1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Giấc mơ hạt nhân của IS: Mơ mộng hão huyền

Các chuyên gia phương Tây khẳng định giấc mơ hạt nhân của IS chỉ là trò “rung cây nhát khỉ” nhằm mục đích tâm lý chiến

Trước tuyên bố giật gân của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng rằng sẽ dùng vũ khí hạt nhân quét sạch quân thù và tiết lộ gây sốc của hãng tin AP về âm mưu bán chất liệu phóng xạ cho IS ở Moldova, nhiều chuyên gia phương Tây đã trấn an dư luận: IS không thể có được vũ khí hạt nhân. Chúng có thể chế tạo “bom bẩn” nhưng loại bom này không đáng sợ như người ta tưởng.

Chỉ là trò tuyên truyền

Alain Rodier là cựu nhân viên tình báo Pháp. Chuyên gia về khủng bố và tội phạm có tổ chức này hiện là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về tình báo của Pháp. Phân tích tuyên bố của IS về việc mua vũ khí hạt nhân của Pakistan, ông Rodier cho rằng không thể có chuyện đó.

Theo ông Rodier, đúng là Pakistan từng khiến phương Tây lo lắng về việc phổ biến vũ khí hạt nhân cho ngoại bang nhưng nếu có đi chăng nữa thì chỉ có thể là Ả Rập Saudi để chống lại Iran (trong trường hợp nước này chế tạo được bom hạt nhân) chứ không đời nào là một tổ chức khủng bố như IS. Lý do rất dễ hiểu: Nếu làm như vậy thì nạn nhân đầu tiên có thể là chính quyền Pakistan.

Giấc mơ hạt nhân của IS: Mơ mộng hão huyền - 1

IS khoe chiến lợi phẩm tên lửa Scud ở Raqqa, căn cứ địa của tổ chức Hồi giáo cực đoan này tại Syria.

Riêng chuyện một tổ chức chống chính quyền Islamabad có thể ăn cắp một quả bom hạt nhân rồi bán lại cho IS, theo ông Rodier, chỉ có trong óc tưởng tượng của các nhà làm phim Hollywood. Vị chuyên gia Pháp này cho rằng những cơ sở hạt nhân của Pakistan được bảo vệ rất cẩn mật vì luôn luôn phải canh chừng người bạn láng giềng Ấn Độ.

Tóm lại, mục đích tuyên bố “sắp có vũ khí hạt nhân” của IS chỉ là trò tuyên truyền nhằm thu hút sự chú ý của dư luận và tạo ra tâm lý sợ hãi. Về mặt đối nội, sách lược này cũng nhằm lên dây cót tinh thần các chiến binh đang xả thân vì IS.

Ngay cả trong trường hợp sở hữu một đầu đạn hạt nhân, liệu IS có thể sử dụng nó không? Trả lời câu hỏi này của nhật báo Pháp Le Figaro, ông Rodier cho rằng khả năng đó rất khó xảy ra. Muốn kích hoạt đầu đạn hạt nhân thì phải biết mật mã và nắm vững nhiều kỹ thuật vô cùng phức tạp, điều mà IS khó lòng vượt qua. Đó là chưa kể làm cách nào để gắn nó vào tên lửa và bắn tới mục tiêu mong muốn.

Dĩ nhiên, không loại trừ khả năng IS bí mật chuyên chở đầu đạn hạt nhân bằng đường bộ hay đường thủy đến mục tiêu. Kịch bản này từng xuất hiện trong vài cuốn tiểu thuyết giả tưởng. Dù vậy, ngay cả việc này cũng khó xảy ra trong thực tế kể từ ngày Liên Xô sụp đổ và các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đã được thi hành. Đầu đạn hạt nhân đi tới đâu phát ra phóng xạ tới đó. Việc phát hiện nguồn phóng xạ này không mấy khó khăn ở biên giới các nước.

Bom… tâm lý

Khả năng đáng kể nhất và sát với thực tế của IS là chế tạo “bom bẩn”. Chính quyền các nước phương Tây đã nghĩ đến điều này nhưng họ không xem nó như nguy cơ số 1.

Thiết bị phân tán xạ (RDD), gọi nôm na là “bom bẩn”, là loại thiết bị phát tán phóng xạ bằng một vụ nổ thông thường. Nguyên liệu chế tạo “bom bẩn” rẻ nhất và phát tia phóng xạ mạnh nhất hiện nay là bột phóng xạ Cloride Cesium 137. Nhà báo James Conca, chuyên viết về đề tài năng lượng, hạt nhân và môi trường, phân tích trên tạp chí Forbes: “Nghe tới phóng xạ, mọi người đều hoảng sợ. Chính điều này khiến “bom bẩn” trở thành vũ khí khủng bố hoặc nói cách khác là vũ khí tâm lý lý tưởng”.

Đặc điểm của “bom bẩn” là chất phóng xạ nó phát tán đi càng xa thì càng yếu. Các nghiên cứu dài hơi của Mỹ đã đi đến kết luận rằng một vụ nổ “bom bẩn” không thể giết người hàng loạt bằng phóng xạ như bom nguyên tử. Một vụ nổ xe “bom bẩn” chẳng hạn có thể giết chết  hàng trăm người bằng tác động của chất nổ thông thường nhưng người chết vì phóng xạ cực kỳ thấp, nếu không nói là chẳng có người nào.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là đánh giá thấp hiệu quả của “bom bẩn”. Nó làm cho mọi người hoảng sợ và gây tổn thất kinh tế lớn. Chính quyền địa phương phải sơ tán dân, tạm dừng mọi hoạt động để làm vệ sinh môi trường.

Ví dụ, nếu có một vụ nổ “bom bẩn” ở khu hạ Manhattan (TP New York - Mỹ), mỗi ngày đóng cửa toàn khu vực thì thiệt hại kinh tế sẽ lên đến 60 triệu USD. Công việc tẩy rửa phóng xạ có thể kéo dài vài năm nếu xử lý kém cỏi. Đó chính là mục đích của các tổ chức khủng bố và là động cơ thúc đẩy IS tìm cách sở hữu vũ khí phóng xạ.

Lời cảnh báo của Anh

Cựu chỉ huy trung đoàn vũ khí hủy diệt hàng loạt của Anh, TS Hamish de Bretton-Gordon, cảnh báo các nhà khoa học tham dự Hội nghị Phục hồi Toàn cầu tổ chức tại London ngày 15-10 vừa qua rằng IS không chóng thì chày sẽ chế tạo hoặc sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, bao gồm các loại vũ khí hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân (CBRN). Theo ông, IS đã tuyên bố muốn sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. IS đang tiến hành một chiến dịch tâm lý chiến khá thành công và vũ khí tối thượng của chúng là CBRN. Một phần London bị hủy diệt bằng vũ khí này chỉ là “vấn đề thời gian”.

Chuyên gia người Anh nói trên nhấn mạnh: “IS đã có vũ khí hóa học như bom gas mù tạt. Chúng đã làm chủ kho uranium lưu trữ tại Trường Đại học Mosul ở Iraq. Loại uranium này không thể dùng để chế tạo bom hạt nhân nhưng chúng tôi biết IS đang tuyển dụng các nhà khoa học để biến nó thành vũ khí CBRN. IS rất giàu về tiền bạc và tham vọng. Chúng có thể bỏ ra 26 triệu bảng Anh mua 1 kg uranium đã làm giàu để chế tạo bom hạt nhân”.

Theo Nguyễn Cao

Người Lao động

Giấc mơ hạt nhân của IS: Mơ mộng hão huyền - 2