1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hàn Quốc, Triều Tiên nhất trí dỡ bỏ vũ khí ở khu vực biên giới

(Dân trí) - Hàn Quốc, Triều Tiên và Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc (LHQ) đã thống nhất sẽ dỡ bỏ vũ khí và trạm gác ở làng Bàn Môn Điếm thuộc khu phi quân sự, động thái cho thấy quan hệ liên Triều đang được cải thiện theo chiều hướng tích cực.

Khu vực biên giới liên Triều (Ảnh: Reuters)
Khu vực biên giới liên Triều (Ảnh: Reuters)

Reuters đưa tin, Triều Tiên, Hàn Quốc và Bộ Tư lệnh LHQ do Mỹ dẫn đầu ngày 22/10 đã đồng ý sẽ rút vũ khí và trạm gác khỏi Khu vực An ninh Chung thuộc khu phi quân sự (DMZ) ở biên giới liên Triều.

Ba bên đã thực hiện vòng đàm phán thứ 2 ở Bàn Môn Điếm nhằm tìm ra phương pháp và cách thức phi quân sự hóa đường biên giới, tuân thủ theo thỏa thuận mà Hàn-Triều đã đồng ý thực hiện trong cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 9 ở Triều Tiên.

Bộ Tư lệnh LHQ, đơn vị đã đóng quân ở DMZ từ khi cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc, chưa bình luận về động thái này nhưng hồi tuần trước. LHQ cho biết họ ủng hộ nỗ lực của 2 miền Triều Tiên nhằm thực thi thỏa thuận quân sự.

Thông tin về việc dỡ bỏ vũ khí ở biên giới được công bố trong bối cảnh Mỹ quan ngại rằng các phương án quân sự mà 2 quốc gia thuộc bán đảo Triều Tiên đang thực thi có thể ảnh hưởng tới năng lực phòng thủ của Hàn Quốc và được áp dụng khi Bình Nhưỡng vẫn chưa đạt được bước tiến đáng kể trong tiến trình phi hạt nhân hóa.

Hai quốc gia dự kiến sẽ rút đi 11 trạm gác trong bán kính 1 km, bắt đầu từ đường giới tuyến quân sự từ giờ cho tới cuối năm. Họ cũng sẽ rút toàn bộ vũ khí trong khu vực An ninh chung (JSA) tại Bàn Môn Điếm và cắt giảm lưc lượng xuống 35 người có nhiệm vụ canh gác mỗi bên, cũng như chia sẻ các thông tin về các thiết bị giám sát lắp đặt tại đây.

Trong cuộc gặp ngày 22/10, ba bên đã đồng ý loại bỏ vũ khí và trạm gác ở JSA với hạn chót là ngày 25/10. Sau đó, họ sẽ tiến hành hoạt động kiểm tra vào ngày 27/10.

Trước đó, Hàn Quốc và Triều Tiên đã dỡ bỏ mìn ở xung quanh khu vực được coi là nguy hiểm bậc nhất thế giới.

Cuộc chiến 1950-1953 đã kết thúc bằng hiệp định ngừng bắn nên về bản chất hai miền Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, quan hệ giữa 2 bên đã cải thiện đáng kể so với năm ngoái nhờ nỗ lực và quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân 2 nước.

Đức Hoàng

Theo BI