1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Giải cứu 6 phụ nữ Việt bị người Trung Quốc ép bán dâm tại Ghana

(Dân trí) - Được hứa hẹn đưa sang Mỹ để làm công nhân nhà máy với mức lương cao, 6 phụ nữ người Việt đã bị 2 người Trung Quốc đưa sang quốc gia Ghana tại châu Phi ép bán dâm, đánh đập, dọa giết, trước khi được giải cứu.

Thông tin được đăng tải trên tờ The New Crusading Guide Online. Đây là kết quả một cuộc điều tra ngầm do phóng viên địa phương có tên Anas Aremeyaw Anas, đóng giả một người Mỹ làm việc tại nhà máy lọc dầu ở Takoradi Habour thực hiện.

Một nạn nhân được giải thoát khỏi những kẻ buôn người
Một nạn nhân được giải thoát khỏi những kẻ buôn người

6 nạn nhân người Việt được giải cứu có độ tuổi từ 29 đến 38, đã đồng ý rời Việt Nam sau khi được các “nhà tuyển dụng” hứa hẹn đưa sang Mỹ làm công việc tay chân trong nhà xưởng với mức lương cao.

Vậy nhưng họ đã không bao giờ đặt chân được tới xứ cờ hoa, mà tới một nơi cách xa đó hàng nghìn cây số, trên bờ biển thành phố Sekondi Takoradi của Ghana. Lời hứa về những công việc thù lao hậu hĩnh có lẽ cũng tan nhanh theo sóng biển nơi đây, khi các nạn nhân bị biến thành nô lệ tình dục cho hai ông chủ người Trung Quốc Hwang Se Hui, 49 tuổi, và đồng phạm Tian Ping, 35 tuổi.

6 nạn nhân gồm Hung 32 tuổi, Bian 29 tuổi, Anh 35 tuổi, Hoa 31 tuổi, Thi 38 tuổi và Mai 38 tuổi (tên nạn nhân đã được thay đổi) đã sống tại Ghana được hơn một năm. Ban đầu họ được đưa đến thành phố Tema ở miền Nam Ghana trước khi được chuyển tới các địa bàn khác ở phía Tây.

Hoạt động của đường dây buôn người này lần đầu được Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol công bố. Từ thông tin đó, phóng viên Anas Aremeyaw Anas đã nhập vai thâm nhập điều tra, với sự trợ giúp của đại sứ quán Việt Nam, Mỹ và Anh.

Cuộc tìm kiếm kéo dài

Dựa trên thông tin rằng các phụ nữ này được đưa đi phục vụ khách hàng theo một trong hai phương thức: đưa nạn nhân tới nhà nghỉ Jang Mi tại Takoradi để “vui vẻ”, hoặc đưa họ tới một địa điểm khác trước khi trả về vị trí cũ theo thời gian đã hẹn trước, phóng viên trên đã vào vai khách hàng và yêu cầu được 2 “đào” phục vụ.

Các cô gái tỏ ra bối rối và lo lắng khi bị cảnh sát đưa đi
Các cô gái tỏ ra bối rối và lo lắng khi bị cảnh sát đưa đi

Sau khi gặp được 2 cô gái, bất chấp rào cản ngôn ngữ, phóng viên vẫn tìm hiểu được thông tin về tình hình của các nạn nhân. Theo đó họ buộc phải tuân theo lệnh chủ do không có tiền, ở cách xa quê nhà và bị thu giữ mọi giấy tờ đi lại. Hai nạn nhân khao khát được trở về.

Đơn vị chống buôn lậu người của cảnh sát Ghana sau đó nhận được ám hiệu lập tức ập vào và đề nghị các cô hợp tác với cơ quan điều tra, tìm ra những tên chủ người Trung Quốc. Cảnh sát đã ập vào nhà nghỉ Jang Mi tại thị trấn Tadisco, ngoại ô thành phố Sekondi Takoradi và bắt được những kẻ cầm đầu nhóm ma cô này.

Tại đây, những phụ nữ còn lại bị bắt làm nô lệ cũng được tìm thấy. Họ không chống cự cảnh sát mà chỉ lo lắng và bối rối trước diễn biến vụ việc.

Cảnh sát tìm thấy một số hộ chiếu, thuốc tránh thai, các cuốn phim khiêu dâm và một số sợi dây gai trong phòng. Một túi đựng tiền mà những kẻ buôn người kiếm được từ các nạn nhân cũng được thu giữ. Sau đó tất cả được đưa tới đồn cảnh sát quận Takoradi, trước khi chuyển tới thành phố Accra.

Từ dữ liệu thu thập được của đường dây buôn người này, các phóng viên khẳng định toàn bộ số tiền đều được chuyển một cách thường xuyên về Trung Quốc, mỗi lần khoảng 1.200 – 2.000 USD. Mỗi lần ép buộc các cô gái đi khách, những tên chủ thu từ 100 – 500 USD.

Hầu như bất kỳ khi nào, miễn là khách hàng yêu cầu, các cô gái buộc phải phục vụ mà không được thoái thác. Thường các nạn nhân chỉ được cho nghỉ một ngày sau khi đã phục vụ rất nhiều khách trong thời gian dài.

Những ngày mới đến Ghana, họ còn dám lớn tiếng phản đối chủ, nhưng đáp lại chỉ là đòn roi. Họ thậm chí còn bị dọa giết nếu không tuân lệnh. Sau 2 tháng rưỡi, 6 người phản ứng mãnh liệt này trong số 16 người bị đưa tới Ghana bị bán cho Se Hui và Tian Ping, sau một thời gian phục vụ trong nhà chứa và sòng bạc.

Họ đã từng đến trình báo cảnh sát tại Tema nhưng không được ai giúp đỡ. Việc về nhà cũng không thể được do hộ chiếu đã bị chủ thu giữ. Điều kiện để họ được trả lại giấy tờ đó là phải làm đủ tiền trang trải chi phí mà những kẻ buôn người đã đưa họ tới Ghana, cộng thêm một khoản tiền lãi do những kẻ này quyết định.

Hiện các nạn nhân vẫn đang bị chính phủ Ghana giam giữ, còn những kẻ buôn người chuẩn bị phải hầu tòa vì tội buôn người, rửa tiền và trốn thuế. Lực lượng chức năng cũng đang tiếp tục truy lùng kẻ cầm đầu của đường dây này.

Thanh Tùng
Tổng hợp