1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

G20 và đích nhắm phục hồi kinh tế

(Dân trí) - Các nhà lãnh đạo thế giới cuối tuần này nhóm họp tại Canada với cùng một mục tiêu là đảm bảo sự phục hồi kinh tế. Nhưng rõ ràng, vẫn tồn tại bất đồng về phương cách tốt nhất đạt được mục tiêu này.

G20 và đích nhắm phục hồi kinh tế - 1

Hãng tin Nga RIA Novosti đưa tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Canada dự Hội nghị thượng đỉnh G20 với tư cách Chủ tịch đương nhiệm ASEAN
 
Nỗ lực và thực tế

Hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nước phát triển và đang nổi (G20) trong hai ngày 26-27/6 tại Toronto (Canada) sẽ dành mối quan tâm đặc biệt cho vấn đề phục hồi không đều và mong manh của kinh tế thế giới. Hội nghị đặc biệt có sự tham gia của Việt Nam, với tư cách chủ tịch đương nhiệm của ASEAN.

Trong cuộc họp lần này, các nước G20, với tốc độ phục hồi khác nhau từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, sẽ đánh giá các điều kiện của nền kinh tế thế giới và phối hợp các chính sách kinh tế vĩ mô để bảo đảm sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Các nhà lãnh đạo sẽ bàn thảo chương trình kính thích tăng trưởng kinh tế, cũng như cắt giảm nợ công của chính phủ các nước; thảo luận và nhất trí về "một loạt những lựa chọn về chính sách" được chuẩn bị với sự giúp đỡ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức quốc tế khác. Theo nguồn chính thức có liên quan tới hoạt động chuẩn bị cho hội nghị, các nhà lãnh đạo G20 sẽ không nhất trí về bất kỳ biện pháp mới nào mà sẽ nhất trí về một danh sách cải cách kinh tế được các nước G20 theo đuổi.

Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh trong khi các nước phát triển đang vật lộn để duy trì nền kinh tế phát triển, các nước mới nổi chủ chốt lại vấp phải vấn đề trái ngược hoàn toàn: nguy cơ phát triển quá nóng và bong bóng bất động sản. Trong G20, thành tích gây chú ý nhất là sự phục hồi ngoại mục của các cường quốc đang nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil nhờ các chính sách kích thích kinh tế cũng như các điều kiện tài chính được duy trì tốt, và những nước phát triển như Canada và Australia. Sau khi chạm đáy quý I/2009, kinh tế Trung Quốc đã trở lại tốc độ phát triển của quý II/2007 sau một chu kỳ phục hồi hình chữ V. Kinh tế Brazil tăng 9% trong quý I năm nay, và kinh tế Canada đạt mức cao nhất kể từ năm 1999 – lên 6,4%. Australia đạt tốc độ tăng trưởng 2,7% nhờ điều chỉnh lãi suất.

Kinh tế Mỹ, Nhật Bản đã bước vào lộ trình phục hồi nhưng vẫn mong manh. Trong khi đó, so với các thành viên khác trong G20, sự phục hồi của các nền kinh tế EU là kém nhất: Đức 0,2% trong quý I, Pháp 0,1% và Anh 0,2%. Tiêu dùng đình trệ, đầu tư giảm và thâm hụt tài chính của chính phủ tăng mạnh là 3 trong số nhiều nguyên nhân cản trở tốc độ phục hồi của EU. Những kịch bản rất khác nhau nhưng giống nhau về độ nguy hiểm trong G20 đã khiến thế giới lo ngại. Nouriel Roubini, giáo sư ngành kinh tế tại Đại học New York, mới đây cho rằng các nền kinh tế phát triển đang đối mặt với nhiều năm tăng trưởng “thiếu máu” và nguy cơ rơi vào suy thoái nghiêm trọng, trong khi ngược lại, một số thị trường đang nổi có nguy cơ phát triển quá nóng và đang có hiện tượng bong bóng bất động sản tiềm tàng.

Nhiều ý kiến cho rằng tại hội nghị, các nhà lãnh đạo G20 có thể vẫn sẽ bất đồng về cách thức cân bằng nền kinh tế toàn cầu, bất chấp quyết định nới lỏng thương mại tiền tệ của Trung Quốc. Việc Bắc Kinh ngày 19/6 tuyên bố hủy bỏ cơ chế ghìm giá đồng NDT với đồng USD, kéo dài 23 tháng qua, nhằm mở đường cho đồng NDT tăng giá dài hạn, sẽ giảm bớt phần nào căng thẳng tại hội nghị lần này. Các nhà lãnh đạo G20 có thể tập trung hơn vào các lĩnh vực khác, khi các chính phủ chú trọng vào tốc độ khác nhau trong việc chấm dứt các gói kích thích kinh tế của mình. Macro Annunziata, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng UniCredit nói: "Người ta có thể dự đoán Mỹ và châu Âu sẽ bất đồng sâu sắc quanh lời kêu gọi chung đối với các biện pháp nhằm bảo đảm sự ổn định tài chính theo cách thúc đẩy tăng trưởng".

Căng thẳng giữa các nước G20 sẽ gia tăng về các biện pháp "thắt lưng buộc bụng". Sau gói cứu trợ tốn kém cho Hy Lạp hồi tháng trước, Đức đang thúc giục các nước còn lại trong khu vực đồng euro tiến hành giảm mạnh các khoản chi tiêu công nhằm kiểm soát mức thâm hụt ngân sách và tái ổn định các thị trường trái phiếu. Washington lo ngại Đức ra tay quá đà, có thể đẩy châu Âu rơi vào suy thoái và gây phương hại tới sự phục hồi nền kinh tế toàn cầu. Trước đó, Washington đã hối thúc châu Âu không cắt giảm chi tiêu công trước khi sự hồi phục được đảm bảo, do lo ngại động thái này có thể khiến nhiều nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Mỹ, lún sâu hơn vào suy thoái. Còn nước chủ nhà Canada lưu ý đến tình tạng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch , gây tổn hại đến đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

Năm nay sẽ có hai hội nghị cấp cao G20. Trong khi Canađa làm chủ tịch của Hội nghị cấp cao G20 lần thứ nhất, Hàn Quốc sẽ là chủ nhà của Hội nghị cấp cao G20 lần thứ hai tổ chức vào tháng 11 tới. Theo lịch trình, các nhà lãnh đạo G20 sẽ thảo luận và nhất trí về những khuyến nghị chính sách cụ thể hơn tại hội nghị thượng vào tháng 11.
 
G20 và đích nhắm phục hồi kinh tế - 2

Toronto, thành phố đăng cai hội nghị

Sự nổi lên của của ASEAN và vai trò của Việt Nam

Tái cân bằng nền kinh tế toàn cầu bằng cách giảm thiểu những bất đồng nghiêm trọng giữa các khu vực trong thương mại và tiết kiệm là mục tiêu hàng đầu của G20 kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009.
 
Điều đặc biệt là lần này, ASEAN đã nhận được giấy mời tham dự hội nghị G20 của Thủ tướng Canada Stephen Harper, trong đó thành phần mời bao gồm cả Việt Nam, với tư cách chủ tịch ASEAN. Theo thông báo của Ban Thư ký ASEAN, Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị cấp cao của nhóm G20 để trình bày những quan điểm của khối về giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu cũng như đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các giải pháp của khu vực với giải pháp toàn cầu do G20 đưa ra. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã đến Canada.

Việt Nam sẽ đại diện ASEAN thông báo với các đại biểu dự hội nghị về những ưu tiên, tầm nhìn và quan điểm của khối trong giải quyết các vấn đề liên quan đến tiến trình phát triển kinh tế toàn cầu. Việt Nam cũng thông báo vắn tắt trước hội nghị về lập trường của ASEAN về tăng cường phối hợp giữa các thành viên G20 và các nước khác, đặc biệt là các nước đang phát triển và đang nổi.

Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự các phiên họp khác nhau trong khuôn khổ hội nghị cũng như các cuộc tiếp xúc song phương bên lề. Sự tham dự của Việt Nam với tư cách chủ tịch ASEAN tại hội nghị thượng đỉnh G20 làm nổi bật vai trò của ASEAN cũng như Việt Nam trong các nỗ lực chung với các nước giải quyết các vấn đề toàn cầu. Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan, cùng đi với đoàn ASEAN tham dự hội nghị, gọi đây là một dấu hiệu nữa cho thấy cộng đồng thế giới công nhận tiềm năng và sự thành công của ASEAN với vị thế là một tổ chức khu vực. “Điều đó còn cho thấy sự ủng hộ đối với tầm nhìn về một cộng đồng của ASEAN", ông nói.

Hiện giới phân tích và dư luận khu vực đang quan tâm theo dõi động thái, đóng góp tại Hội nghị G20 lần này của Việt Nam, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, và của Inđônêxia – với tư cách là nước đang phát triển lớn nhất Đông Nam Á và là thành viên của G20.Tổng thống nghị Susilo Bambang Yudhoyono của Indonesia tuyên bố tại hội nghị, Indonesia sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng đối với diễn đàn G20 về việc dành sự quan tâm đặc biệt tới nhu cầu của các nước đang phát triển. Đồng thời, Jakarta cũng sẽ nêu bật sự cần thiết phải bảo đảm đà hồi phục của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển vốn rất dễ xảy ra các cuộc khủng hoảng tài chính.

Những con số về G20

- G20 thành lập tháng 12/1999 tại Berlin (Đức). Tháng 11/2008, G20 tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất ở Washington (Mỹ) để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính ngày càng nghiêm trọng.

- Thành viên của G20 gồm các quốc gia trong nhóm G7 (Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Italia, Canada); Nga, Trung Quốc, Argentina, Australia, Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Arập Xêút, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và EU.

- G20 chiếm 2/3 dân số thế giới, trên 85% sản lượng kinh tế và khoảng 80 % thương mại toàn cầu.

- G20 hoạt động như một cơ chế đàm phán cấp bộ trưởng không chính thức, không có một ban thư ký thường trực. Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước thành viên G20 họp hàng năm với một Chủ tịch luân phiên.

- Hội nghịthượng đỉnh tại Toronto (Canada) lần này là hội nghị thượng đỉnh lần thứ 4 của G20 kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra năm 2008. Chi phí cho hội nghị dự trù vượt mức 2 tỷ đôla Canada (1,9 tỷ USD), vượt xa ngân sách ban đầu là hơn 100 triệu đôla Canada. Hơn một nửa số này chi cho công tác an ninh.

Nguyễn Viết