1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Đông Á xủng xoảng binh đao

Trong khi biển Hoa Đông chưa kịp lặng sóng với căng thẳng xung quanh khu nhận diện phòng không (ADIZ), không hiểu vô tình hay cố ý mà Quân ủy Trung ương Trung Quốc hé lộ tin, nước này sẽ đóng hai tàu sân bay mới trị giá 9 tỷ USD trong giai đoạn 2014-2015.

 
Dự án 048 của Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ trang bị 3 biên đội tàu sân bay tác chiến hoàn chỉnh cho 3 hạm đội.

Như để hậu thuẫn cho ADIZ mới thiết lập ở Hoa Đông, 20.000 lính Trung Quốc cũng đang rầm rộ tập trận bắn đạn thật ở tỉnh Sơn Đông. Động thái này diễn ra ngay sau khi Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Bắc Kinh, nói rõ quan điểm không chấp nhận ADIZ đơn phương.

Hàn Quốc thể hiện cứng rắn, quyết định mở rộng vùng nhận diện phòng không của mình, một sự “ăn miếng trả miếng” rõ ràng. Tiếp nối kế hoạch mua 42 máy bay tiêm kích tàng hình F-35, nước này thông báo đóng thêm 3 chiến hạm mới trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis. Sau khi triển khai các máy bay săn ngầm P-8 Poseidon tối tân tới Hoa Đông, Mỹ cũng đang ráo riết xây dựng thêm hệ thống phòng thủ tên lửa tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nói Nhật Bản “nóng mặt” với ADIZ Hoa Đông không sai. Nhưng đó chỉ là một trong những nguyên cớ để xứ mặt trời mọc đẩy nhanh việc công bố chiến lược an ninh quốc gia mới hôm 11/12. Theo đó, Nhật Bản sẽ thành lập một đơn vị đổ bộ mới, triển khai các máy bay cảnh báo sớm và máy bay không người lái tới khu vực tây nam, nhằm đối phó nguy cơ từ Trung Quốc.

Chiến lược quốc phòng mới của Nhật Bản cảnh báo ý đồ thay đổi hiện trạng ở Hoa Đông, nêu rõ Nhật Bản sẽ tăng cường sức mạnh, kiên quyết đáp trả mọi động thái leo thang quân sự từ phía người láng giềng khổng lồ.

Chiến lược an ninh mới phản ánh lo ngại của Nhật Bản trước sự trỗi dậy của Trung Quốc và một Triều Tiên khó lường. Nhật Bản cũng dự kiến nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu, mở ra triển vọng phát triển ngành công nghiệp vũ khí. Chiến lược mới còn kêu gọi giáo dục lòng yêu nước cho học sinh, đưa chương trình giáo dục an ninh vào các cơ sở đào tạo. Trở lại ghế quyền lực, Thủ tướng Shinzo Abe đã tuyên bố sẽ tăng cường sức mạnh quân sự, thúc đẩy sửa đổi hiến pháp ủng hộ vai trò an ninh toàn cầu của Nhật Bản.

Nhật Bản đã làm đúng những gì Trung Quốc đang lo ngại: tăng cường năng lực quân sự, xây dựng một quân đội đúng nghĩa, chứ không dừng ở chức năng phòng vệ; thiết lập, củng cố các liên minh an ninh-quốc phòng với Mỹ và khu vực; đánh thức mạnh mẽ tinh thần dân tộc Nhật Bản... Nhưng có thể trách ai đây, khi chính Trung Quốc đã kích hoạt quá trình này. Cách nay gần 20 năm, Quốc hội Mỹ đã phải tổ chức phiên điều trần về những cảnh báo của học giả Samuel Huntington.

Cuốn “Va chạm giữa các nền văn minh” của ông tiên đoán, khi mạnh lên về kinh tế, quân sự cộng với tình trạng nhân mãn, Trung Quốc sẽ không hài lòng với trật tự hiện hữu. Báo “Le Monde” (Pháp) vừa nêu con số ngân sách quốc phòng Trung Quốc giai đoạn 2003-2012 tăng tới 175% lên 166 tỷ USD/năm.

Trung Quốc giờ đây không giấu giếm ước vọng thay thế Mỹ dẫn dắt thế giới, công khai chính sách “nước giàu, quân mạnh” hậu thuẫn việc mở rộng không gian chiến lược, mà ADIZ Hoa Đông được xem như bước đột phá mở màn. “Giấc mơ Trung Hoa” đã đụng chạm không chỉ hàng xóm, mà còn trực tiếp thách thức vị thế siêu cường của Mỹ.

Châu Á-Thái Bình Dương vốn là khu vực kinh tế năng động nhất thế giới, giờ đây bắt đầu xủng xoảng binh đao. Vẫn biết rằng không dễ tuốt kiếm trong thế giới phẳng ngày nay, nhưng nguy cơ tự tin thái quá, tính toán lầm cộng hưởng với chủ nghĩa dân tộc mù quáng có thể khiến Thái Bình Dương không còn được yên hưởng thái bình nữa.

Theo Đặng Vương Hạnh
Tiền phong