1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đường sắt lâu đời nhất châu Á thành bệnh viện dã chiến giữa dịch Covid-19

(Dân trí) - Ấn Độ đã ngừng hoạt động của tuyến đường sắt lâu đời nhất châu Á để biến các toa tàu thành bệnh viện dã chiến phục vụ chiến dịch ứng phó Covid-19.

Đường sắt lâu đời nhất châu Á thành bệnh viện dã chiến giữa dịch Covid-19 - 1

20.000 toa tàu cũ ở Ấn Độ sẽ được chuyển thành bệnh viện dã chiến sẵn sàng phục vụ công tác ứng phó dịch Covid-19. (Ảnh: Getty)

Khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 25/3, ngành đường sắt quốc gia Ấn Độ đã có một động thái chưa từng có - tạm ngừng hoạt động tuyến đường sắt cho đến ngày 14/4.

Đây cũng là lần đầu tiên trong 167 năm hệ thống đường sắt lâu đời nhất châu Á ngừng hoạt động và 20.000 toa tàu cũ được chuyển thành bệnh viện dã chiến để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 trong bối cảnh dịch lan rộng. Việc đóng băng này chỉ áp dụng với các tuyến tàu chở khách, trong khi các tuyến tàu chở hàng vẫn hoạt động bình thường.

Đường sắt lâu đời nhất châu Á thành bệnh viện dã chiến giữa dịch Covid-19 - 2

(Ảnh: Getty)

Theo CNN, với việc đóng băng hệ thống đường sắt lớn thứ 4 thế giới này, Ấn Độ hiện đã vận hành 125 bệnh viện dã chiến trải dài khắp đất nước nhằm giảm tải cho các bệnh viện trong trường hợp số bệnh nhân Covid-19 tăng nhanh.

Lãnh đạo ngành đường sắt Ấn Độ đã chỉ đạo 16 vùng đường sắt xác định các toa tàu không còn hoạt động trên các tuyến chở khách chuyển thành các bệnh viện dã chiến, sẵn sàng đưa vào hoạt động trong trường hợp khẩn cấp. 5.000 phòng điều trị cách ly có thể đưa vào sử dung sau 2 tuần và nếu cần thiết sẽ có thêm các toa tàu khác được chuyển đổi trong vòng 48 giờ. Mỗi toa tàu có thể làm nơi điều trị cho 16 bệnh nhân.

Đường sắt lâu đời nhất châu Á thành bệnh viện dã chiến giữa dịch Covid-19 - 3

(Ảnh: Getty)

Đường sắt lâu đời nhất châu Á thành bệnh viện dã chiến giữa dịch Covid-19 - 4

(Ảnh: Getty)

Các bệnh viện dã chiến di động này có thể được đưa đến bất cứ nơi nào ở Ấn Độ đối mặt với tình trạng thiếu giường bệnh. Giới chức y tế địa phương sẽ cử y bác sĩ và các tình nguyện viên vận hành các bệnh viện dã chiến.

Chính phủ Ấn Độ cũng chỉ đạo các nhà máy của ngành đường sắt đánh giá khả năng sản xuất giường bệnh, cáng cứu thương, khẩu trang, nước sát khuẩn và một số trang thiết bị y tế khác để phục vụ các bệnh viện dã chiến này và một số bệnh viện khác của chính phủ.

Theo số liệu trên trang web Worldometer, Ấn Độ hiện ghi nhận hơn 4.300 ca mắc Covid-19, trong đó 118 trường hợp tử vong, một con số tương đối nhỏ ở đất nước 1,3 tỷ dân.

Tuy nhiên, thậm chí trước khi đại dịch xảy ra, các bệnh viện ở Ấn Độ đã phải đối mặt với vấn đề thiếu giường bệnh. Theo số liệu của OECD, tỷ lệ giường bệnh ở Ấn Độ là 0,5 giường/1.000 dân (so với của Trung Quốc là 4 giường/1.000 dân). Hầu hết giường bệnh tập trung ở các vùng đô thị, trong khi tình trạng thiếu giường bệnh ở nông thôn trầm trọng hơn. Giới chuyên gia cho rằng, trong trường hợp dịch Covid-19 bùng phát mạnh, dịch vụ y tế có thể trở thành một trong những thách thức lớn nhất của Ấn Độ. Việc chuyển đổi các toa tàu cũ thành bệnh viện dã chiến chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài, Ấn Độ được kêu gọi đầu tư hơn nữa để cải thiện cơ sở hạ tầng y tế.

Cơ quan đường sắt quốc gia Ấn Độ vận hành khoảng hơn 20.000 chuyến tàu khách mỗi ngày với gần 7.400 nhà ga trên toàn quốc. Lệnh phong tỏa đã khiến hơn 67.000km đường sắt của nước này tạm ngừng hoạt động.

 

Minh Phương
Tổng hợp