1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cuộc phiêu lưu quân sự đầy rủi ro của Thổ Nhĩ Kỳ

Giới phân tích cho rằng chiến dịch tấn công xuyên biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria có thể kéo dài hơn dự kiến, đồng thời kích động căng thẳng với Mỹ.

Chưa có tiền lệ

Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng cuộc tấn công chưa có tiền lệ này nhằm giải phóng khu vực biên giới khỏi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Đơn vị Tự vệ Nhân dân người Kurd (YPG) - lực lượng dân quân chống IS nhưng bị Ankara coi là tổ chức khủng bố.

Tuy nhiên, từ khi điều động xe tăng tới giúp phe nổi dậy người Ả rập tại Syria đánh đuổi IS khỏi thị trấn biên giới Jarabulus tuần trước, cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ lại chủ yếu nhằm vào các chi nhánh của YPG. Ngày 30/8, phía Mỹ cho biết, họ đã làm trung gian cho một “thỏa thuận không chính thức” giữa hai bên để tạm ngừng các hành động thù địch “trong ít nhất vài ngày tới”.

Thổ Nhĩ Kỳ không khẳng định hay phủ nhận thông tin này, chỉ nói rằng họ đang chờ đợi người Kurd thực thi cam kết với phía Mỹ về việc rút quân khỏi bờ Đông sông Euphrates “càng sớm càng tốt”. Ngày 29/8, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus xác nhận, quân đội nước này đang ngăn chặn người Kurd thiết lập một hành lang kiểm soát dọc biên giới. Điều sẽ giúp củng cố phe nổi dậy Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, chuyên gia Mỹ Aykan Erdemir cho rằng, việc bảo vệ vùng đệm giữa các khu vực do người Kurd kiểm soát ở hai bờ sông Euphrates có thể đẩy Thổ Nhĩ Kỳ chìm sâu hơn vào cuộc xung đột kéo dài hơn 5 năm qua ở Syria. Ông Erdemir cảnh báo: “Cuối cùng, Syria có thể trở thành vùng lãnh thổ mở rộng - nơi diễn ra cuộc giao tranh kéo dài giữa Thổ Nhĩ Kỳ và PKK vốn bắt đầu từ năm 1984”.

Tính đến ngày 29/8, lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh của họ là phe nổi dậy Syria đã tiến tới khu vực chỉ cách thành phố Manbij 15km. Đây là thành phố phía Tây sông Euphrates do Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), với đa số người Kurd, giành lại từ tay IS hồi đầu tháng 8 vừa qua. Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu các lực lượng ủng hộ người Kurd phải rời thị trấn có đa số người Ả rập này.

Xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào thị trấn Jarabulus ngày 24/8. (Nguồn: Reuters)
Xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào thị trấn Jarabulus ngày 24/8. (Nguồn: Reuters)

Càng tiến sâu, càng nguy hiểm

Chuyên gia Aaron Stein thuộc Hội đồng Nghiên cứu Đại Tây Dương (Mỹ) nói rằng, bất kỳ bước tiến xa hơn nào cũng sẽ khiến quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dễ bị nguy hiểm. Ngày 27/8, Thổ Nhĩ Kỳ đã để mất một binh sĩ khi xe tăng bị tên lửa bắn trúng, và đây cũng là thương vong đầu tiên của Ankara trong chiến dịch này.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, đến nay họ đã tiêu diệt 25 “kẻ khủng bố”. Tuy nhiên, tuyên bố này đang bị một nhóm quan sát nghi ngờ bởi họ cho rằng các cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm thiệt mạng hàng chục người, trong đó chủ yếu là dân thường.

Đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì chiến dịch ở quy mô nhỏ với việc triển khai vài chục xe tăng và vài trăm binh sĩ chiến đấu cùng phe nổi dậy Syria. Tuy nhiên, trong bối cảnh đang giành lợi thế, Ankara sẽ phải tăng cường hiện diện để giúp phe nổi dậy duy trì lãnh thổ.

Ông Sinan Ulgen, Giám đốc Viện EDAM ở Istanbul, nhận định: “Điều Thổ Nhĩ Kỳ không hề muốn là vùng lãnh thổ đó rơi lại vào tay IS hoặc người Kurd ở Syria”. Ông Ulgen dự đoán, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thiết lập một căn cứ quanh thị trấn Jarabulus để tiến quân và rút lui từ đó trong các cuộc tấn công.

Theo báo cáo của Hội đồng châu Âu về Quan hệ Đối ngoại (ECFR), “tình hình đang trở nên hỗn loạn. Đối với người Kurd, cuộc xung đột này nhằm thiết lập một khu tự trị cho riêng họ bên trong Syria. Trong khi đó, mục đích của Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay là ngăn chặn kết quả như vậy”.

Ngoài ra, cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ cũng dấy lên câu hỏi về quan điểm thực sự của nước này về cuộc nội chiến ở Syria, giữa chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad được Nga hậu thuẫn và các phe nổi dậy đang tìm cách lật đổ nhà lãnh đạo này.

Thổ Nhĩ Kỳ là kẻ thù không đội trời chung của ông Assad, nhưng gần đây Ankara dường như có quan điểm ít gay gắt hơn đối với Tổng thống Syria. Cả Nga và Damascus đều không lớn tiếng phản đối khi các xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Syria với sự yểm trợ của phe nổi dậy chống lại ông Assad.

Tuy nhiên, điều đó có thể sẽ thay đổi nếu cuộc tấn công này giúp đỡ phe nổi dậy ở các thành phố đang diễn ra giao tranh ác liệt, chẳng hạn như Aleppo. Báo cáo của ECFR viết: “Cuối cùng, khó có thể tưởng tượng rằng các lực lượng khác nhau có thể đứng cùng một phe chống lại người Kurd trong khi vẫn giao tranh ác liệt ở những nơi khác”.

Theo /AFP

Thế giới và Việt Nam