1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Hai bàn tay tạo tiếng vỗ hòa bình

Bán đảo Triều Tiên cần một tương lai hòa bình để ổn định và phát triển. Rõ ràng, những căng thẳng là không cần thiết và không bên nào muốn có xung đột.

Trong một tuần Bán đảo Triều Tiên chìm trong căng thẳng, cộng đồng quốc tế lo âu. Đạn pháo đã bay khỏi nòng, tìm đến các khu vực quân sự của đôi bên. Một bên, cả triệu người đã đăng ký tòng quân. Đáp lại, phía bên này, hàng vạn thanh niên cũng “treo” quân phục lên tài khoản cá nhân trên các trang mạng xã hội để biểu thị quyết tâm sẵn sàng “ra trận”. Tàu ngầm đã rời khỏi căn cứ, các trận địa tên lửa, trận địa pháo khóa mục tiêu… Tất cả như chỉ còn đợi một mệnh lệnh.

Người ta cũng đã đề cập đến tình huống xấu nhất: Chiến tranh!       

Có nhiều bài báo đã công bố số liệu so sánh sức mạnh quân sự của cả hai bên. Trong khi đó, nhiều trang báo khác viết bài phân tích những khả năng khi đôi bên vượt tầm kiểm soát. Nhiều chuyên gia đã dự báo tới những tình huống chiến lược xấu nhất. Dư luận các nước xung quanh bắt đầu bày tỏ lo ngại một thảm họa nhân đạo khi hàng triệu thường dân phải di cư, thiếu ăn, hỗn loạn, không nhà cửa… Ở những nơi xa hơn, rất nhiều người khác thì lo lắng, biết đâu đấy, khi mà vũ khí hạt nhân và vũ khí hóa học được sử dụng, hậu quả sẽ ra sao đây?

Hai bàn tay tạo tiếng vỗ hòa bình - 1

Cuộc hội đàm đầu tiên giữa hai phái đoàn Triều Tiên và Hàn Quốc tại làng đình chiến Panmunjom hôm 22/8. (Ảnh: Yonhap/ TTXVN)

Nhưng những cái đầu nóng nhất đã nguội lại. Những điều thiệt hơn đã được cân nhắc kỹ lưỡng. Triều Tiên đã đồng ý bãi bỏ quân lệnh chuyển quân đội sang trạng thái chiến tranh. Trong khi đó, Hàn Quốc cũng sẽ ngừng chiến dịch tuyên truyền chống Bình Nhưỡng bằng hệ thống loa phát thanh tại khu vực biên giới bắt đầu từ ngày 25-8. Không chỉ có vậy, Hàn Quốc và Triều Tiên còn nhất trí sẽ tiến hành một cuộc đối thoại liên chính phủ tại Xơ-un hoặc Bình Nhưỡng trong thời gian sớm nhất có thể nhằm cải thiện quan hệ liên Triều, cũng như sẽ tiếp tục đối thoại và đàm phán về các vấn đề khác.

Những điều khoản cực kỳ quan trọng trên được trích từ thỏa thuận 6 điểm mà Triều Tiên và Hàn Quốc vừa đạt được trong đêm 24-8, sau 43 tiếng đồng hồ đàm phán căng thẳng giữa đại diện cấp cao của hai chính phủ tại làng đình chiến Panmunjom. Thỏa thuận 6 điểm cực kỳ quan trọng này khiến toàn thể người dân Bán đảo Triều Tiên cùng “thở phào”.

Cộng đồng quốc tế thì cũng “nhẹ cả người” và vui mừng vì khu vực không xảy ra biến động. Có lẽ cả hai bên đều ý thức rất rõ những điều sẽ mất khi hành động quá nóng. Có lẽ hai bên cũng đã quá thấu hiểu những thiệt hại mà người dân phải gánh chịu suốt bao năm qua. Và có lẽ hai bên cũng hiểu những gì đang cản trở tương lai của chính bán đảo này.

Một bước tiến cho thấy niềm tin đã trở lại. Chính lòng tin về một tương lai tốt đẹp đã giúp hai bên vượt qua được những bất đồng mà đồng ý “hạ cò súng” và “đóng chốt an toàn”. Động thái tích cực từ hai phía đã nhận được đánh giá rất cao từ dư luận quốc tế. Chuyên gia phân tích chiến lược Evans Revere cho rằng, Triều Tiên, xét theo một vài khía cạnh nào đó, đã thể hiện sự kiềm chế. Còn chuyên gia về vấn đề Triều Tiên của Đại học Dongguk, Gao Yu-hwan cho rằng, nhìn nhận từ bất kỳ góc độ nào, cuộc đàm phán lần này giúp mở ra một kênh mới, để hai miền cùng bàn thảo nhiều hơn các vấn đề của tương lai.

Rõ ràng, Bán đảo Triều Tiên cần một tương lai hòa bình để ổn định và phát triển. Rõ ràng, những căng thẳng là không cần thiết và không bên nào muốn có xung đột. Làm thế nào để không tái diễn những cuộc khủng hoảng tương tự là câu hỏi tiếp theo mà người dân và dư luận đặt ra với lãnh đạo hai bên.

Một bàn tay không làm nên tiếng vỗ. Hành động kiềm chế, tôn trọng nhau và sẵn sàng hướng tới tương lai như việc hai bên vừa thỏa thuận: Đồng ý tiến hành cuộc đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) vào dịp Trung thu sắp tới; tiếp tục tổ chức các cuộc đoàn tụ trong tương lai hay xa hơn nữa là việc hai bên đồng ý thúc đẩy giao lưu dân sự giữa hai miền trên nhiều lĩnh vực như trong thỏa thuận 6 điểm mà hai bên vừa ký đã cho thấy đã có tiếng vỗ từ một đôi bàn tay; những nhịp đập đang dần hòa trong nhịp đập thời đại.

Hòa bình và ổn định không phải bỗng dưng mà có. Để tạo lập và gìn giữ hòa bình, cả hai miền Triều Tiên nhất thiết cùng thiện chí bồi đắp lòng tin. Lắng nghe cộng đồng quốc tế nhưng rõ ràng một Bán đảo Triều Tiên hòa bình, thịnh vượng không thể trông chờ vào sự kiến tạo từ bất kỳ thế lực nào khác, ngoài người dân và lãnh đạo của Hàn Quốc và Triều Tiên.

Theo Nguyễn Hòa

Quân đội Nhân dân

Hai bàn tay tạo tiếng vỗ hòa bình - 2