1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cuộc đua giành thiện cảm từ Tổng thống Putin của lãnh đạo Trung - Mỹ

(Dân trí) - Giới phân tích nhận định trong cuộc đua “lấy lòng” Tổng thống Vladimir Putin, Chủ tịch Tập Cận Bình dường như đã thắng thế hơn so với Tổng thống Donald Trump dù hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ vừa dành cho nhau những cái bắt tay nồng ấm tại Phần Lan.

Tổng thống Trump bắt tay ông Putin tại thượng đỉnh đầu tiên

Tổng thống Trump bắt tay Tổng thống Putin tại Phần Lan (Ảnh: Reuters) ỹ -
Tổng thống Trump bắt tay Tổng thống Putin tại Phần Lan (Ảnh: Reuters) ỹ -

Việc Tổng thống Trump thắt chặt hơn nữa mối quan hệ với người đồng cấp Nga đã khiến nhiều người Mỹ không hài lòng. Những gì ông Trump công khai thể hiện tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Putin ở Helsinki, Phần Lan hôm 16/7 đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích mạnh mẽ trong giới nghị sĩ Mỹ. Tại cuộc gặp được chờ đợi từ rất lâu này, thay vì tin tưởng kết luận của cộng đồng tình báo Mỹ rằng Nga đã can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, ông Trump thể hiện sự đồng tình với quan điểm của Tổng thống Putin rằng Moscow không hề can thiệp.

Xét đến lịch sử mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga, việc nhà lãnh đạo Mỹ có xu hướng kết thân với Tổng thống Putin có thể khiến Bắc Kinh không thoải mái. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định trong mối quan hệ “tay ba” này, Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình có sự gắn kết với nhau bởi nhu cầu chiến lược, cùng với đó là tình cảm cá nhân hữu hảo thực sự.

“Tổng thống Trump đã cho thấy rõ ông là một người hâm mộ Tổng thống Putin. Tuy nhiên mọi người cũng đều hiểu rằng ông Trump thường xuyên thay đổi lập trường của mình. Những nỗ lực kết thân của ông Trump không thể so sánh với bề dày lịch sử cũng như mối quan hệ gần gũi giữa ông Putin và ông Tập”, Li Xin, giám đốc trung tâm về Nga tại Viện nghiên cứu đối ngoại Thượng Hải, nhận định.

Trung Quốc và Nga gắn kết với nhau dựa trên các nhu cầu thực tiễn và chính trị. Bắc Kinh muốn nguồn dầu mỏ và khí đốt của Moscow để cung cấp năng lượng cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong khi đó, Nga cần hơn bao giờ hết trao đổi thương mại và đầu tư từ Trung Quốc sau khi bị phương Tây trừng phạt vì sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

Cả Nga và Trung Quốc đều muốn xóa bỏ chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo tại khu vực Trung Á. Ngoài ra, hai nước cũng đều lo ngại tầm ảnh hưởng toàn cầu của Washington.

“Cả hai nhà lãnh đạo (Nga - Trung) đều muốn kiềm chế tầm ảnh hưởng của Mỹ, làm suy yếu các liên minh của Mỹ và thay đổi hệ thống thế giới theo chiều hướng có lợi hơn cho họ”, nhà nghiên cứu Bonnie Glaser tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Washington nhận định.

Quan hệ hòa hảo

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao huân chương hữu nghị cho Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Reuters)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao huân chương hữu nghị cho Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Trump vẫn ca ngợi những kĩ năng chính trị của Tổng thống Putin. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc từ lâu đã công khai thể hiện mối quan hệ hòa hảo của họ.

Trước thềm chuyến thăm tới Trung Quốc hồi tháng 6, Tổng thống Putin đã nhắc lại kỷ niệm tổ chức sinh nhật với rượu vodka và xúc xích cùng Chủ tịch Tập Cận Bình cách đây 5 năm.

“Tôi nghĩ Chủ tịch Tập Cận Bình là người duy nhất trong số tất cả các nhà lãnh đạo thế giới tổ chức sinh nhật cùng với tôi… Tôi chưa bao giờ xây dựng một mối quan hệ gần gũi với bất kỳ nhà lãnh đạo nước ngoài nào, nhưng tôi đã làm điều đó với Chủ tịch Tập”, Tổng thống Putin chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Trung Quốc.

Cả Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đều dành thời gian cho người còn lại nhiều hơn dành cho bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác. Hồi tháng 6, ông Tập Cận Bình đã tặng cho ông Putin “huân chương hữu nghị” đầu tiên và gọi nhà lãnh đạo Nga là “người bạn tốt nhất, thân thiết nhất”.

Theo Alexander Gabuev, chuyên gia về quan hệ Nga - Trung tại Trung tâm Carnegie Moscow, nếu đặt trong bối cảnh các nhà lãnh đạo thế giới có thể trở thành những người bạn thực sự của nhau, mối quan hệ giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình được đánh giá ở mức cao. Do vậy, chuyên gia này cho rằng “Trung Quốc không có gì phải lo lắng” về mối quan hệ giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Donald Trump.

Sau hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ ở Helsinki, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã hoan nghênh mối quan hệ được cải thiện giữa Washington và Moscow. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh hoàn toàn “tin tưởng” vào mối quan hệ song phương với Nga.

“Quan hệ Nga - Trung sẽ không bị tác động bởi bất kỳ nhân tố bên ngoài nào”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.

Theo nhà bình luận Harry Kazianis, cũng có khả năng một ngày nào đó Mỹ và Nga sẽ bắt tay nhau để đối phó với Trung Quốc nếu sự trỗi dậy của Bắc Kinh gây tổn hại tới lợi ích của Washington và Moscow.

“Mặc dù hôm nay chúng ta (Mỹ) có thể thấy Nga là một nước đối thủ, nhưng ngày mai họ có thể trở thành đối tác của chúng ta trong việc kiềm chế một đối thủ chung”, nhà bình luận Kazianis gần đây nhận định.

Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng viễn cảnh trên ít có khả năng xảy ra trong tương lai gần. Có thể lấy dẫn chứng từ chính những gì Tổng thống Trump vừa mới tuyên bố. Ngay sau khi trở về nước, trước sức ép chỉ trích từ công chúng, ông Trump cho biết ông đã “lỡ lời” trong cuộc họp báo chung với ông Putin ở Phần Lan khi đề cập tới cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Ông Trump khẳng định hoàn toàn tin tưởng tình báo Mỹ và ủng hộ kết luận của họ rằng Nga đã can thiệp bầu cử Mỹ.

Cũng theo các chuyên gia, thay vì xem Tổng thống Trump là nhân tố gây ảnh hưởng tới mối quan hệ với Nga, Trung Quốc có thể nhìn sang một khía cạnh khác là sự chia rẽ ngày càng tăng giữa ông Trump và các đồng minh của Mỹ tại châu Âu.

“So với quan hệ Nga - Mỹ, Trung Quốc có mối quan hệ tốt hơn với cả Washington và Moscow. Trung Quốc có thể hy vọng rằng chuyến đi của ông Trump (tới Phần Lan) không làm thay đổi thực tế đó”, chuyên gia Glaser nhận định.

Thành Đạt

Theo SCMP