1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đức: Putin lệnh “rút một phần quân” khỏi biên giới Ukraine

(Dân trí) - Chính phủ Đức ngày 31/3 cho hay Tổng thống Nga Putin đã ra lệnh “rút một phần” quân khỏi biên giới với Ukraine.

Đức: Putin lệnh “rút một phần quân” khỏi biên giới Ukraine
Theo văn phòng Thủ tướng Đức, ông Putin đã thông báo với Thủ tướng Angela Merkel động thái trên trong cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo. Theo đó, ông Putin đã ra lệnh “rút một phần quân Nga mà ông đã lệnh cho triển khai ở biên giới miền đông Ukraine”.

BBC dẫn lời một quan chức ngoại giao cấp cao của phương Tây cho hay, hàng ngàn lính Nga vẫn được cho là đang được triển khai dọc biên giới Ukraine.

“Hơn hết, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận những bước tiếp theo để ổn định tình hình ở Ukraine và Trans-Dniester”, thông báo của văn phòng Thủ tướng cho biết.  Trans-Dniester là vùng ủng hộ thân Nga giáp với miền tây Ukraine đã tuyên bố độc lập khỏi Moldova vào năm 1990.

Tuy nhiên, tuyên bố của Điện Kremlin đã không nhắc đến việc rút quân một phần này, mà cho biết 2 nhà lãnh đạo đã thảo luận “những cơ hội để quốc tế ủng hộ hồi phục sự ổn định” ở Ukraine.

Tuyên bố của Kremlin cũng nhắc trước đó, ông Putin đã khẳng định với bà Merkel rằng Ukraine cần phải cải cách hiến pháp để đảm bảo quyền lợi của tất cả các vùng được tôn trọng và kêu gọi các biện pháp chấm dứt “phong tỏa” Trans-Dniester.

Medvedev khẳng định Nga ưu tiên phát triển Crimea

Nga sẽ đưa Crimea thành một đặc khu kinh tế.
Nga sẽ đưa Crimea thành một đặc khu kinh tế.
Trước đó Ukraine lên án chuyến thăm Crimea của Thủ tướng Nga Medvedev và phái đoàn các bộ trưởng chính phủ ngày 31/3.

Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao ở Kiev cho biết, chuyến thăm cấp cao nhất của quan chức Nga tới bán đảo nằm ở Biển Đen này kể từ khi Crimea được sáp nhập vào Nga là “vi phạm thô bạo” luật lệ quốc tế.

Ông cho biết đã gửi phản đối trước sự có mặt của một quan chức “trên lãnh thổ một nước khác mà không có thỏa thuận trước”.

Crimea đã bỏ phiếu rời Ukraine và gia nhập Nga trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 16/3 vừa qua.

Trong khi đó, Thủ tướng Medvedev đã thông báo ông sẽ đưa Crimea thành một đặc khu kinh tế, với ưu đãi về thuế và giảm thủ thục hành chính để thu hút nhà đầu tư. Ông cũng cam kết nhanh chóng thúc đẩy lương và chế độ hưu, cải thiện giáo dục, y tế và hạ tầng cơ sở. Ông cũng khẳng định sự phát triển của Crimea là “ưu tiên của nhà nước” Nga.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Kerry, Ngoại trưởng Lavrov đã có cuộc điện đàm với ông Kerry vào ngày 31/3, thảo luận “các bước giúp giải quyết cuộc khủng hoảng” Ukraine.

Sau cuộc họp giữa hai ông tại Paris, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier “hi vọng chúng ta sẽ vượt qua sự leo thang tồi tệ nhất này”.

Trong khi đó, vào ngày hôm nay, các ngoại trưởng Nato sẽ nhóm họp ở Brussels, Bỉ, để thảo luận các bước tiếp theo nhằm trấn an các đồng minh và các bước bổ sung nhằm giúp Ukraine.


Vũ Quý

Tổng hợp