1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hạ viện Mỹ và thông điệp “chiến tranh với Iran” gửi Obama

(Dân trí) - Với 401 phiếu thuận và 11 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua nghị quyết 568 (HR 568) kêu gọi Tổng thống Obama chống lại bất kỳ chính sách nào “chỉ chọn kiềm chế để đối phó với mối đe dọa hạt nhân Iran”.

 
Hạ viện Mỹ và thông điệp “chiến tranh với Iran” gửi Obama
Thông điệp "chiến tranh với Iran" của Hạ viện Mỹ được đưa ra khi ông Obama vừa bắt đầu khởi động chiến dịch tái tranh cử của mình.

Với quyết tâm tìm cách thông qua một dự luật cấm thương lượng giữa Mỹ và Iran, kết quả đại đa số phiếu lần này chứng tỏ Hạ viện đã gửi cho Tổng thống một thông điệp là chỉ có chiến tranh và đe dọa chiến tranh mới có thể chấp nhận được.

 

Theo nhà phân tích người Mỹ gốc Iran Jamal Abdi, động cơ chính của HR 568 là nhằm "đầu độc các cuộc thương lượng bằng cách đánh tín hiệu cho Iran biết rằng tổng thống rất yếu, bị cô lập trong nước và không có khả năng thực thi thương lượng bởi vì một Quốc hội diều hâu sẽ phủ quyết ông”.

 

Trong khi “lằn đỏ” chiến tranh của Tổng thống Obama đưa ra với Iran là khi trên thực tế Iran có vũ khí hạt nhân, thì lời lẽ của bản nghị quyết mới được thông qua đã hạ thấp xuống, chỉ còn là “khả năng có vũ khí hạt nhân”, chứ không nhất thiết phải có vũ khí thực thụ hay một chương trình vũ khí hạt nhân có hiệu lực.

 

Mặc dù không có tính ràng buộc pháp lý, HR 568 vẫn hạn chế các lựa chọn của tổng thống về mặt chính trị. Một chuyên gia về quốc hội Mỹ nhận xét “nghị quyết nhằm trói tay Tổng thống trong chính sách với Iran”. Và giống như trong trường hợp với Iraq, các nghị quyết không ràng buộc có thể dễ dàng trở thành luật lệ có tính ràng buộc.

 

Từ bỏ chính sách kiềm chế

 

HR 568 nhấn mạnh rằng kiềm chế không còn là chính sách của Mỹ trong việc đối phó với những mối đe dọa tiềm năng. Theo quan điểm hiện nay, răn đe không còn đủ để đối phó với một nước đang phát triển, có khả năng chế tạo ra các loại vũ khí hạt nhân nhỏ và thô sơ nhưng chưa có các hệ thống phóng tầm xa.

 

Đúng vậy, sự đồng thuận cao độ của lưỡng đảng chống lại chính sách răn đe đánh dấu sự thắng thế của chính sách “đánh đòn phủ đầu” của phe bảo thủ mới, một thời được coi là giới hạn cuối khi được công bố vào những năm 1980.

 

Việc ngả theo một chính sách quân sự tân bảo thủ nguy hiểm này giờ đây đã được cả  hai đảng tại quốc hội chấp nhận đến mức trước khi bỏ phiếu cho nghị quyết này người ta đã bỏ qua thủ tục pháp lý cần thiết, đòi hỏi phải có là một cuộc điều trần trước quốc hội. 

 

Nghị quyết này cũng cho thấy đại đa số các hạ nghị sỹ, cả Dân chủ lẫn Cộng hòa, ủng hộ khái niệm “thống trị toàn diện” của học thuyết dưới thời Tổng thống Bush, trong đó nói Mỹ không chỉ phải ngăn chặn sự nổi lên của một siêu cường đối trọng toàn cầu  như Trung Quốc, mà còn phải ngăn chặn sự xuất hiện của một cường quốc khu vực như Iran, có tiềm năng ngăn cản các hành động quân sự đơn phương hoặc các triển vọng thống trị khác của Mỹ.
 

Hạn chế tổng thống

 

Chưa từng có việc Quốc hội Mỹ tìm cách mạnh mẽ hạn chế các lựa chọn phi quân sự trong chính sách đối ngoại của tổng thống.Ví dụ, năm 1962, thậm chí giữa lúc xảy ra cuộc khủng hoảng hạt nhân, các nghị sĩ Cộng hòa cánh hữu cũng không đòi Tổng thống Kennedy từ bỏ các lựa chọn khác ngoài tấn công Cuba hay Liên Xô. Điều có lẽ hối thúc Hạ viện lần này là ở chỗ năm 2008 khi bầu Obama lên cầm quyền, cử tri Mỹ đã bầu một ông chủ Nhà Trắng, một người lớn tiếng phản đối cuộc xâm lược Iraq. Ông không những đã rút quân về nước mà còn hứa sẽ “thay đổi nếp suy nghĩ” chịu trách nhiệm gây ra cuộc chiến ở Iraq. Vì vậy, các nghị sỹ diều hâu của đảng Dân chủ và Cộng Hòa tỏ quyết tâm buộc tổng thống ôn hòa này phải chấp nhận chương trình nghị sự tân bảo thủ của họ.

 

Khi phải đối phó với một nước có vũ khí hạt nhân thì răn đe rõ ràng là một chiến lược mạo hiểm. Cộng đồng quốc tế không thích thú với việc ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Tất cả các biện pháp ngoại giao hợp lý cần được khai thác để tạo ra và duy trì một khu vực phi vũ khí hạt nhân trong khu vực dễ biến động này.

 

Tuy nhiên, ý tưởng cho rằng răn đe đối với Iran sẽ không có hiệu lực bởi vì giới lãnh đạo giáo sỹ kiểm soát quân đội có thể tiến hành một cuộc tiến công hạt nhân chống Israel hay Mỹ - và vì vậy gây ra một cuộc trả đũa hạt nhân ồ ạt có thể gây ra sự hủy diệt vật chất trên toàn bộ lãnh thổ nước này – là hoàn toàn vô lý. Một nguy cơ thực tế hơn cần phải lo lắng là sự tàn phá to lớn bởi một cuộc chiến tranh của Mỹ với Iran có thể gây ra.

 

Mối đe dọa thực sự từ Iran là ở chỗ khi Iran có khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân. Khi đó họ thực sự có khả năng răn đe đối với một cuộc tấn công của Mỹ không thể thực hiện từ các nước láng giềng đã từng bị Mỹ xâm lược như ở phía Đông là Afghanistan và phía Tây là Iraq. HR 568 cho thấy các nghị sỹ Dân chủ và Cộng hòa đều tỏ ra thống nhất quan điểm cho rằng không một nước nào được cản trở hành động quân sự đơn phương của Mỹ hay các nước đồng minh của Mỹ.

 

Nghị quyết HR 568 không phải là một nghị quyết về bảo đảm an ninh quốc gia của Mỹ, cũng không phải về nền an ninh của Israel, mà là tìm cách duy trì bá quyền của Mỹ ở khu vực giàu dầu lửa nhất của thế giới.

 

Phạm Ngọc Uyển

Theo Asia Times Online