1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đảng Dân chủ lại mở cuộc điều tra nữa với ông Trump

Đảng Dân chủ nghi ngờ ông Trump có động cơ chính trị khi sa thải Tổng Thanh tra Bộ Ngoại giao Steve Linick.

Ngày 16-5, hai Ủy ban Quan hệ Đối ngoại của Hạ viện và Thượng viện đã mở một cuộc điều tra nữa với Tổng thống Cộng hòa Donald Trump, theo hãng tin Reuters.

Cuộc điều tra lần này tập trung vào việc ông Trump có động thái muốn sa thải Tổng Thanh tra Bộ Ngoại giao Steve Linick.

Tối 15-5, ông Trump viết thư gửi đến Chủ tịch Hạ viên Nancy Pelosi (đảng Dân chủ) thông báo ông có kế hoạch sa thải ông Linick. Trong thư ông Trump đưa ra thời hạn thông báo 30 ngày theo yêu cầu, đồng thời nói ông không còn tin vào năng lực của ông Linick ở vị trí tổng thanh tra Bộ Ngoại giao nhưng không nói lý do cụ thể.

Bị cả Hạ viện lẫn Thượng viện điều tra

Ngày 16-5, hạ nghị sĩ Dân chủ Eliot Engel - Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Hạ viện và thượng nghị sĩ Dân chủ Bob Menendez - thành viên cấp cao tại Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện gửi thư đến Nhà Trắng đặt câu hỏi về thời điểm và động cơ của cái họ gọi là “sự cách chức chưa có tiền lệ” và thông báo điều tra.

“Chúng tôi phản đối việc sa thải mang động cơ chính trị các tổng thanh tra và việc tổng thống can thiệp, phá hủy các vị trí này” - Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Hạ viện, nghị sĩ Eliot Engel, tuyên bố về cuộc điều tra.

Đảng Dân chủ lại mở cuộc điều tra nữa với ông Trump - 1

Ông Steve Linick (ảnh) vừa bị Tổng thống Donald Trump sa thải khỏi vị trí Tổng Thanh tra Bộ Ngoại giao Mỹ. Ảnh: REUTERS

Ông Linick là tổng thanh tra thứ tư bị ông Trump sa thải kể từ đầu tháng 4 đến giờ.

Trong tháng 4 ông Trump sa thải ông Glenn Fine - lãnh đạo tổng thanh giám sát triển khai gói cứu trợ COVID-19 trị giá 2.300 tỉ USD. Ông Trump cũng thông báo lên Quốc hội rằng ông sẽ sa thải Tổng Thanh tra cộng đồng tình báo - ông Michael Atkinson, người có liên quan đến việc điều tra luận tội ông.

Đầu tháng 5 ông Trump sa thải bà Christi Grimm - Tổng Thanh tra Bộ Y tế và dịch vụ dân sinh, với cáo buộc bà đã lập ra một hồ sơ giả về tình trạng thiếu hụt của các bệnh viện Mỹ trong cuộc chiến chống COVID-19.

Hai Ủy ban Quốc hội trên - đều do đảng Dân chủ lãnh đạo - cáo buộc ông Trump muốn chống lại mọi sự giám sát với chính phủ mình.

“Ông Trump đang loại trừ một cách có phương pháp bất cứ ai đưa những việc làm sai trái ra ánh sáng” - thượng nghị sĩ Dân chủ Jeff Merkley, thành viên Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện, viết trên Twitter.

Nghị sĩ Cộng hòa Jim Risch - Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện chưa bình luận.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa cấp cao Chuck Grassley ra tuyên bố nói “việc thiếu tin tưởng chung chung không đủ chi tiết để giải đáp cho Quốc hội”.

Ông Trump làm theo đề xuất của ông Pompeo?

Các lãnh đạo Dân chủ nói theo họ hiểu là người đã đề nghị sa thải ông Linick là Ngoại trưởng Mike Pompeo, vì tổng thanh tra “đã mở một cuộc điều tra về những việc làm sai trái của bản thân Ngoại trưởng Pompeo”.

Theo Reuters, khi được hỏi về chuyện này, một quan chức Nhà Trắng đề nghị không nêu tên cho biết: “Ngoại trưởng Pompeo đã đề nghị đi bước này và Tổng thống Trump đã đồng ý”.

Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận chuyện ông Linick bị sa thải nhưng không bình luận về cuộc điều tra của đảng Dân chủ với ông Trump hay vai trò của ông Pompeo trong vụ sa thải ông Linick. Bộ Ngoại giao cho biết người thay thế vị trí ông Linick sẽ là ông Stephen Alard – Giám đốc Văn phòng Các chiến dịch đối ngoại.

Ông Linick được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Thanh tra Bộ Ngoại giao từ năm 2013, dưới thời chính phủ Tổng thống Barack Obama. Ngoài ra còn có một diễn biến đáng lưu ý. Tháng 10-2019, ông Linick công bố một tài liệu rằng luật sư riêng của ông Trump - ông Rudy Giuliani đã nỗ lực vận động Bộ Ngoại giao điều tra hoạt động của cựu Phó Tổng thống Joe Biden ở Ukraine.

Bà Pelosi gọi bước đi này của ông Trump là sự leo thang của một “kiểu trả đũa nguy hiểm”.

Đảng Dân chủ lại mở cuộc điều tra nữa với ông Trump - 2

Tổng thống Donald Trump (trái) và Tổng Thanh tra Bộ Ngoại giao Steve Linick (phải). Ảnh: REUTERS

Hai nghị sĩ Engel và Menendez kêu gọi chính phủ ông Trump giao ra các tài liệu liên quan vào ngày 22-5.

Hiện chưa rõ các nghị sĩ sẽ có hành động gì tiếp theo.

Ông Walter Shaub - cựu lãnh đạo Văn phòng Đạo đức Chính phủ Mỹ (đã phải ra đi sau khi xung đột với ông Trump) cho rằng các nghị sĩ có 30 ngày để hành động, nếu muốn, trong đó có việc yêu cầu ông Pompeo ra điều trần.

“Đây là một phần của chiến dịch loại bỏ các vị trí thanh tra hợp pháp và thay thế họ bằng những người trung thành với mình” - ông Shaub viết trên Twitter.

Theo Đăng Khoa

Pháp luật TP.HCM