1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đại kế hoạch của Trung Quốc ở Biển Đông

Gần đây "Thời báo Châu Á trực tuyến" đăng bài viết của Billy Tea, một chuyên gia nghiên cứu thuộc Diễn đàn Thái Bình dương của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) ở Mỹ, với nhan đề "Đại kế hoạch của Trung Quốc ở Biển Đông".

Một tàu Hải quân Trung Quốc đang tập trận trên Biển Đông
Một tàu Hải quân Trung Quốc đang tập trận trên Biển Đông

Theo Billy Tea, những chính sách đối ngoại chiến lược "bất xuất đầu" và "thao quang dưỡng hối" được Bắc Kinh dịch một cách văn vẻ là "không xuất đầu lộ diện" và "giấu mình chờ thời" vẫn còn chút liên quan nhưng cũng đang thay đổi sang một thái độ ngày càng quyết liệt hơn. Trung Quốc không còn "giấu mình chờ thời" trong bóng tối về các khả năng của họ mà đang ngày càng sẵn sàng "lên cơ bắp" sức mạnh quân sự và các kỹ năng công nghệ của họ. Giờ đây, Trung Quốc đã thể hiện sự sẵn sàng trong việc đối đầu với các bên có tuyên bố chủ quyền đối địch ở Biển Đông.

Đằng sau sự tương tác của chuỗi "hành động - phản ứng" xung quanh những vụ tranh chấp, Trung Quốc tiếp tục hành động nhanh chóng theo kế hoạch lâu dài và nhiều giai đoạn để cuối cùng khẳng định sự thống trị đối với khu vực Biển Đông. Kế hoạch này bao gồm 3 bộ phận hợp thành rõ ràng, cụ thể là:

Tăng cường các lực lượng quân sự, đặc biệt là hải quân và liên quân

Tháng 3/2014, Trung Quốc đã công bố nhân sách quốc phòng giai đoạn 2014-2015, với 132 tỷ USD được phân bổ cho chi tiêu quân sự, tăng khoảng 12% so với năm trước đó.

Phát triển quân sự của Trung Quốc có nhiều mục đích và sẽ không chỉ nhằm bảo vệ hay khẳng định các tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ của họ ở Biển Đông và biển Hoa Đông mà còn được sử dụng để răn đe đối với tình hình ở Đài Loan và "hất" Mỹ khỏi khu vực Tây Thái Bình Dương. Những nỗ lực hiện đại hoá hải quân của Trung Quốc bao gồm: các tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM); các tên lửa hành trình chống hạm (ASCM); các tàu ngầm; các tàu mặt nước; máy bay và sự hỗ trợ của các hệ thống C4SR (chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc, các máy tính, tình báo, giám sát và do thám); bảo trì và hậu cần; học thuyết hải quân; chất lượng quân sự; giáo dục và huấn luyện.

Cải thiện hình ảnh quốc tế

Trung Quốc đã bị chỉ trích rộng rãi vì họ thiếu bằng chứng pháp lý để ủng hộ tấm bản đồ “đường 9 đoạn” (còn gọi là đường lưỡi bò hay đường chữ U) tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn diện tích Biển Đông.

Trong quá khứ, sự chỉ trích quốc tế như vậy hẳn sẽ có ảnh hưởng hạn chế đối với chính sách của Bắc Kinh, như đã thể hiện qua việc họ thiếu phản ứng đối với sự phản đối kịch liệt của cộng đồng quốc tế sau vụ Thiên An Môn năm 1989. Trung Quốc giờ đây đang phải lo lắng hơn nhiều về hình ảnh toàn cầu của họ.

Khi vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế trong thời gian gần đây về những hành động của mình ở Biển Đông, Trung Quốc đã cố gắng tìm cách củng cố những tuyên bố của họ qua những kháng cáo ngược lên Liên Hiệp Quốc (LHQ). Chiến thuật mới này, mặc dù không kêu gọi sự can thiệp đa phương vào những tranh chấp này, nhưng được coi là sự phản ứng đối với việc Philippines đệ đơn lên toà án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) để khẳng định chủ quyền của họ đối với các khu vực tranh chấp .

Củng cố các tuyên bố pháp lý

Gần đây Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gửi lên LHQ một báo cáo về "hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981", cung cấp một phác thảo toàn diện về những yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Paracel (Hoàng Sa), trong đó có một tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc được ban hành ngày 4/9/1958.

Một phương pháp khác mà Trung Quốc đang sử dụng để hỗ trợ những tuyên bố chủ quyền của họ là vận chuyển nguyên vật liệu tới những bãi đá ngầm và bãi cạn mà họ đã kiểm soát ở Biển Đông để làm công việc được gọi là "xây dựng đảo" nhằm hỗ trợ các tuyên bố chủ quyền của họ theo định nghĩa về lãnh thổ đã được quy định trong công ước LHQ về Luật Biển. Trung Quốc dường như đã lên kế hoạch di chuyển những cộng đồng dân cư lâu dài tới những vùng lãnh thổ đã được tạo ra, qua đó tăng cường sự khẳng định về mặt pháp lý của họ đối với các thực thể và các hòn đảo nhất định ...

Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Hoàng Sa vừa qua là giai đoạn mới nhất trong Đại kế hoạch của Bắc Kinh nhằm khẳng định chủ quyền của họ đối với Biển Đông.

Theo Người Đông Ngàn (tổng hợp)
PetroTimes