1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Italy một phần do yếu tố văn hóa?

Có ý kiến cho rằng, văn hóa, lối sống của người Italy, trong trường hợp nào đó có thể là nguyên nhân khiến dịch Covid-19 ở nước này thêm trầm trọng.

Từng là “ngọn hải đăng” của những thú vui châu Âu, thời trang, ẩm thực và niềm đam mê… Italy đã nhanh chóng rơi vào bóng tối của đại dịch Covid-19, cơ sở hạ tầng y tế bị quá tải và số người chết tăng chóng mặt mỗi ngày.

Dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Italy một phần do yếu tố văn hóa? - 1

Italy hiện có số ca mắc Covid-19 đứng thứ 2 thế giới. Ảnh: Getty.

Quốc gia với 60,5 triệu dân hiện đã trở thành tâm dịch với số ca mắc cao thứ 2, sau Trung Quốc đại lục. Tính đến hết ngày 18/3, số người mắc Covid-19 ở Italy đã lên đến hơn 35.000 người, số ca tử vong là 2.978. Chỉ trong 24 giờ qua, dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 475 người, đánh dấu mức tăng kỷ lục trong ngày. Điều đáng nói là số ca bệnh nặng đang cần đến sự chăm sóc y tế đặc biệt cũng lên tới 2.000.

Sai lầm nào đã xảy ra?

Tiến sĩ Dena Grayson, bác sĩ y khoa và chuyên gia tư vấn công nghệ sinh học ở Florida, Mỹ giải thích sự gia tăng đột biến các ca tử vong cho rằng, các bệnh viện ở khu vực phía bắc Italy đơn giản là không đủ giường bệnh trong các khoa chăm sóc đặc biệt (ICU), không có đủ máy thở cho tất cả các bệnh nhân. Điều này buộc các bác sĩ phải đưa ra quyết định nghiệt ngã là lựa chọn ai được nằm trong các giường ở ICU, ca bệnh nào có hy vọng sống sót và ca nào là vô vọng…

Hơn nữa, bác sĩ Grayson nhấn mạnh, người Italy đã tụt lại trong việc xét nghiệm virus corona trên diện rộng mặc dù phương pháp này đã chứng minh được hiệu quả trong việc chống lại sự lây lan của dịch.

Ở một thị trấn nhỏ gần Venice, nơi việc xét nghiệm được thực hiện ngay cả với những người không có triệu chứng, kết hợp với việc kiểm tra liên lạc và kiểm dịch nghiêm ngặt, sự lây lan của Covid-19 đã hoàn toàn chấm dứt. Điều này cho thấy cách tiếp cận của Hàn Quốc có thể được áp dụng cho các nước và mang đến thành công.

Một chuyên gia an ninh giấu tên cho biết, các thông tin tình báo đã đưa ra lời cảnh báo đến Chính phủ về nguy cơ đại dịch chỉ vài ngày sau khi virus corona mới xuất hiện ở Trung Quốc hồi cuối năm ngoái. Nhưng nhiều tuần trôi qua, không có bất kỳ biện pháp mạnh nào được giới chức Italy đưa ra.

Và sau đó, mọi thứ đã quá muộn.

Mọi người chỉ nói rằng đó là vấn đề của Trung Quốc, rằng dịch bệnh sẽ không đến đây.

Cũng đã có một số ý kiến cho rằng, văn hóa, lối sống của người Italy, trong trường hợp nào đó có thể là nguyên nhân khiến dịch bệnh ở nước này thêm trầm trọng.

Một báo cáo mới được công bố dựa trên nghiên cứu khoa học mở của các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford vào cuối tuần qua cho biết, Italy là một trong những quốc gia có dân số già nhất trên thế giới – 23,3% công dân nước này trên 65 tuổi – nhiều thế hệ trong gia đình vẫn chung sống dưới một mái nhà và tương tác giữa các thành viên trong một gia đình lớn là khá thường xuyên.

Một điều rõ ràng là sự tiến triển và tác động của đại dịch có thể có liên quan mật thiết đến thành phần nhân khẩu học của dân số. Cụ thể ở đây là cấu trúc tuổi dân số.

So với phần lớn châu Âu và thậm chí là cả thế giới, Italy là một trong những nước có tuổi thọ trung bình cao nhất, trung bình 82,5 tuổi, theo Ngân hàng Thế giới. Để so sánh, độ tuổi trung bình của người dân Mỹ là 78,6. Dựa trên những gì các nhà khoa học đã biết về virus corona cho đến nay, người càng lớn tuổi thì càng dễ bị tử vong do các biến chứng liên quan đến nhiễm trùng khi mắc Covid-19.

Giãn cách xã hội trái ngược với văn hóa Italy

Tiến sĩ Summer McGee, trưởng khoa Khoa học sức khỏe tại Đại học New Haven (Mỹ) cho rằng, người Italy là những con người của xã hội, họ sống trong các gia đình nhiều thế hệ và những gia đình này thậm chí quy tụ thành các cụm gia đình. Giãn cách xã hội là trái ngược với văn hóa Italy. Vì thế, bản chất gia đình và tính cộng đồng rất riêng của người Italy đã trở thành điểm yếu lớn nhất của họ trong đại dịch toàn cầu.

Phải nhìn nhận thực tế, Italy là một trong những quốc gia đầu tiên nhanh chóng áp dụng lệnh cấm đối với tất cả các chuyến bay từ Trung Quốc sau khi phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2 ngày 29/1/2020. Ngay ngày hôm sau, Thủ tướng Giuseppe Conte đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp với thời hạn tối thiểu 6 tháng. Mặc dù vậy, chỉ trong vòng 20 ngày, con số ca mắc đã nhảy vọt lên 12.000.

Ngày 18/2, các bác sĩ ở ở thị trấn nhỏ Codogno phía bắc Italy đã xác nhận trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên không phải từ bên ngoài Italy. Người đàn ông 38 tuổi phải nhập viện trong tình trạng sốt cao kéo dài, sức khỏe kém.

Những tuần sau đó rất quan trọng, trong khi cả thế giới phải vật lộn với dịch bệnh, nhiều nước vẫn bị cản trở bởi những vấn đề chính trị nội bộ, tranh cãi về việc liệu những lo lắng có bị thổi phồng và những hậu quả kinh tế nghiêm trọng có thể phát sinh từ việc áp đặt các biện pháp mạnh tay.

“Italy đã có phần đánh giá thấp tình hình và phản ứng không đủ nhanh để thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp ngăn chặn. Đây là vấn đề tương tự mà chúng ta thấy ở Mỹ”, McGee cảnh báo. “Khách vẫn đông nghịt trên các bãi biển ở Florida và đi lại trên khắp đất nước giống như việc người Italy vẫn tụ tập tại các nhà hàng nhiều tuần trước lệnh phong tỏa”.

Nhưng “quả bom virus” dĩ nhiên là không chờ đợi cho đến khi Italy có sự chuẩn bị sẵn sàng. Nó đã phát nổ và nhanh chóng “hạ gục” hệ thống chăm sóc sức khỏe của Italy. Ngày 1/3, hạn chế đi lại đã được áp dụng ở một số khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở Italy nhưng số ca lây nhiễm khi đó đã tăng lên từng giờ. Đầu tuần trước, Thủ tướng Conte buộc phải ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc.

Các nhà dịch tễ học cho rằng, trong nhiều tuần trước khi phát hiện ca bệnh đầu tiên vào ngày 29/1, có thể SARS-CoV-2 đã lây truyền trong cộng đồng thông qua những người trẻ tuổi, khỏe mạnh chỉ có các triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí không có triệu chứng nào. Khi ấy, một số ca tử vong vẫn chỉ được biết đến với nguyên nhân viêm phổi mà không được xét nghiệm SARS-CoV-2. Rất ít người biết đến thông tin về loại virus chết người này.

“Nhiều người vẫn tiếp tục ra ngoài dù không có nhu cầu thực sự nào cả và virus thì cứ tiếp tục lây lan. Họ đi dạo, đi chạy bộ. Chúng tôi đã khuyến cáo họ ở trong nhà nhưng mọi người vẫn không hiểu chuyện gì đang xảy ra”, một chuyên gia ở Bari than thở.

Giờ đây, khi Italy dường như đã đi sau dịch Covid-19 một bước thì trước lệnh phong tỏa toàn quốc được áp dụng trên toàn quốc cho đến ngày 2/4, đại đa số người dân Italy đang chuẩn bị cho việc này sẽ kéo dài hơn đáng kể.

Theo Hùng Cường

VOV