1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

G20 bế mạc với nhiều thỏa thuận và một thế giới đồng thuận

(Dân trí) - Lãnh đạo các nề kinh tế đang phát triển và phát triển nhất thế giới cũng như các thể chế quốc tế hôm nay đã kết thúc cuộc họp hai ngày ở thủ đô Hàn Quốc với một tuyên bố chung và một thế giới đồng thuận.

 
G20 bế mạc với nhiều thỏa thuận và một thế giới đồng thuận - 1
Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố Hội nghị thượng đỉnh G20 đã kết thúc thành công.

Phát biểu với báo giới, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak, với tư cách là người đứng đầu nước chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh G20, đã tuyên bố hội nghị thượng đỉnh G20 kết thúc thành công. “Tôi hạnh phúc vì có thể thực thi mọi cam kết đã đạt được ở Toronto”, ông nói và hoan nghênh việc các nhà lãnh đạo đã đạt được thỏa thuận gọi là Kế hoạch Hành động Seoul. Tổng thống Hàn Quốc cũng nhấn mạnh rằng các nhà lãnh đạo đã đạt được bước tiến với thỏa thuận về một loạt vấn đề.

Theo Tổng thống Hàn Quốc, các nước tham gia đã nhất trí xây dựng nguyên tắc chỉ đạo một cách có hệ thống và chi tiết để tìm giải pháp tối ưu cho hợp tác quốc tế về chính sách tỷ giá hối đoái để giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại hiện nay. Bằng việc liên kết với cán cân vãng lai của mỗi nước để xem xét phương án giải quyết tổng hợp liên quan đến tỷ giá hối đoái, G20 sẽ đưa ra nguyên tắc chỉ đạo vào nửa đầu sang năm và đánh giá và kiểm tra nguyên tắc này đã được thực hiện như thế nào tại Hội nghị G20 tiếp theo tại Pháp vào tháng 11 sang năm.

Về vấn đề cơ chế cho vay của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Tổng thống Lee cho biết các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi đã nhất trí thành lập cơ chế cho vay dự phòng và cho vay linh hoạt để đối phó với những uy cơ tài chính có thể dẫn tới khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, cơ chế linh hoạt sẽ được áp dụng cùng một lúc cho nhiều nước đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng.

Tổng thống Lee cũng tuyên bố các nước G20 đã đồng ý tích cực đẩy mạnh đàm phán Chương trình nghị sự phát triển Doha của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để sớm đạt được thỏa thuận cho đến năm 2011.

Đáng chú ý, trong vấn đề phát triển, các nước trên thế giới đã thống nhất Thỏa thuận Seoul với nội dung hỗ trợ tăng cường khả năng của các nước đang phát triển nhằm rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển. Đặc biệt, G20 đã nhất trí kế hoạch hành động phát triển nhiều năm để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng của các nước đang phát triển và kém phát triển.

G20 cũng quyết định cải tổ IMF bằng việc chuyển 6% tỷ lệ bỏ phiếu của các nền kinh tế công nghiệp trong tổ chức này sang cho các nước đang phát triển mới nổi, chuyển 2 ghế của các nước phát triển châu Âu trong Ban Giám đốc sang cho các nước đang phát triển mới nổi.
 
G20 bế mạc với nhiều thỏa thuận và một thế giới đồng thuận - 2

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chụp ảnh cùng các nhà lãnh đạo dự thượng đỉnh G20 tại Seoul. Trước phiên họp toàn thể thứ nhất của Hội nghị thượng đỉnh G20 sáng 12/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan.

Thế giới đã đồng thuận

Là nước đầu tiên không thuộc nhóm G7 được quyền đăng cai tổ chức sự kiện có ý nghĩa này, Hàn Quốc đã đề xuất nhiều nội dung trong các cuộc thảo luận gồm vấn đề tỷ giá, sự mất cân bằng thương mại, cải cách hệ thống tài chính quốc tế, phát triển lâu dài và bền vững và mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định rằng thế giới hiện đang đạt được sự đồng thuận sâu rộng về cách thức giúp nền kinh tế phục hồi, sau khi cùng có mặt ở Seoul để vượt qua những bất đồng.

Trong tuyên bố đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh, vốn đã bị phủ bóng đen bởi chỉ trích của những nước như Đức và Trung Quốc về chính sách kinh tế của Mỹ, ông Obama cũng tỏ ý hy vọng rằng Trung Quốc sẽ sớm có những thay đổi với đồng Nhân dân tệ đang bị kìm giá thấp hơn so với mức của thị trường. Trong tuyên bố với báo giới hôm qua với người đồng cấp Hàn Quốc Lee Myung-pak, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cho biết thông cáo chung của Hội nghị Thượng đỉnh G 20 sẽ bao gồm các cơ chế nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững và cân bằng trên toàn cầu.

Với tư cách là nước đăng cai thượng đỉnh G20 lần tới, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy hôm nay cam kết dẫn dắt nhóm các nước công nghiệp và mới nổi này “một cách có trách nhiệm và thực tế”. Ông cho rằng nhiệm vụ mà Pháp phải gánh vác là “to lớn”, nhưng cam kết hợp tác tích cực với IMF trong nỗ lực cải cách toàn cầu.

Hội nghị Thượng đỉnh G-20 diễn ra trong hai ngày 11-12/11 tại Hàn Quốc với mục tiêu hàng đầu là phát triển bền vững và ổn định. Cùng tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở thủ đô Hàn Quốc là lãnh đạo 20 nước thành viên nhóm G20, Liên minh châu Âu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WT), ASEAN, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)... cùng 5 nước không thuộc G20 là Việt Nam, Ethiopia, Malawi, Singapore, và Tây Ban Nha.

Giới quan sát nhận định Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Hàn Quốc là một hội nghị thượng đỉnh sôi động hơn nhiều so với các hội nghị trước, trên nền khủng hoảng kinh tế vẫn còn đeo bám. Hội nghị đã thành công, dù trong các cuộc thảo luận mở ra hai ngày qua, các cường quốc trên thế giới tưởng như khó có quan điểm gần nhau về những chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào chính sách thả lỏng tiền tệ của Mỹ và chuyện thặng dư thương mại quá lớn của Trung Quốc.

Nguyễn Viết
Tổng hợp