấy phép bảo đảm an toàn trong nhiều tình huống từ trụ sở của Nhà nước Hồi giáo.

Tuy nhiên, phiến quân IS sau đó đã đổi ý và quyết định bắt giữ ông Todenhoefer và con trai ông này làm con tin. Ông và con mình đã phải chạy hơn 1 km về phía biên giới Thổ Nhĩ Kỳ để có thể trốn thoát. Ông chia sẻ mình hạnh phúc vô cùng vì đã thoát được tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc" lúc đó.

Vị cựu chính trị gia người Đức nhận định lực lượng IS rất mạnh và hung hãn hơn ông tưởng tượng nhiều lần. Bọn chúng luôn hừng hực khí thế và ủng hộ cho sự hung bạo của tổ chức. Ông đã choáng váng trước tham vọng thực hiện “thanh tẩy tôn giáo” và mở rộng lãnh thổ của tổ chức phiến quân IS.

Cuộc sống hà khắc của người dân bị bắt cải đạo

Bị các chiến binh IS bắt giữ một cách nhanh chóng hồi tháng 6 vừa rồi tại thành phố Mosul, ông Todenhoefer đã chứng kiến cách thức tổ chức này áp đặt một phiên bản hà khắc của Hồi giáo dòng Sunni lên những người dân nơi đây.

Các tấm poster hướng dẫn đàn ông quỳ lạy và chỉ cho phụ nữ cách che kín khuôn mặt và cơ thể được dán khắp nơi. Người dân bị cấm đoán đủ điều, một trong số đó là việc ăn mặc giống những người không theo đạo.

Một tấm poster của phiến quân IS phân biệt cách quỳ lạy đúng và sai

Một tấm poster của phiến quân IS phân biệt cách quỳ lạy đúng và sai

Tại thành phố Mosul, những hình ảnh trên các tấm pa nô quảng cáo bị che kín, những cuốn sách và sổ tay viết về các quy tắc của Hồi giáo (bao gồm cả quy định về đối xử với nô lệ) tràn ngập trong các hiệu sách.

Cai trị bằng nỗi sợ hãi 

Nhân chứng Todenhoefer khẳng định những phần tử thánh chiến từ hồi tháng 6 đã có hệ thống tư pháp riêng tại thành phố Mosul, cờ IS được treo tại các tòa án và các cảnh sát là người của IS đang giám sát người dân thực hiện luật của tổ chức IS.

Các cảnh sát IS cũng cho biết họ không cần phải dùng đến bạo lực để trừng phạt nữa. Nỗi sợ hãi bao trùm lên thành phố Mosul và trở thành phương tiện hữu hiệu nhất để răn đe người dân nơi đây.

Nhà báo Todenhoefer cho biết ông nhận thấy chiến binh IS rất ủng hộ cho sự hung bạo của tổ chức. Ông đã choáng váng trước niềm tin đến mức tàn bạo và tham vọng thực hiện “thanh tẩy tôn giáo” cũng như mở rộng lãnh thổ của chúng.

“Chúng rất tự hào và tin tưởng vào khả năng của mình. Vào đầu năm, ít người từng nghe đến tổ chức này nhưng giờ đây IS đã chiếm được một vùng lãnh thổ rộng bằng Vương quốc Anh”, ông Todenhoefer nhận định.

Cựu chính trị gia này cũng nói thêm: "Tôi có cảm giác rằng chúng muốn chứng minh Nhà nước Hồi giáo đang trở thành hiện thực".

Nhân chứng người Đức kể lại đã gặp các tay súng còn rất nhỏ được trang bị vũ khí để bảo vệ “vua Hồi giáo”. Chúng được tuyển mộ từ khắp nơi trên thế giới như Anh, Mỹ, Thụy Điển hay Trinidad và Tobago.

Ông Todenhoefer thuật lại rằng: “Bề ngoài thì cuộc sống ở đây bình yên hơn tôi đã nghĩ, nhưng thực ra thì tất cả người theo đạo Thiên Chúa và đạo Hồi giáo Shia đã bỏ trốn khỏi thành phố trong sợ hãi khi IS chiếm đóng nơi này”.

Bi quan về hiệu quả của các cuộc không kích

Sau khi được đảm bảo về sự an toàn của mình và con trai, ông Todenhoefer đã công bố một đoạn phim do con trai của ông quay, cho thấy phiến quân IS đang củng cố bộ máy của chúng để đối phó với các nguy cơ bị không kích tập thể.

Vị cựu chính trị gia Đức ước tính rằng hiện thành phố Mosul đang bị vài ngàn chiến binh IS chiếm giữ. Nhưng ông nhận định rằng khó có thể hạ được chúng bằng chiến dịch không kích bởi chúng đã rải quân ra khắp thành phố và không đi lại thành các đoàn lớn để tránh các cuộc không kích của liên minh.

Nhân chứng này cũng tin rằng khi ở trên vùng đất Iraq mà chúng cai quản, phiến quân IS trở nên mạnh mẽ hơn so với khi chúng ở Syria. Ông chỉ ra rằng tại trụ sở của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở vùng Raqqa đông bắc Syria, Tổng thống Syria Bashar al-Assad hiện vẫn trả lương cho các nhân viên chính phủ.

Sau khi đã an toàn ở Munich, cựu chính trị gia Todenhoefer cho biết: “Phiến quân IS là kẻ thù tàn bạo và nguy hiểm nhất mà tôi từng nhìn thấy trong đời mình”.

Nhà báo người Đức cũng nhận định “không ai có thể ngăn cản phiến quân IS ngoài những người Ả rập. Chỉ có họ mới có thể dừng chúng lại”.

Cuối buổi phỏng vấn, ông Todenhoefer nhấn mạnh "tôi trở về nhưng rất bi quan" về cuộc chiến chống IS hiện nay.

Thoa Phạm
Theo BBC