1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cuộc sống “như ngày tận thế” của sinh viên nước ngoài ở Vũ Hán

(Dân trí) - Sinh viên người Mỹ đã chia sẻ trải nghiệm như “ngày tận thế” tại thành phố Vũ Hán - nơi được coi là “ổ dịch” khi virus corona bùng phát tại Trung Quốc.

Cuộc sống “như ngày tận thế” của sinh viên nước ngoài ở Vũ Hán - 1

Nicholas Schneider, 21 tuổi, sinh viên Đại học Vũ Hán. (Ảnh: Reuters)

Trong suốt gần một tuần, Nicolas Schneider, sinh viên người Mỹ 21 tuổi, đã cố gắng nhưng vẫn không thể tìm ra cách để thoát khỏi Vũ Hán, thành phố đang bị phong tỏa giữa lúc dịch viêm phổi do virus corona gây ra đang lây lan nhanh chóng.

Bầu không khí yên tĩnh kỳ lạ bao trùm lên các con phố vốn nhộn nhịp thường ngày tại thành phố với 11 triệu dân. Schneider đang học ngành trắc địa tại Đại học Vũ Hán, cách khu vực mà các chuyên gia tin là nơi virus corona khởi phát tại khu chợ bán động vật hoang dã trái phép khoảng 16 km.

“Nơi đây giống như một thành phố ma, gần như không có người và xe cộ. Đó là một cảm giác kỳ lạ. Tôi cảm thấy như mình đang ở ngày tận thế”, Schneider nói với Reuters ngày 29/1.

Chính quyền Trung Quốc đã cắt hầu hết kết nối về giao thông với Vũ Hán từ ngày 23/1, trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona. Dịch viêm phổi do virus này gây ra đã khiến 170 người thiệt mạng và hơn 7.000 người bị nhiễm, vượt qua con số được ghi nhận trong đại dịch SARS hồi năm 2002 - 2003.

Schneider, người có hai quốc tịch Mỹ - Đức, từng nghĩ đến việc lên một chuyến tàu để đi ra khỏi Vũ Hán vào sáng 23/1. Tuy nhiên, bố mẹ của Schneider đã khuyên anh ở lại.

“Bố mẹ tôi nói rằng ga tàu không phải là nơi thích hợp để đến vào thời điểm virus lây lan như vậy. Vì thế tôi quyết định ở lại… và đó là lần đầu tiên tôi thấy sợ hãi vì không biết phải làm gì”, Schneider kể lại.

Schneider đã liên hệ với các nhà chức trách Đức và Mỹ để tìm cách thoát khỏi Vũ Hán. Đại sứ quán Mỹ đề nghị anh trả 1.100 USD cho một ghế trên chuyến bay từ Vũ Hán về Mỹ.

Tuy nhiên, một viên chức tại đại sứ quán Mỹ đã nói với Schneider rằng anh phải tự mình đi ra sân bay ở đầu bên kia của thành phố Vũ Hán, cách chỗ anh đang ở 48 km.

Do các phương tiện giao thông đã dừng hoạt động, Schneider không còn cách nào để rời đi. Khi đó, một viên chức của đại sứ quán Mỹ đã nói với Schneider rằng anh sẽ phải nhường chỗ cho một người khác.

“Tôi không thể tin vào những gì mình vừa nghe được. Đó không phải là cách bạn đối xử với một công dân đang có nhu cầu (rời đi). Giống như kiểu cô ấy không quan tâm gì vậy”, Schneider chia sẻ.

Chuyến bay do chính phủ Mỹ thuê lại rốt cuộc cũng rời Vũ Hán với 210 công dân Mỹ trên khoang. Máy bay dự kiến tới California vào ngày 29/1 (theo giờ địa phương).

“Chuyến bay này ưu tiên cho những người có nguy cơ cao mắc virus corona như trẻ nhỏ, người lớn tuổi và những người có tình trạng sức khỏe khiến họ có nguy cơ lây nhiễm cao hơn”, một viên chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Schneider, người dành phần lớn thời gian sống ở Đức, sau đó chuyển sang các viên chức tại đại sứ quán Đức. Họ đã hứa sẽ có một chuyến xe buýt đưa Schneider đến sân bay vào ngày 1/2.

Từ giờ cho tới lúc lên máy bay rời đi, Schneider cho biết anh sẽ “cố thủ” trong phòng, và chỉ đi ra một khu chợ gần đó để mua nước ngọt và thực phẩm. Khi rời đi, Schneider dự định đội mũ lưỡi trai màu đen có logo của đội bóng rổ Miami Heat, găng tay và khẩu trang làm bằng vải dày để che miệng và mũi.

Schneider hy vọng sẽ được lên đường thoát khỏi Vũ Hán vào thứ Bảy tới.

“Tôi hy vọng tôi sẽ không gặp xui xẻo”, Schneider nói.

Thành Đạt

Tổng hợp