1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Điểm nóng” khó hạ nhiệt nhất trong căng thẳng Mỹ - Trung

(Dân trí) - Cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đang lan rộng trên nhiều mặt trận và ngày càng có xu hướng căng thẳng hơn, trong đó cạnh tranh về quân sự được xem là “điểm nóng” khó hạ nhiệt nhất.


Các phi công Mỹ điều khiển máy bay P-8A Poseidon tuần tra trên Biển Đông trong tháng 9 (Ảnh: New York Times)

Các phi công Mỹ điều khiển máy bay P-8A Poseidon tuần tra trên Biển Đông trong tháng 9 (Ảnh: New York Times)

Tranh chấp thương mại kéo dài suốt nhiều tháng được xem là vấn đề trọng tâm trong mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên các vấn đề khó giải quyết tại Biển Đông hoặc eo biển Đài Loan cho thấy cuộc đua giành ảnh hưởng tại Thái Bình Dương vẫn là nguyên nhân dễ gây ra xung đột nhất giữa Mỹ và Trung Quốc. Và căng thẳng trong các vấn đề này vẫn đang tăng lên.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã thể hiện rõ qua những phát biểu cứng rắn tại cuộc họp ở Washington hồi tuần trước khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis hội đàm với những người đồng cấp Trung Quốc. Căng thẳng cũng được thể hiện qua chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tới châu Á tuần này khi “phó tướng” của Tổng thống Donald Trump có các cuộc gặp với lãnh đạo các nước Đông Á và Đông Nam Á để kêu gọi sự ủng hộ dành cho những nỗ lực của Washington nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc.

Chuyến đi của Phó Tổng thống Mike Pence lần này bao gồm hai cuộc họp thượng đỉnh tại châu Á - Thái Bình Dương. Tại đây, ông Pence dự kiến sẽ có những bài phát biểu liên quan tới chủ đề kiểm soát tầm ảnh hưởng và sức mạnh của Trung Quốc. Kể từ sau bài phát biểu gây chú ý hồi tháng trước về cuộc đua giữa Mỹ và Trung Quốc, Phó Tổng thống Pence đã trở thành “gương mặt” đại diện cho cách tiếp cận cứng rắn của chính quyền Trump với Bắc Kinh.

Đối với cả Mỹ và Trung Quốc, chiến lược khu vực đều xoay quanh cách mỗi nước khẳng định “sự áp đảo” của mình về quân sự tại Thái Bình Dương như thế nào. Hiện tại, Mỹ vẫn là nước duy trì lực lượng quân sự mạnh nhất trong khu vực, thể hiện qua khả năng tiếp cận hải quân tự do trên Biển Đông và hỗ trợ cho Đài Loan để hòn đảo này tăng cường vị thế của mình.

Tuy nhiên, cả trên Biển Đông và eo biển Đài Loan, Trung Quốc đều cho thấy sự cứng rắn ngày càng tăng của nước này trong việc khẳng định tầm ảnh hưởng trước Mỹ. Trong khi đó, các công ty nhà nước của Trung Quốc cũng đang len lỏi vào các hòn đảo ở châu Đại Dương, từ Saipan cho tới Vanuatu, thông qua các dự án cơ sở hạ tầng.

Giới chức Mỹ cho rằng các công trình của Trung Quốc trên các đảo rốt cuộc sẽ trở thành căn cứ quân sự của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, thách thức năng lực chỉ huy tác chiến của hải quân Mỹ tại các chuỗi đảo xa. Ngoài Mỹ, Australia cũng đang theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động của Trung Quốc vì Nam Thái Bình Dương vốn được xem là khu vực nằm trong tầm ảnh hưởng của Australia.

Tại vùng biển gần hơn, Trung Quốc tiếp tục triển khai các thiết bị quân sự trên các đảo và đá nơi Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Trung Quốc cũng thuyết phục một số quốc gia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, đồng thời buộc các công ty nước ngoài, các khách sạn và hãng hàng không dừng quan hệ với hòn đảo này.

Động thái cứng rắn của Mỹ


Các bộ trưởng quốc phòng, ngoại giao Mỹ và Trung Quốc hội đàm tại Washington ngày 9/11. (Ảnh: Xinhua)

Các bộ trưởng quốc phòng, ngoại giao Mỹ và Trung Quốc hội đàm tại Washington ngày 9/11. (Ảnh: Xinhua)

Trước các động thái của Trung Quốc, giới chức Mỹ nhận ra rằng họ cần tìm cách để đối phó với Bắc Kinh.

Tại Biển Đông, Hải quân Mỹ đã tiến hành các chiến dịch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, đưa các tàu tới gần các đảo và thực thể do Trung Quốc bồi đắp trái phép để khẳng định rằng đây là vùng biển quốc tế. Ngày 30/9, hai tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc suýt xảy ra va chạm khi áp sát nhau chỉ 40m.

Ngày 13/11, máy bay chở Phó Tổng thống Mike Pence đã bay qua Biển Đông trong hành trình từ Nhật Bản tới Singapore - nơi ông Pence dự kiến tham dự các cuộc họp cấp cao của ASEAN. Phó Tổng thống Mỹ nói với Washington Post rằng chuyến bay của ông, cách quần đảo Trường Sa của Việt Nam chỉ 80km, là một kiểu chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải.

“Chúng tôi sẽ không để bị hăm dọa. Chúng tôi sẽ không lùi bước. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực thi tự do hàng hải”, ông Pence tuyên bố.

Theo Graham Allison, giáo sư trường Kennedy Harvard và là người từng viết một cuốn sách về nguy cơ chiến tranh Mỹ - Trung, chính quyền Trump đang “phản pháo mạnh mẽ Trung Quốc trên mọi mặt trận, bao gồm vấn đề Biển Đông, và có lẽ cả vấn đề Đài Loan”.

Sau khi kết thúc cuộc hội đàm với những người đồng cấp Trung Quốc tại Washington hôm 9/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis và Ngoại trưởng Pompeo đã đưa ra những phát ngôn cứng rắn về các vấn đề ở Thái Bình Dương.

“Liên quan tới mối quan hệ chặt chẽ của chúng tôi với một Đài Loan dân chủ, tôi khẳng định lại rằng chính sách của Mỹ không thay đổi và chúng tôi quan ngại về nỗ lực ngày càng tăng của Trung Quốc nhằm gây sức ép với các nước khác, kiềm chế không gian quốc tế của Đài Loan”, ông Pompeo phát biểu công khai trước báo giới.

Các nhà phân tích tại Washington cho rằng phát ngôn của các bộ trưởng Mỹ rất đáng chú ý.

“Tôi tin rằng rất hiếm khi Mỹ nêu vấn đề Đài Loan một cách công khai trong các cuộc họp báo với Trung Quốc. Ông Pompeo đã đề cập tới “Đài Loan dân chủ”. Điều này chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc khó chịu”, Bonnie S. Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định.

Mỹ bắt đầu có các động thái cứng rắn hơn trong việc bảo vệ lợi ích của Đài Loan kể từ khi ông John Bolton được bổ nhiệm làm cố vấn an ninh quốc gia hồi tháng 4. Tháng trước, Lầu Năm Góc đã đưa 2 tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan khiến Bắc Kinh nổi giận. Ban đầu, Nhà Trắng cân nhắc đưa tàu sân bay qua eo biển Đài Loan, điều mà Mỹ chưa từng làm kể từ năm 2007. Tuy nhiên sau đó, Lầu Năm Góc quyết định triển khai một tàu tuần dương và một tàu khu trục.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa đều cố gắng hạ nhiệt căng thẳng tại Thái Bình Dương. Trước cuộc hội đàm tại Washington, hai bộ trưởng đã gặp nhau ở Singapore hồi tháng 10, bên lề cuộc họp của bộ trưởng quốc phòng các nước Đông Nam Á. Tuy vậy, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định các cuộc hội đàm chỉ là những kết quả khiêm tốn mà Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được lúc này.

Thành Đạt

Theo New York Times