1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đàm phán Astana: Nga đại thắng, IS thêm nguy khốn?

Nga lần lượt hóa giải những mâu thuẫn trong đàm phán Astana, tạo thêm bước ngoặt mới trong tiến trình hòa bình, đẩy IS thêm nguy khốn.

Đối lập Syria đổi thái độ

Sputnik dẫn lời ông Azim Hassan Abdel, điều phối viên trưởng Ủy ban điều phối quốc gia trong lần trả lời hãng RT cho biết, các nhà hoạt động đối lập Syria tham gia vào cuộc đàm phán tại Astana về việc giải quyết tình hình Syria đã thừa nhận vai trò quan trọng của Nga trong quá trình đàm phán.

“Thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ với phe đối lập vũ trang trở thành điểm khởi đầu trong việc chuẩn bị quá trình đàm phán chính trị ở Geneva. Chúng tôi nhận thấy trong các cuộc đàm phán lập trường của Nga đã trở nên ôn hòa hơn, Nga đóng một vai trò quan trọng hơn”, ông Azim Hassan Abdel nhấn mạnh.

Phe đối lập Syria đã thừa nhận vai trò của Nga trong cuộc đàm phán tại Astana
Phe đối lập Syria đã thừa nhận vai trò của Nga trong cuộc đàm phán tại Astana

Ông cũng lưu ý rằng vai trò của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giải quyết xung đột Syria là rất quan trọng, tuy nhiên cần xem xét quan điểm của tân chính quyền Mỹ.

Trong một diễn biến có liên quan, phóng viên BBC Steve Rosenberg từ thủ đô Moskva của Nga đã đưa lên microblog của mình trên mạng xã hội Twitter một đoạn video ngắn trong đó lấy ví dụ từ khúc côn cầu để giải thích lý do tại sao tình hình quốc tế hiện nay là có lợi cho Nga.

Theo Rosenberg, chính quyền Tổng thống Putin đạt được sự “khôn khéo” hơn Hoa Kỳ và các đồng minh của họ trong vấn đề Syria.

Ông nhận định, Nga sẽ tiếp tục thành công khi dựa vào những mâu thuẫn đang tồn tại giữa các nước phương Tây để củng cố vị thế của mình trên trường quốc tế.

Đặc biệt, theo phán đoán của phóng viên BBC, điện Kremlin sẽ tìm thấy ở Tổng thống Mỹ Donald Trump một đối tác đáng tin cậy, điều đó sẽ trở thành một “cú ăn ba chiến thắng cho Moskva”.

Nga giành chiến thắng toàn diện

Việc các lãnh đạo đối lập Syria đã nhận ra vai trò quan trọng của Nga trong quá trình đàm phán nhằm tái lập lại nền hòa bình tại quốc gia Trung Đông được coi như là bước ngoặt lớn của chính quyền Tổng thống Putin. Nó thể hiện sự thắng lợi toàn diện của Moskva trong cuộc đàm phán hòa bình tại Astana.

Trước phe đối lập Syria, một quốc gia khác là Thổ Nhĩ Kỳ vốn có quan điểm trái ngược với điện Kremlin cũng đã thay đổi một cách tích cực.

Trong một tuyên bố phát đi ngày 20/1, ông Mehmet Simsek, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Ankara không còn tỏ thái độ quá cứng nhắc về tương lai Tổng thống Bashar al- Assad.

Nga đang hóa giải các mâu thuẫn và giành thắng lợi lớn trong cuộc đàm phán tại Astana
Nga đang hóa giải các mâu thuẫn và giành thắng lợi lớn trong cuộc đàm phán tại Astana

Theo ông Simsek, do tình hình tại Syria đã có nhiều thay đổi, nên chính quyền Tổng thống Erdogan không còn giữ quan điểm để tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột Damascus mà không có sự tham gia của Tổng thống Bashar al-Assad.

“Đó là điều không thực tế”, ông Simsek nhấn mạnh.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ kiên định với quan điểm Tổng thống Assad cần phải từ chức để Syria có thể đạt được hòa bình ổn định.

Trong một tuyên bố được đưa ra hồi tháng 7 năm ngoái, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim khẳng định, nước này muốn nối lại quan hệ với Syria, Iraq và các nước khác ở Địa Trung Hải.

Cùng với đó, ông Yildirim lại khẳng định rằng Tổng thống Assad phải ra đi, nếu không cuộc nội chiến ở Syria không thể giải quyết được.

Tuy nhiên, quan điểm này đã dịu đi sau khi Thổ Nhĩ Kỳ khôi phục quan hệ với Nga, nước ủng hộ chính quyền của Tổng thống Assad.

Hiện nay Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã bảo trợ cho lệnh ngừng bắn ở Syria. Sự thay đổi của chính quyền Ankara được cho là một tín hiệu vui cho các bên trong đàm phán hòa bình để kết thúc cuộc nội chiến kéo dài tại quốc gia Trung Đông.

Về phía Mỹ, dù không trực tiếp cử đoàn đại biểu tham gia cuộc đàm phán hòa bình tại Astana vì đang trong giai đoạn chuyển giao, nhưng Nhà Trắng đã cử đại sứ của Mỹ tại Kazakhstan xuất hiện tại sự kiện này với vai trò là quan sát viên.

Thậm chí, tân Tổng thống Donald Trump còn tuyên bố muốn phối hợp cùng với Nga để giải quyết các vấn đề liên quan đến cuộc nội chiến kéo dài tại Syria.

Và để bày tỏ thiện chí của mình, hôm 25/1, ông Trump đã cử nữ nghị sĩ Mỹ Tulsi Gabbard của đảng Dân chủ tới Syria và gặp Tổng thống Bashar al-Assad trong thời gian 4 ngày để thảo luận về khả năng tìm kiếm một giải pháp khả dĩ cho hòa bình tại quốc gia Trung Đông này.

Trả lời CNN, bà Gabbard cho biết muốn tận mắt chứng kiến nỗi thống khổ của người dân Syria.

Nữ nghị sĩ bang Hawaii nêu rõ, một trong những lý do khiến bà cần có cuộc gặp gỡ với Tổng thống Assad là vì muốn tìm kiếm một giải pháp hòa bình tại quốc gia Trung Đông này.

Những nỗ lực của Nga đã được nhiều quốc gia khác trên thế giới ghi nhận, trong đó có Đức.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Sueddeutsche Zeitung ngày 27/1, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế đã bắt đầu nhìn nhận Nga như một "cầu thủ" quân sự và chính trị quan trọng trên sân khấu thế giới trong bối cảnh hoạt động quy mô lớn của Moskva tại Syria.

“Hoạt động quy mô lớn của Nga ở Syria, tất nhiên, được bắt đầu bao gồm cả thách thức khiêu khích của Mỹ, coi Liên bang Nga là lực lượng khu vực. Ít nhất là từ quan điểm của Nga họ dường như đã có thể làm được điều đó, Nga được coi là 'cầu thủ' quân sự và chính trị quan trọng. Có thể nhiều người ở Liên bang Nga tạm hài lòng với điều đó", ông Steinmeier nhấn mạnh.

Không chỉ thế bà Sahra Wagenknecht, lãnh đạo đối lập Đức còn kêu gọi ông Trump cải thiện quan hệ với Nga.

“Là tổng tư lệnh các lực lượng quân sự lớn nhất và là một trong những người trong tương lai sẽ có thể đưa ra quyết định về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, Trump sẽ hiển thị một mức độ cao của nhận thức, đặc biệt là trong chính sách đối ngoại”, bà Sahra Wagenknecht kết luận.

Theo Trung Dũng

Đất Việt