1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đại sứ Mỹ: Châu Á không buộc phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc

(Dân trí) - Washington không buộc các công ty hay các quốc gia châu Á phải lựa chọn giao thương với Mỹ hay Trung Quốc, một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ khẳng định.

 

Đại sứ Mỹ: Châu Á không buộc phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc - 1

Đại sứ Mỹ tại Indonesia Joseph Donovan (Ảnh: SCMP)

SCMP đưa tin, Đại sứ Mỹ tại Indonesia Joseph Donovan đã khẳng định các điều đó tại một sự kiện ở Hong Kong ngày 5/3. Nhưng trong các bình luận dường như nhắm tới Bắc Kinh, nhà ngoại giao này đã chỉ trích “các biện pháp bảo hộ không công bằng” vốn làm kìm hãm sự tăng trưởng.

“Tầm nhìn của chúng tôi về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở không loại trừ quốc gia nào. Cần nhấn mạnh rằng chúng tôi không đề nghị bất kỳ ai phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc”, ông Donovan nói.

“Giống Mỹ, Trung Quốc là một quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương. Chúng tôi hoan nghênh sự tham gia mang tính xây dựng của họ trong việc duy trì một hệ thống quốc tế dựa trên các quy tắc rõ ràng và minh bạch. Trên thực tế, chúng tôi hoan nghênh sự đầu tư từ tất cả các quốc gia nếu nó được thúc đẩy về thương mại một cách minh bạch và tuân thủ các nguyên tắc quốc tế”, nhà ngoại giao Mỹ nói.

Mỹ đầu tư 1.000 tỷ USD vào Ấn Độ - Thái Bình Dương

Đại sứ Donovan nói thêm, “không quốc gia nào khác đầu tư vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhiều như Mỹ. Không giống các nước khác, nơi chúng tôi đầu tư, chúng tôi tạo ra việc làm”.

Đại sứ Donovan, cựu Tổng lãnh sự Mỹ tại Hong Kong và từng là nhà ngoại giao tại Seoul, Đài Bắc, Tokyo, đã đưa ra các bình luận trên tại một sự kiện của Phòng thương mại Mỹ (AmCham) ở Hong Kong.

Bài phát biểu của ông đã cố gắng vạch ra một viễn cảnh cho cam kết của Mỹ đối với Ấn Độ - Thái Bình Dương dựa trên “các mối quan hệ đầu tư và thương mại song phương cân bằng và đối ứng”.

Ông Donovan nêu bật việc Mỹ đầu tư gần 1.000 tỷ USD vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương năm 2017, tăng gần gấp đôi kể từ năm 2009.

Tuy nhiên, các bình luận của Đại sứ Donovan cũng diễn ra trong bối cảnh quan hệ thương mại Mỹ - Trung dường như ngày càng xấu đi.

Ngoài cuộc chiến tranh thương mại quy mô lớn, một cuộc tranh cãi ngoại giao cũng nổ ra liên quan tới vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei. Vụ việc có nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng quốc tế toàn tiện.

 Bà Mạnh được cho là sẽ kiện chính phủ Canada, vốn cho phép dẫn độ bà về Mỹ để đối mặt với phiên tòa, trong khi hai công dân Canada tại Trung Quốc đang bị buộc tội đánh cắp các bí mật quốc gia.

Trên thực tế, dưới sức ép được cho là từ Mỹ, một loạt các quốc gia đã cấm Huawei đấu thầu các hợp đồng triển khai mạng 5G, trong đó có Australia.

"Mỹ rút khỏi TPP là điều ngớ ngẩn nhất"

Bài phát biểu của Đại sứ Donovan cũng diễn ra vào thời điểm có nhiều câu hỏi về cam kết của Mỹ đối với hệ thống thương mại đa phương, một phần do quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm rút khỏi Hiệp định Đối xác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Quyết định của ông Trump đã bị chỉ trích nhiều lần trong chương trình kéo dài 2 ngày của AmCham tại Hong Kong.

Một diễn giả khác, James McGregor, Chủ tịch khu vực của công ty tư vấn APCO Worldwide, miêu tả việc Mỹ rút khỏi TPP là “điều ngớ ngẩn nhất” mà Washington có thể làm nếu nghiêm túc về việc duy trì sự hiện diện nổi bật tại châu Á - Thái Bình Dương.

Ngoài điều đó và cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, chính quyền Trump cũng áp thuế lên các hàng hóa nhập khẩu, như thép và nhôm, lên các đối tác thương mại khác của Mỹ trong khu vực, đáng chú ý nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trong bài phát biểu tại cùng sự kiện hôm 4/3, Tổng lãnh sự Mỹ tại Hong Kong Kurt Tong cũng nhấn mạnh về tầm nhìn của Mỹ đối với khu vực là “sâu sắc hơn nhiều so với việc từ chối một hành vi không tốt và ủng hộ hành vi tốt, tìm kiếm đầu tư và thương mại chất lượng cao và cùng có lợi”.

Đại sứ Donovan chọn tập trung vào mối quan hệ đầu tư và thương mại quan trọng của Mỹ với phần còn lại của châu Á và khả năng mở rộng các quan hệ này, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế số, cơ sở hạt tầng và năng lượng.

Đặc biệt, ông nói trữ lượng lớn khí đốt tự nhiên của Mỹ có thể giúp thỏa mãn nhu cầu lớn về năng lượng của châu Á trong những tháng tới.

“Tiêu thụ khí tại Ấn Độ - Thái Bình Dương chiếm 80% lượng tiêu thụ trong thập niên tới, cần gần 80 tỷ USD đầu tư vào hạ tầng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) chỉ riêng tại Asean và Ấn Độ. Ngày nay, Mỹ có 30 tỷ m3 LNG để xuất khẩu, và con số này dự kiến sẽ còn tăng”, ông Donovan nói.

An Bình

Theo SCMP