1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cựu nhân viên CIA Snowden xin tị nạn tại Iceland

(Dân trí) – Cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden đã chính thức nhờ người tiếp cận với giới chức Iceland để xin tị nạn.

Edward Snowden vẫn đang ở Hong Kong
Trước đó, từ hôm 10/6, Snowden đã bày tỏ mong muốn được tị nạn chính trị tại Iceland.

Nhật báo Frettabladid của Iceland dẫn phát ngôn viên trang Wikileaks Kristinn Hrafnsson viết rằng một người trung gian đại diện cho Snowden đã tiếp cận ông nhờ xin tị nạn tại Iceland.

"Hôm 12/6, tôi đã nhận được thông điệp tử Edward Snowden trong đó yêu cầu tôi thông báo với chính phủ Iceland rằng anh ấy muốn xin tị nạn tại nước này", Hrafnsson - hiện cũng là nhà báo điều tra tại Iceland - cho hay.

Phát ngôn viên chính phủ Iceland xác nhận chính phủ nước này đã nhận được thông điệp trên từ ông Hranfnsson nhưng từ chối bình luận về khả năng cho Snowden tị nạn.

Trước đó, trả lời phỏng vấn khi được hỏi về khả năng cấp quy chế tị nạn cho cựu nhân viên CIA, người đang ở trong tâm điểm của vụ bê bối nghe lén và giám sát của chính phủ Mỹ, người phát ngôn Bộ Nội vụ Iceland nói rằng Snowden thiếu một yếu tố quan trọng.

“Điều kiện hàng đầu cho việc tìm kiếm quy chế tị nạn ở Iceland là người xin tị nạn phải có mặt tại Iceland khi chính thức khởi động thủ tục này. Đó là nguyên tắc đầu tiên”, ông Johannes Tomasson nói.

Nếu theo quy định này, Snowden sẽ khó có thể xin tị nạn tại Iceland do hiện đang lẩn trốn ở Hong Kong (Trung Quốc).

Đây cũng là tình cảnh tương tự đang diễn ra với người sáng lập trang mạng WikiLeaks Assange, người đã phải trốn trong Đại sứ quán Ecuador tại Anh từ hơn một năm nay để tránh việc bị dẫn độ sang Thụy Điển, nơi anh bị cáo buộc xâm hại tình dục.

Mặc dù Assange đã được chính phủ Ecuador cấp quy chế tị nạn nhưng lại không thể rời khỏi nơi trú ẩn hiện nay để đến Ecuador. Theo luật ngoại giao quốc tế, chính phủ Anh không có quyền xông vào Đại sứ quán Ecuador để bắt Assange nhưng ngược lại, Ecuador cũng không thể bảo vệ được Assange một khi nhà sáng lập trang mạng này bước chân ra khỏi Đại sứ quán Ecuador ở thủ đô London.

Tuy nhiên trong trường hợp của Snowden, ông Johannes Tomasson cho biết Iceland không có quy định cấp phép tị nạn cho người nộp thủ tục đề nghị tại các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài. Điều đó có nghĩa Snowden cũng sẽ không thể đến cơ quan đại diện ngoại giao của Iceland ở Hong Kong để làm thủ tục xin tị nạn như Assange đã làm ở Anh.

“Quy định bắt buộc là quy trình cấp giấy phép tị nạn chỉ được khởi động với người đang có mặt tại Iceland. Mọi trường hợp khác đều chỉ có thể được xem xét, nghiên cứu”, ông Tomasson nhắc lại.

Iceland nổi tiếng thế giới về việc cung cấp quyền bảo hộ cho công dân nước ngoài. Năm 2005, nước này từng đề nghị trao thẻ công dân cho kiện tướng cờ vua Bobby Fischer, người bị Mỹ phát lệnh truy nã vì đã chơi cờ với nhà lãnh đạo Nam Tư năm 1992  trong thời gian Nam Tư phải chịu lệnh trừng phạt quốc tế.

Hiện tại, trang mạng Wikileaks do Assange sáng lập cũng đang được hưởng sự bảo vệ về pháp lý ở Iceland. WikiLeaks cho biết sẽ giúp đỡ Asange xin quy chế tị nạn tại quốc gia này.

Vũ Anh
Theo Usa Today