1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Forbes: Mỹ thiếu nhân, vật lực để nuôi dưỡng chiến tranh

Mỹ trong 5 năm tới sẽ thiếu hụt tài chính cho một kịch bản xung đột quân sự, phi công lái máy bay chiến đấu thì thiếu hụt trầm trọng.

Tạp chí tài chính uy tín của Mỹ - Forbes hôm 24/8 đăng tải bài viết nhận định quân đội Mỹ lo sợ sẽ đối mặt với cuộc xung đột quân sự trong vòng 5 năm tới mà không đủ tài chính để chuẩn bị.

Tờ báo Mỹ viết, Quân đội Mỹ hiện nay đang lo sợ rằng họ sẽ tham gia một cuộc chiến tranh lớn trong khoảng 5 năm nữa. Quân đội Mỹ biết rằng họ sẽ chiến đấu với lực lượng khủng bố và quân nổi dậy trong tương lai gần nhưng những gì thực sự được coi là trở ngại thì đó chính là những cuộc xung đột quy mô lớn- có thể với Nga ở Đông Âu, với Iran ở Trung Đông hay với Triều Tiên ở Đông Bắc Á, hoặc có lẽ ở cả 3 khu vực này.

Xe bọc thép của General Dynamics chế tạo có thể sử dụng chống lực lượng nổi dậy ở Iraq và Afghanistan nhưng không thể chống lại quân đội Nga nếu xảy ra xung đột giữa hai nước. Ảnh: Forbes
Xe bọc thép của General Dynamics chế tạo có thể sử dụng chống lực lượng nổi dậy ở Iraq và Afghanistan nhưng không thể chống lại quân đội Nga nếu xảy ra xung đột giữa hai nước. Ảnh: Forbes

Các quan chức cấp cao của quân đội Mỹ mới đây đã thảo luận về sự nguy hiểm trên trong một diễn đàn mở - điều tất nhiên họ không muốn nhắc tới sự yếu kém của Mỹ - nhưng rõ ràng là chính quyền của ông Barack Obama trong việc xoay trục sang Thái Bình Dương từ năm 2012 đã tạo ra một khu vực địa chính trị kéo dài từ biển Baltic tới Vịnh Ba Tư, nơi mà Nga và Iran đang cố gắng để can thiệp sâu.

Tại đây, các quan chức đã lo lắng hơn hết về chuyện quân đội Mỹ không lường trước hết được các kịch bản chiến tranh nếu có chuyện xung đột xảy ra được nhắc tới bên trên.

Kinh phí tài trợ các công nghệ mới phục vụ cho cuộc chiến trên mặt đất quá ít ỏi.

Trong khoảng 1 năm qua, việc bảo trì các phương tiện di chuyển của Mỹ đã giảm hẳn. Khoản chi cho việc bảo trì phương tiện di chuyển và xe bánh xích còn ít ​​hơn doanh thu một tuần lễ của General Motors. Ngân sách mua sắm trang bị trực thăng được dành để hiện đại hóa các máy bay từ thời Tổng thống Reagan, vì Không quân Mỹ không có khả năng mua mới.

"Lầu Năm Góc đã không phóng đại khi nói rằng trong mười năm tới, Mỹ không có các kế hoạch hiện đại hóa quy mô lớn cho quân đội", Forbes viết.

Thậm chí, tờ báo này còn dẫn chứng, ngân sách chi quân trang hàng năm là 1,5 tỷ USD, chẳng nhiều hơn so với việc người Mỹ chi mua pháo hoa mỗi năm là khoảng 1 tỷ USD.

Chưa kể, bên cạnh các rắc rối tài chính, Không quân Mỹ đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng phi công lái máy bay chiến đấu - điều hết sức lo ngại khi Mỹ đang phải căng sức ra trong những chiến dịch bay toàn cầu.

Ngày 10/8, Thư ký Bộ trưởng Không quân Mỹ Deborah Lee James và Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, Tướng David Goldfein đã chia sẻ với báo chí rằng, số lượng phi công lái máy bay chiến đấu của Mỹ hiện là 3.500 người, thiếu hơn 700 phi công tính đến thời điểm cuối tài khóa này và con số này sẽ tăng lên khoảng 1.000 người trong vòng 2 năm tới.

Tướng Goldfein đã gọi đây là tình trạng "khủng hoảng".

Thư ký Bộ trưởng Không quân Mỹ Deborah Lee James (trái) và Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, Tướng David Goldfein (phải). Ảnh: Không quân Mỹ
Thư ký Bộ trưởng Không quân Mỹ Deborah Lee James (trái) và Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, Tướng David Goldfein (phải). Ảnh: Không quân Mỹ

Giới quan sát cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên là do các hãng hàng không hiện đang tìm cách thu hút phi công quân sự sang làm việc trong lĩnh vực tư nhân, trong khi nhiều binh sĩ đã lựa chọn việc rời khỏi quân ngũ do chịu căng thẳng trong các phi vụ triển khai kéo dài ở hải ngoại. Tình trạng thiếu hụt phi công này diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang can dự vào các chiến dịch không kích trên nhiều mặt trận ở Iraq, Syria, Afghanistan và Libya.

Ngoài ra, Không quân Mỹ cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu phi công điều khiển máy bay không người lái, nhưng Bộ trưởng Không quân Mỹ cho rằng công tác tuyển quân, cũng như việc giữ chân nhân sự trong lĩnh vực này đã được cải thiện.

Theo Huy Vũ (Tổng hợp theo Forbes)

Đất Việt