1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Dự án Vành đai và Con đường: "Không phải bữa trưa miễn phí"

(Dân trí) - Dự án cơ sở hạ tầng thương mại “Vành đai và Con đường” khổng lồ và đầy tham vọng của Trung Quốc đang vấp phải các trở ngại về tiến độ, trong bối cảnh một số quốc gia bắt đầu lo ngại về việc rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc.


Cầu hữu nghị Trung Quốc - Maldives tại Maldives (Ảnh: newsin.asia)

Cầu hữu nghị Trung Quốc - Maldives tại Maldives (Ảnh: newsin.asia)

Được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố vào năm 2013, sáng kiến Vành đai và Con đường - còn được biết tới với tên gọi “Con đường Tơ lụa mới” - đặt mục tiêu xây dựng các con đường, các tuyến đường sắt và các cảng biển trên khắp thế giới, với việc Bắc Kinh cam kết cung cấp hàng tỷ USD tiền vay cho nhiều quốc gia.

Sau 5 năm, ông Tập đã phải lên tiếng bảo vệ ý tưởng con đẻ của mình, trong bối cảnh các lo ngại ngày càng gia tăng rằng Trung Quốc đang thiết lập các bẫy nợ mà trong đó các quốc gia có thể khó trả lại các khoản vay cho “ông lớn” châu Á.

“Đó không phải là một câu lạc bộ Trung Quốc”, ông Tập nói trong một bài phát biểu hồi đầu tuần này tại Bắc Kinh nhân kỷ niệm kỷ niệm 5 năm ra đời sáng kiến Vành đai và Con đường.

Ông Tập cho hay thương mại của Trung Quốc với các quốc gia Vành đai và Con đường đã vượt 5 nghìn tỷ USD, trong đó đầu tư trực tiếp vượt 60 tỷ USD.

Nhưng một số quốc gia đang bắt đầu lo ngại cái giá phải trả của nó.

Trong chuyến thăm tới Bắc Kinh hồi tháng trước, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho biết đất nước ông quyết định hủy 3 dự án được Trung Quốc hỗ trợ, trong đó có một tuyến đường sắt trị giá 20 tỷ USD.

Còn tại Pakistan, đảng của tân Thủ tướng Imran Khan đã cam kết minh bạch hơn giữa những lo ngại về khả năng của nước này nhằm trả lại các khoản vay từ Trung Quốc có liên quan tới Hành lang kinh tế Trung-Pakistan trị giá nhiều tỷ USD.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo đối lập hiện đang sống lưu vong của Maldives, Mohamed Nasheed, ví các hành động của Trung Quốc ở quần đảo Ấn Độ Dương với “chiếm đất” và “chủ nghĩa thực dân”, với việc Bắc Kinh nắm 80% số nợ của nước này.

Sri Lanka cũng đang phải trả giá đắt với các khoản nợ khổng lồ của Trung Quốc.

Hồi năm ngoái, Sri Lanka đã phải cho Trung Quốc thuê 99 năm một cảng chiến lược vì không có khả năng trả lại các khoản nợ đối với một dự án 1,4 tỷ USD.

“Đối tác mơ hồ”

Nhà nghiên cứu Anne Stevenson-Yang cho hay, các khoản vay của Trung Quốc được trích dẫn dưới dạng tiền, “nhưng thực tế họ đang cho vay dưới dạng các máy kéo, các lô hàng than, các dịch vụ kỹ thuật và những thứ như vậy, và họ yêu cầu trả lại bằng tiền mặt”.

“Trung Quốc không có bộ máy uy tín quốc tế trong viện trợ nước ngoài để mở rộng quyền lực mềm”, bà Anne Stevenson-Yang, đồng sáng lập kiêm giám đốc nghiên cứu tại tổ chức nghiên cứu J Capital Research, cho biết.

“Không có gì bất ngờ khi họ không giỏi cái đó, và điều đó gây ra các vấn đề chính trị như Malaysia mà không phải ai cũng lường trước được”, bà Anne nói thêm.

“Khi đồng nhân dân tệ yếu đi và Trung Quốc bị thế giới xem là một đối tác ngày càng mơ hồ, nhiều khả năng các quốc gia sẽ có cái nhìn thận trọng đối với các dự án này”, nhà nghiên cứu trên nói thêm.

Dự án Vành đai và Con đường được kỳ vọng mang tới các cải tiến rất cần thiết về cơ sở hạt tầng đối với các quốc gia đang phát triển, trong khi cho phép Trung Quốc đưa các cơ sở vật chất và khả năng công nghiệp nhằm khai thác các nhiên liệu thô.

Nhưng một cuộc nghiên cứu do Trung tâm Phát triển Toàn cầu, một tổ chức nghiên cứu của Mỹ, đã cho thấy “các lo ngại nghiêm trọng” về tính bền vững của các khoản nợ nước ngoài tại 8 quốc gia nhận các khoản tiền từ dự án.

Các quốc gia này là Pakistan, Djibouti, Maldives, Mông Cổ, Lào, Montenegro, Tajikistan và Kyrgyzstan.

Chi phí của một dự án đường sắt Trung Quốc - Lào, ước tính vào khoảng 6,7 tỷ USD - tương đương gần nửa GDP của quốc gia Đông Nam Á, theo nghiên cứu trên.

Tại Djibouti, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng quốc gia Sừng châu Phi có thể đối mặt với “nguy cơ cao về căng thẳng nợ nần”, trong bối cảnh nợ công tăng từ 50% GDP lên 85% vào năm 2016.

Châu Phi từ lâu đã nhận nhiều khoản đầu tư từ Trung Quốc, giúp Bắc Kinh trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu lục này trong thập niên qua.

Hồi đầu tuần này, một loạt các nhà lãnh đạo châu Phi đã có mặt tại Bắc Kinh để tham dự một hội nghị tập trung vào quan hệ kinh tế, trong đó bao gồm các cuộc thảo luận về dự án Vành đai và Con đường.

“Không phải bữa trưa miễn phí”

Tại một cuộc họp báo thường kỳ hôm 31/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh bác bỏ thông tin nói rằng Bắc Kinh đang chất gánh nặng lên các đối tác bằng những khoản nợ. Bà nói rằng các khoản cho vay của nước này đối với Sri Lanka và Pakistan chỉ là một phần nhỏ trong tổng nợ nước ngoài của các nước này.

“Thật không hợp ký khi nói rằng tiền vay từ các nước phương Tây được ca ngợi là tốt, trong khi tiền của Trung Quốc lại bị xem là xấu và bẫy nợ”, bà Oánh nói.

Standard & Poor's cho biết Bắc Kinh thiết kế các dự án cơ sở hạ tầng như những sự nhượng bộ dài hạn, với việc một Trung Quốc vận hành dự án này trong thời gian từ 20-30 năm trong khi chia lợi nhuận với đối tác hay chính phủ địa phương.

Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde đã bày tỏ những lo ngại về nguy cơ các vấn đề bẫy nợ hồi tháng 4 và luôn thúc đẩy sự minh bạch hơn nữa.

“Đó không phải là một bữa trưa miễn phí. Đó là một thứ mà tất cả mọi người đều góp vốn”, bà Lagarde nói.

An Bình

Theo AFP