1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cựu binh Mỹ lo chính quyền Trump cắt giảm viện trợ rà phá bom mìn tại Việt Nam

(Dân trí) - Những người tham gia vào công tác rà phá bom mìn chưa nổ mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đã bày tỏ lo ngại về việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến cắt giảm viện trợ cho hoạt động này.


Bom mìn chưa nổ vẫn là một mối nguy hiểm tại Việt Nam (Ảnh: George Black/The Nation)

Bom mìn chưa nổ vẫn là một mối nguy hiểm tại Việt Nam (Ảnh: George Black/The Nation)

Khi Chuck Searcy đến Việt Nam vào tháng 6/1967 với tư cách là một nhà phân tích tình báo của quân đội Mỹ, ông không nghĩ rằng 30 năm có thể trở lại sống và làm việc tại đất nước mà ông từng xem là kẻ thù.

Nhưng những ngờ vực về cuộc chiến từ thời phục vụ trong quân đội chỉ tăng lên khi ông trở về nước. Bị thôi thúc bởi cảm giác tội lỗi, Chuck đã trở lại Việt Nam vào năm 1995 với một công việc mới và sứ mệnh mới - chuộc lỗi cho những hành động mà đất nước ông gây ra.

Chuck giờ đây hợp tác với các tổ chức tại Việt Nam, trong đó có Dựa án Renew, một trong những nhóm làm công việc xử lý hàng nghìn quả bom, mìn chưa nổ (UXO), hiện vẫn nằm rải rác quanh vùng phi quân sự cũ ở Quảng Trị.

10-30% bom mìn chưa nổ

Đã vài thập niên kể từ khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975 nhưng công việc của Chuck vẫn còn rất nhiều. Trong chiến tranh, 14 triệu tấn bom mìn đã bị ném xuống Việt Nam, gần gấp 3 lần số bom mà các lực lượng Đồng minh sử dụng trong Thế chiến II. Ước tính từ 10-30% số bom này chưa nổ.

Điều đó dẫn tới một hệ quả là hơn 100.000 dân thường tại Việt Nam đã thiệt mạng vì bom mìn bị chôn vùi trong lòng đất kể từ năm 1975. Thậm chí ngày nay, chính phủ Việt Nam tin rằng khoảng 15% tổng diện tích cả nước vẫn còn sót bom mìn chưa nổ, trong khi tỷ lệ này tại các khu vực như tỉnh Quảng Trị lên tới 84%.

Nhưng bất chấp những con số đó, các nỗ lực của ông Chuck nhằm giúp xoa dịu hậu quả cuộc chiến đẫm máu của quân đội Mỹ tại Việt Nam có thể bị hủy bỏ dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump.

“Hiện thời, áp lực đang gia tăng với chúng tôi trong Dự án Renew và Bộ Quốc phòng Mỹ muốn kết thúc sớm công việc này”, ông Chuck nói.

“Đó là vì sự bếp bênh về nguồn tài trợ từ chính quyền Trump, và cũng vì các cựu chiến binh như chúng tôi đang ngày càng nhiều tuổi, cộng với việc các nỗ lực đang bị chuyển hướng sang những khu vực đang xung đột mà chưa có dấu hiệu chấm dứt như Iraq, Afghanistan, Libya, Syria và các nơi khác”, ông Chuck giải thích.

Cắt giảm viện trợ


Các thành viên của Mag Vietnam kiểm tra một vật liệu chưa nổ (Ảnh: AFP)

Các thành viên của Mag Vietnam kiểm tra một vật liệu chưa nổ (Ảnh: AFP)

Bản giải trình ngân sách cho quốc hội tài khóa 2018 được chính quyền Trump công bố đã kêu gọi giảm 26% tổng tài trợ cho Việt Nam vào năm tới, từ mức 111,5 triệu USD vào năm 2016 xuống còn 82 triệu USD. Trong đó, ngân sách dành cho các chương trình “không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố, rà phá bom mìm và các chương trình liên quan” sẽ bị cắt giảm 1/3, từ 10,5 triệu USD xuống 7 triệu USD.

Ông Chuck cho hay Dự án Renew đã đạt được tiến bộ đáng kể tại tỉnh Quảng Trị. Vào năm 2001, khi tổ chức bắt đầu hoạt động, đã xảy ra khoảng 70-80 tai nạn liên quan tới UXO. Nhưng đến năm 2016, chỉ xảy ra một trường hợp.

“Năm nay, tính tới giữa tháng 7, chưa xảy ra tai nạn nào. Đó là mục tiêu của chúng tôi”, ông nhấn mạnh.

Ông Chuck cho hay các nỗ lực nhằm rà phá UXO còn lâu mới có thể hoàn tất và cần nhiều nguồn tài trợ hơn nữa, vì Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi các tàn dư của chiến tranh.

“Thành công đó không có nghĩa là công việc sẽ không tiếp tục, vì điều đó sẽ tiếp tục và phải như vậy. Công việc phải tiếp tục nhiều năm nữa trong tương lai”, cựu binh Mỹ nói.

Tổ chức nhóm Cố vấn bom mìn của Anh (Mag) đã tham gia rà phá UXO tại Việt Nam từ năm 1999. Nhóm này có các hoạt động tại Quảng Trị và Quảng Bình, một tỉnh khác từng bị ném bom nặng nề, và cũng có các chương trình tự tại Campuchia, Sierra Leone và khoảng 12 quốc gia khác.

Le Anh Thu, một thành viên của Mag Vietnam, cho biết kể từ khi bắt đầu hoạt động tại Việt Nam, tổ chức đã rà quét hơn 46 triệu km2 đất và phát hiện 290.000 vật liệu chưa nổ. Mag Vietnam không chỉ rà phá UXO mà còn giáo dục người dân cách phát hiện và thông báo về bom mìn.

Các nỗ lực của Mag trở nên bấp bênh bởi một vấn đề quan trọng: nguồn tài trợ từ bên ngoài.

“Công việc của chúng tôi phụ thuộc nhiều vào nguồn tài trợ. Đây là một thách thức mà không chỉ Mag mà các tổ chức rà phá bom mìn khác tại Việt Nam cũng đang đối mặt. Chừng nào còn kinh phí, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục chương trình này”, bà Thu nói.

Mặc dù nguồn tài trợ từ Mỹ đã tăng đáng kể trong 13 năm qua, nhưng việc chính quyền Trum giảm sân sách cho công tác rà phá UXO sẽ khiến Mag Vietnam gặp khó khăn trong việc thực thi sức mệnh. Vì Bộ Quốc phòng Mỹ là một trong những bên tài trợ chính cho Mag Vietnam kể từ năm 2004 nên, với động thái mới, hoạt động của Mag sẽ bị sức ép, bà Thu nói.

Đối với bà Thu, và nhiều người khác đang trợ giúp Việt Nam khắc phục hậu quả của chiến tranh, rất khó hiểu lý do vì sao Mỹ từ chối thực hiện cam kết rà phá UXO tại Việt Nam. Theo quan điểm của người Việt, Mỹ phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh vô nghĩa.

“Tôi cho rằng đất bị ô nhiễm bom mìn tại Việt Nam là hậu quả cuộc chiến của Mỹ. Với tư cách là một công dân Việt Nam, tôi cho rằng chính phủ Mỹ cần chịu trách nhiệm về tất cả hậu quả của cuộc chiến tại Việt Nam”, bà Thu nói.

Khi được hỏi về tác động mà việc cắt giảm viện trợ có thể gây ra đối với sự phát triển của Việt Nam và liệu Mỹ từng có cam kết đạo đức để rà phá UXO hay không, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết động thái trên “ủng hộ các cam kết của Tổng thống nhằm đưa chính phủ Mỹ hoạt động hiệu quả hơn bằng cách tập trung các nỗ lực để đảm bảo việc xử lý tiền thuế một cach hiệu quả”.

“Đề nghị ngân sách của Tổng thống bao gồm tới 15 triệu USD cho việc xử lý da cam/dioxin và 7 triệu USD cho việc rà phá bom mìn chưa nổ có nguồn gốc từ Mỹ tại Việt Nam. Giải quyết các hậu quả này từ cuộc chiến tranh tại Việt Nam sẽ giúp thúc đẩy hợp tác giữa hai đất nước”, quan chức trên nói.

Các nghị sĩ Mỹ phản đối


Thượng nghị sĩ Patrick Leahy phản đối việc Mỹ cắt giảm viện trợ khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam (Ảnh: AFP)

Thượng nghị sĩ Patrick Leahy phản đối việc Mỹ cắt giảm viện trợ khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam (Ảnh: AFP)

Không phải tất cả mọi người trong chính phủ Mỹ đều đồng tình với việc cắt giảm ngân sách. Văn phòng của Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, một thành viên đảng Dân chủ từ bang Vermont và một trong các chính trị gia ủng hộ các nỗ lực hậu chiến tranh tại Việt Nam, cho biết ông có kế hoạch phản đối việc cắt giảm này.

Ngay cả các nghị sĩ trong đảng Cộng hòa của ông Trump cũng bày tỏ sự phản đối, khi Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham gọi việc cắt giảm ngân sách là “cái chết cận kề”.

Tuy nhiên, với việc chính quyền Trump đang tỏ rõ ý định duy trì cách thức tiếp cận biệt lập về chính sách ngoại giao, có một tâm lý lo lắng mà một số người tại Việt Nam cảm nhận được và họ có thể phải khẩn trương hoàn thành các nỗ lực dọn dẹp tàn tích chiến tranh.

“Cam kết từ Bộ Ngoại giao Mỹ nhằm “hỗ trợ rà phá UXO” đã được duy trì trong vài năm qua và có vẻ đã được án định là một cam kết cho tương lai. Tuy nhiên, rõ ràng là từ các nhân viên sứ quán tại đây, có thể cảm nhận được tình trạng không chắc chắn. Chúng tôi không biết điều gì có thể xảy ra. Có thể Tổng thống Trump thức dậy vào một buổi sáng và nói: “Chúng ta sẽ không chi một đồng nào nữa cho vấn đề này, quá tệ, và thế là kết thúc”.

Ông Chuck cho hay sự khó đoán của chính quyền Mỹ có lẽ là điều đáng ngại nhất. “Tôi nghĩ, áp lực ở đây là tình trạng không biết chắc điều gì có thể xảy ra”, ông nói.

An Bình

Theo SCMP