1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Cuộc chiến chống quan tham bao gái ở Trung Quốc

(Dân trí) - Kể từ khi chính quyền thuộc về tay nhân dân, việc lấy vợ lẽ bị coi là bất hợp pháp ở Trung Quốc. Tuy nhiên sau gần 3 thập kỷ, cùng với sự giàu có thịnh vượng, nạn tham nhũng trở nên khá phổ biến, kèm theo đó là chuyện quan hệ tình ái ngoài hôn nhân của nhiều cán bộ nhà nước, đặt ra nhiều vấn đề phức tạp về kinh tế xã hội.

95% quan tham có vợ bé

 

Trong thời gian qua, các phương tiện thông tin nhà nước Trung Quốc đã đưa tin về hàng loạt các vụ tham nhũng hối lộ gây xôn xao dư luận ở nước này có liên quan đến nhiều cán bộ nhà nước cùng với những cô nhân tình trẻ. Một trong những trường hợp điển hình của tệ nạn nói trên là việc cuối tháng 6/2006 vừa qua, Phó Đô đốc Wang Shouye (62 tuổi),  Phó Tư lệnh lực lượng Hải quân và là thành viên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC, tức Quốc hội) Trung Quốc đã bị thải hồi khỏi những chức vụ trên vì tội tham nhũng. Ông Wang là một trong những quan chức cấp cao nhất bị bắt giữ trong chiến dịch chống tham nhũng đang được Trung Quốc tiến hành.

 

Đầu tháng 6, Phó Thị trưởng Bắc Kinh Liu Zhihua cũng bị mất chức vì tội tham nhũng. Tuy nhiên, vụ tham nhũng của Đô đốc Wang Shouye đã thu hút được sự chú ý nhiều của dư luận Trung Quốc không phải chỉ vì ông là một quan chức cao cấp bị kỷ luật do những việc làm vi phạm nghiêm trọng luật pháp mà còn bởi, theo các tài liệu chính thức của cơ quan điều tra, ông Wang đã bị tình nhân, là một phụ nữ trẻ chưa có chồng "lật mặt" và báo cáo về các hoạt động vi phạm pháp luật với chính quyền. Người phụ nữ này đã thừa nhận mối quan hệ bất chính giữa hai người trong một thời gian dài.

 

Cũng theo báo chí Trung Quốc, 95% số người bị tố cáo phạm tội về kinh tế ở tỉnh Quảng Đông – một trong những tỉnh giàu có nhất ở Trung Quốc –  ít nhất là có một người tình ngoài hôn nhân. Gần đây một công tố viên ở tỉnh Hà Nam bị mất chức sau khi cáo giác ông này biển thủ hai triệu đôla Mỹ để sống xa hoa và bao cho không phải chỉ một, mà tới bảy cô nhân tình. Việc hối lộ không chỉ dừng lại ở tiền hay hiện vật mà còn có cả những vụ “hối lộ tình dục”, như trường hợp giám đốc của một công ty quốc doanh ở tỉnh Sichuan đã nhận “hối lộ” của những nhà thầu xây dựng dưới hình thức một căn hộ mới kèm theo một cô tình nhân đã được bao cấp mọi khoản chi phí ở sẵn trong đó.

 

Hội chứng tuổi 59

 

 

Cuộc chiến chống quan tham bao gái ở Trung Quốc - 1
 

Phó thị trưởng Bắc Kinh Liu Zhihua

cũng bị mất chức vì tham nhũng

Những vụ tham nhũng của nhiều cán bộ sắp đến tuổi 60 - tuổi về hưu theo quy định đối với nam giới - phổ biến đến mức khiến cho nhiều người Trung Quốc đã gọi đó là “hội chứng tuổi 59”. Nhà tình dục học Trung Quốc Li Yinhe, người đứng đầu phòng nghiên cứu Hôn nhân và Gia đình thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc đã nhận xét: “Tình dục không phải là nguyên nhân chính khiến cho những cán bộ viên chức tham nhũng. Trong mắt họ, có vợ bé và tình nhân cũng giống việc sắm những món hàng đắt tiền như một chiếc xe Mercedes Benz hoặc một ngôi biệt thự vậy... Tham nhũng nảy sinh từ lòng tham chứ không phải chỉ là từ thói trăng hoa”.

 

Không chỉ có những cán bộ viên chức nhà nước tham nhũng mà cả nhiều thương gia giàu có cũng coi việc bỏ tiền ra bao thêm một vài cô gái ngoài người vợ đã có như một mốt thời thượng. Tuy vị trí công việc có khác nhau nhưng sự việc diễn ra thì không có gì khác. Họ đều tìm mọi cách để có thêm những cô gái trẻ đẹp như một thứ phần thưởng và thước đo cho địa vị cũng như sự giàu có của mình. Và trong khi những cô nhân tình đưa ra những đòi hỏi về tiện nghi vật chất và đồ trang sức ngày một lớn hơn thì những “ông già háo sắc” này cũng phải tìm thêm những cơ hội kiếm tiền nhanh chóng hơn, kể cả những cách kiếm tiền bất hợp pháp. Theo ước tính của tờ Tín báo (Trung Quốc), nạn tham nhũng ở Trung Quốc đã khiến nền kinh tế của nước này mỗi năm thiệt hại 123 - 157 triệu USD, chiếm 13%-17% GDP mỗi năm.

 

Ở Trung Quốc, làm gái bao dường như đang dần trở thành một nghề bình thường như bao nghề khác. “Người đàn ông sẽ ghé thăm cô gái đó một đôi lần mỗi tháng, và để đổi lại cô ta sẽ có tiền. Đó là một sự lựa chọn đơn thuần về kinh tế. Những cô gái như vậy có thể gửi tiền về cho gia đình và nói rằng đó là tiền do mình làm ra”, Maria Tam, một giáo sư nhân loại học ở Trường đại học Trung Quốc của Hongkong nhận xét.

 

Lập website để chống tham nhũng

 

Để đối phó với tình trạng gia tăng về tham nhũng cũng như “vấn đề vợ bé”, nhà nước Trung Quốc từ nhiều năm nay đã cho áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn. Trong 2 năm 2004-2005, Trung Quốc đã xử phạt 50.000 quan chức tham nhũng. Trong nỗ lực đẩy lùi tham nhũng, làm trong sạch hóa bộ máy chính quyền và đội ngũ đảng viên, ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc trong năm 2005 đã xử lý kỷ luật hơn 11.543 đảng viên; các cơ quan thanh tra kỷ luật Đảng các cấp đã khai trừ 24.188 và có các hình thức kỷ luật khác với 147.539 đảng viên. Chính quyền nước này cũng đã xử phạt nghiêm minh 17 quan chức lãnh đạo cấp tỉnh tham ô, nhận hối lộ.

 

 

Cuộc chiến chống quan tham bao gái ở Trung Quốc - 2
 

Sự giàu có thịnh vượng

cũng đặt ra nhiều vấn

đề.

Hiện nay, cuộc đấu tranh chống tham nhũng của chính phủ và nhân dân Trung Quốc đang quyết liệt hơn bao giờ hết và đã trở thành cuộc chiến của toàn dân. Nhằm đẩy mạnh thêm cuộc chiến chống tham nhũng, năm 2005 Cơ quan giám sát kỷ luật Trung Quốc đã cho khai trương website có tên: Wejubao.gov.cn để tạo điều kiện cho mọi người dân đều có thể dễ dàng tố giác những quan chức có hành vi tham nhũng.

 

Nhằm ngăn chặn và truy lùng những quan tham ẵm tiền của nhà nước rồi trốn ra nước ngoài, đồng thời tạo điều kiện về mặt pháp lý để thu hồi lại những tài sản bị thất thoát ra nước ngoài, Trung Quốc cũng đã ký phê chuẩn Công ước chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc cùng với sự tham gia của 147 quốc gia thành viên khác với mục đích sử dụng công ước này như một công cụ chống tham nhũng không thể thiếu trong quá trình hội nhập quốc tế. Bởi vậy, cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc đã bước đầu có hiệu quả cao hơn trước. Nếu như cách đây gần một thập kỷ Trung Quốc là một trong những quốc gia đứng trong “top” các nước đứng đầu về tệ nạn tham nhũng, thì năm 2004, theo Tổ chức Minh bạch thế giới, Trung Quốc đứng ở vị trí 71 trong số 146 quốc gia được tham gia đánh giá về nạn tham nhũng.

 

 

Thay đổi phong tục lạc hậu khó hơn thay đổi nền tảng kinh tế

 

Với chủ trương gắn liền cuộc chiến chống tham nhũng với kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội của đất nước, đồng thời nhằm hạn chế nạn vợ bé gái bao, từ vài năm trước Trung Quốc đã đưa ra ban hành bộ luật gia đình mới, với những điều khoản cấm cả tội 2 vợ và tội  chung sống như vợ chồng ngoài hôn nhân (khác với luật trước đó chỉ cấm tội 2 vợ). Theo luật mới những phụ nữ phải ly hôn do chồng muốn lấy vợ hai hoặc do bị lạm dụng sức lao động  trong gia đình có quyền được yêu cầu bồi thường bằng tài chính. Hình phạt dành cho những kẻ coi thường pháp luật có thể lên tới 2 năm tù giam.

 

Tuy nhiên, cũng như nạn tham nhũng, việc đẩy lùi hiện tượng vợ bé, gái bao vẫn đòi hỏi những biện pháp và sự nỗ lực nhiều hơn nữa của chính phủ và nhân dân Trung Quốc. Điều này cho thấy, chuyện thay đổi những quan niệm và phong tục lạc hậu đã có từ lâu đời bao giờ cũng là một việc khó khăn và đòi hỏi một quá trình đôi khi còn lâu dài hơn cả việc thay đổi bộ mặt kinh tế của một đất nước.

 

Vũ Anh Tuấn

Theo Daily China, Newsweek