1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Dư luận kỳ vọng điều gì ở Thượng đỉnh liên Triều lần 3?

Vấn đề phi hạt nhân hóa và dỡ bỏ lệnh trừng phạt Triều Tiên là trọng tâm của chương trình nghị sự Thượng đỉnh liên Triều lần 3.

Tổng thống Moon Jae-in sẽ cùng với 200 quan chức Hàn Quốc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần 3 với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng.

Trong cuộc gặp này, khoảnh khắc 2 nhà lãnh đạo gặp nhau ở thủ đô của Triều Tiên cũng như các sự kiện quan trọng trong Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều sẽ được phát sóng trực tiếp với thế giới.


Hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ thảo luận về các biện pháp nhằm làm giảm những căng thẳng trong Khu vực Phi quân sự. Ảnh: Reuters

Hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ thảo luận về các biện pháp nhằm làm giảm những căng thẳng trong Khu vực Phi quân sự. Ảnh: Reuters

Chuyến thăm 3 ngày của ông Moon, bắt đầu ngày 18/9 cũng là chuyến thăm thứ 3 của một Tổng thống Hàn Quốc tới Bình Nhưỡng từ khi hai miền Triều Tiên chia cắt. Chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên và Mỹ đang gặp phải những vướng mắc trong ngoại giao khi việc thực hiện các thỏa thuận giải trừ vũ khí hạt nhân bị chững lại.

Washington muốn một lịch trình và các động thái rõ ràng về tiến trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên trước khi đáp ứng bất kỳ yêu cầu gì của quốc gia này.

Trong khi đó, Triều Tiên yêu cầu Mỹ phải đảm bảo về một tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 - cuộc chiến mới chỉ kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến thay vì một hiệp định hòa bình.

Hố sâu ngăn cách trong quan hệ Mỹ Triều

Cuối tháng 8/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hủy bỏ chuyến thăm tới Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo do thiếu tiến triển trong thực hiện phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên từ sau Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử giữa ông Trump và ông Kim tại Singapore hồi tháng 6/2018.

Bế tắc trong quan hệ Mỹ - Triều là một thách thức lớn với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in - người vốn đóng vai trò như một trung gian hòa giải cho hai bên Mỹ và Triều Tiên.

"Rõ ràng, nếu những cuộc đàm phán với Triều Tiên đi vào ngõ cụt, những người ủng hộ chính sách cứng rắn với Bình Nhưỡng của Washington và Seoul, đặc biệt là Washington sẽ chiếm ưu thế và có thể sẽ bắt đầu yêu cầu sự đáp trả nhanh chóng bằng chính sách gây sức ép tối đa của họ", ông Andrei Lankov, giáo sư tại Đại học Kookmin ở Seoul nhận định với trang Al Jazeera.

Ông Lankov, người luôn theo sát vấn đề Triều Tiên trong một thời gian dài cũng hoài nghi về tính xác thực trong cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời nhận định thêm rằng các đại biểu Hàn Quốc sẽ nỗ lực để tạo nên một cuộc gặp cho thấy mọi vấn đề rồi sẽ được giải quyết ổn thỏa.

"Đó là một chính sách ngoại giao thông minh bởi nó tạo điều kiện khiến những người ủng hộ chính sách cứng rắn với Triều Tiên phải xem xét lại quan điểm của họ", ông Lankov cho biết.

Tiến trình phi hạt nhân hóa và các lệnh trừng phạt

Tiến trình phi hạt nhân hóa thường được hiểu là một tiến trình cần nhiều thời gian và bao gồm nhiều giai đoạn trước khi có thể dỡ bỏ các vũ khí hạt nhân.

"Nếu thực hiện phi hạt nhân hóa theo từng bước, tiến trình này gần như không thể đạt được trong 2 năm rưỡi", ông Moon Chung-in, cố vấn đặc biệt của Tổng thổng Hàn Quốc nhận định với truyền thông quốc tế về quan điểm của ông liên quan đến đề xuất gần đây của ông Kim về việc sẽ hoàn thành tiến trình phi hạt nhân hóa trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.

Chuyên gia này cũng cho biết Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều sắp tới có thể tạo cơ hội cho Tổng thống Hàn Quốc thuyết phục ông Kim cũng như sau đó đề xuất với ông Trump về giải pháp trao đổi đồng thời giữa các bên.

Một viễn cảnh khả thi nhất trong nỗ lực hòa giải của Tổng thống Moon Jae-in là Triều Tiên sẽ đồng ý nhượng bộ để cho Mỹ dỡ bỏ một số, chứ không phải là tất cả các loại vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng và đổi lại, Washington sẽ sẵn sàng dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt kinh tế cho quốc gia này.

Các vấn đề khác trong Hội nghị Thượng đỉnh Liên Triều lần 3

Trong Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới, một vấn đề quan trọng nữa trong chương trình nghị sự của Hàn Quốc là cải thiện mối quan hệ với Triều Tiên.

Trong lĩnh vực kinh tế, Triều Tiên và Hàn Quốc có một số dự án hợp tác với nhau không nằm trong phạm vi trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc như ngành lâm nghiệp, nhà nghiên cứu về Triều Tiên Bong Young-shik tại Đại học Yonsei chia sẻ với trang Al Jazeera.

Hai nhà lãnh đạo có thể cũng sẽ thảo luận về các biện pháp giúp làm giảm căng thẳng dọc biên giới sau Tuyên bố Bàn Môn Điếm được đưa ra trong Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4/2018.

Quân đội của hai bên cũng sẽ có các cuộc gặp để thảo luận về việc loại bỏ các đồn bốt canh gác và các hố bom mìn bên trong Khu vực Phi quân sự và đặt ra "vùng hòa bình trên biển" ở biên giới biển phía Tây - nơi từng diễn ra các cuộc đụng độ quân sự khiến nhiều người chết giữa 2 bên trong quá khứ.

"Đây sẽ là những kết quả có thể đạt được của Hội nghị Thượng đỉnh này nếu 2 nhà lãnh đạo nhất trí với nhau về các biện pháp cắt giảm quân chính quy", chuyên gia Bong nhận định thêm.

Các chuyên gia cho rằng không nước nào nên sử dụng vũ khí hạt nhân như lựa chọn đầu tiên trong chiến tranh hiện đại do có thể gây nên hậu quả nặng nề nhưng vẫn cảnh báo về khả năng của một cuộc xung đột bất ngờ có thể khiến tình hình leo thang không thể kiểm soát được./.

Theo Kiều Anh

VOV